Rủi ro gì khi đồng USD mạnh trở lại?
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 12/05/2018
Ảnh: GuoGuiyan.com |
Tính đến sáng 7/5, chỉ số USD Index đang nằm tại mức 92,52, tăng gần 4% so với mức thấp quanh 88,9 vào giữa tháng 4. Chỉ số này có lúc tăng lên tới 92,9 - mức cao nhất kể từ ngày 28/12/2017 đến nay. Nếu so với đầu năm nay, chỉ số này chỉ tăng khiêm tốn gần 0,3%%. Dù vậy, vấn đề nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất là sự phục hồi trên chỉ là yếu tố kỹ thuật có tính nhất thời, hay đồng USD thật sự đã đảo chiều thiết lập xu hướng tăng trở lại?
Nếu so với các ngoại tệ chính khác, đồng USD cũng đã tăng mạnh trở lại và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Đồng USD tăng giá mạnh thời gian gần đây khi giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong khi các ngân hàng trung ương khác, gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ khó có thể sớm thắt chặt chính sách trở lại.
Đáng lưu ý là trong tuần qua đồng USD đã tăng vượt ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng ở đường trung bình động 200 ngày lần đầu tiên kể từ đầu năm. Sự phục hồi mạnh mẽ này của đồng bạc xanh đã khiến nhiều quỹ đầu cơ bất ngờ, bởi trước đó họ đã giữ trạng thái bán khống USD. Khi USD tăng giá mạnh, các quỹ đó phải mua vào để đóng trạng thái bán khống, khiến đồng bạc xanh càng tăng giá mạnh hơn.
Trong cuộc họp về chính sách lãi suất kéo dài 2 ngày hồi đầu tháng này, mặc dù FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản USD ở mức 1,5 - 1,75% như hiện tại, đúng như kỳ vọng của thị trường, tuy nhiên với tình hình lạm phát đang có dấu hiệu tăng nhanh trở lại có thể thúc đẩy FED buộc phải tăng lãi suất nhanh hơn so với lộ trình đã đặt ra.
Ngoài ra, với triển vọng kinh tế Mỹ tích cực và khả năng thắt chặt chính sách nhanh hơn đang thúc đẩy dòng vốn chảy vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này, do đó đồng USD tăng giá là điều dễ hiểu.
Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) cũng lưu ý rằng lạm phát chung và chỉ số giá tiêu dùng lõi - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - đã tiến gần về mục tiêu 2%. Đây là sự thay đổi lớn so với cuộc họp tháng 3/2018 - lúc đó FOMC cho biết các chỉ số lạm phát tiếp tục dao động dưới mốc 2%.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng lõi (PCE)- thước đo lạm phát yêu thích của FED - đã tăng lên 1,9% trong tháng 3/2018, mức cao nhất kể từ tháng 2/2017. Nếu tính luôn cả giá thực phẩm và năng lượng, thì chỉ số PCE đã tăng 2%. Cơ quan này cũng thay đổi dự báo lạm phát sẽ tăng lên trong vài tháng tới. Kể từ khi tạo đáy vào năm 2015, giá cả của các loại hàng hóa và dịch vụ đã duy trì xu hướng tăng cho đến nay.
Các dữ liệu khác cho thấy triển vọng kinh tế Mỹ tiếp tục tích cực, tăng trưởng GDP quý 1 đạt 2,3%, cao hơn mức dự báo là 2%, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục mở rộng khi các chỉ số sản xuất vẫn tích cực, niềm tin tiêu dùng cải thiện, trong khi thị trường việc làm vẫn khả quan với tỷ lệ thất nghiệp tháng 4 giảm còn 3,9% - vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục trong hơn 17 năm qua.
Đáng lưu ý là tình hình địa chính trị trên toàn cầu cũng như rủi ro chiến tranh thương mại có dấu hiệu hạ nhiệt cũng phần nào hỗ trợ cho đồng bạc xanh. Vấn đề CHDCND Triều Tiên đang được giải quyết khá tích cực và đúng hướng sau cuộc họp liên Triều diễn ra gần đây. Ngoài ra, với triển vọng kinh tế Mỹ tích cực và khả năng thắt chặt chính sách nhanh hơn đang thúc đẩy dòng vốn chảy vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này, do đó đồng USD tăng giá là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, tỷ giá USD/VND trong nước vẫn khá ổn định. Cập nhật đến ngày 7/5 thì tỷ giá trung tâm USD/VND nằm tại 22.558, tăng chưa đến 0,6% so với đầu năm nay. Tuy nhiên trong bối cảnh đồng USD đang tăng mạnh trở lại và nếu tiếp tục duy trì xu hướng này sẽ gây áp lực tăng giá khá lớn lên đồng USD trong nước.
Đặc biệt với tăng trưởng tín dụng ngoại tệ mạnh mẽ thời gian qua, việc tỷ giá có thể tăng nhanh trở lại là một rủi ro mà các doanh nghiệp vay ngoại tệ cần lưu tâm trong giai đoạn tới.
Số liệu công bố gần nhất cho thấy tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong quý 1 đã tăng tới 5,4% sau khi tăng mạnh tới 18% trong năm 2017, khi mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ đến hết năm 2018 theo Thông tư số 31/2016/TT-NHNN, cộng với diễn biến thuận lợi của thị trường ngoại hối, tỷ giá ổn định đã kích thích các doanh nghiệp đẩy mạnh vay ngoại tệ để tiết giảm chi phí tài chính.