11 điều cần lưu ý khi kinh doanh ở Myanmar

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:36, 13/05/2018

Để kinh doanh ở Myamar bạn nên tìm hiểu thật kỹ về luật pháp, chính sách thuế, do giá mặt bằng rất cao.
11 điều cần lưu ý khi kinh doanh ở Myanmar

Thời gian qua sản phẩm của công ty tôi đã “chinh chiến” thành công ở một số nước Đông Nam Á. Qua quá trình làm kinh doanh tôi học được rất nhiều điều từ những thất bại và thành công ở thị trường này, từ đó đúc kết ra một số kinh nghiệm.

Mỗi quốc gia sẽ có một nền văn hóa khác nhau, nền tảng chính trị và luật pháp cũng rất khác nhau. Hôm nay tôi sẽ nói về việc kinh doanh ở Myanmar.

1. Tìm partner: Đây là giai đoạn cực kỳ gian nan và vất vả. Các bạn có thể mất rất nhiều thời gian và công sức thậm chí mất rất nhiều tiền nếu hợp tác sai partner. Ở đất nước nào cũng vậy, cũng có người xấu kẻ tốt, để làm ăn thành công bạn phải tìm hiểu cho kỹ ông chủ của công ty mà bạn dự tính hợp tác kinh doanh, xem họ có là người có uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp ở đó hay không. Cách tốt nhất là nên tìm người Việt đã kinh doanh ở Myanmar để nhờ họ kết nối giúp (tuy nhiên bạn cần phải hiểu rõ người đó, nếu không chính bạn sẽ bị “ta đánh ta”).

2. Luật pháp Myanmar chưa cho phép 100% vốn nước ngoài kinh doanh thương mại, bạn phải liên doanh với người địa phương (trừ một số ngành nghề mà chính phủ ưu tiên). Chính vì lệ thuộc vào người bản địa nên cũng gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư.

Link bài viết

3. Sở hữu đất đai: Công ty nước ngoài không được phép sở hữu đất đai, mà phải thông qua công ty liên doanh với người địa phương. Chính vì lẽ đó, hiện tại ở Myanmar không có nhiều công ty đầu tư lớn vào việc sản xuất công nghiệp. Những vị trí đất đẹp ở Yangon còn rất nhiều nhưng hỏi ra là của quân đội sở hữu và giá đất cũng tương đương giá đất phía Nam của Việt Nam.

4. Luật đầu tư của Myanmar có nét tương tự như Việt Nam ở thời kỳ đầu mở cửa, chính phủ chỉ ưu tiên cho mô hình liên doanh giữa công ty địa phương và công ty nước ngoài, người địa phương góp vốn bằng đất đai.

5. Chi phí đăng ký kinh doanh: Trọn gói khoản 7 triệu đồng Việt Nam (theo Peter - một người bạn tôi ở Myanmar)

6. Chi phí văn phòng: Văn phòng và khách sạn hiện tại đang thiếu trầm trọng, do đó giá thuê văn phòng rất đắt. Hầu hết các văn phòng ở Myanmar rất cũ kỹ (kinh doanh cho thuê văn phòng và khách sạn là lĩnh vực phát triển rất tốt ở Myamar)

7. Chi phí nhân sự: Mức lương bình quân của công nhân khoảng 120 USD, do đó chi phí tiền lương bạn chỉ trả bằng 50% chi phí ở Việt Nam.

8. Con người: Người Myanmar xuất phát từ đất nước nông nghiệp và đạo Phật là quốc đạo nên họ rất hiền lành (cũng khá chậm chạp). Họ vẫn còn nét “tình làng nghĩa xóm” như Việt Nam trước đây, do đó để làm ăn được ở đây, việc cố gắng kết bạn với người địa phương là điều nên làm.

Link bài viết

9. Sản xuất: Myanmar chủ yếu là làm nông nghiệp, họ chưa phát triển được sản xuất về tiêu dùng và công nghiệp nên chủ yếu nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị từ Thái Land và Nhật Bản.

10. Xe hơi: Ở Myanmar, xe hơi nhập khẩu từ Nhật và châu Âu, nên giá rất rẻ, cứng cáp, đẹp và tiện dụng (có thể tốt hơn xe mới ở Việt Nam). Toàn bộ thành phố Yangon có rất nhiều xe hơi (hơn 2 triệu chiếc). Thành phố Yangon kẹt xe kinh khủng, do đó bạn cần lưu ý khi đi lại.

11. Giờ làm việc: 9h sáng đến 5h chiều và không nghỉ trưa.

Tóm lại để kinh doanh ở Myanmar, bạn nên tìm hiểu thật kỹ về luật pháp, chính sách thuế, do giá mặt bằng rất cao. Việc cần làm là nên đầu tư nguyên nhóm, bao gồm nhiều công ty Việt Nam để giảm chi phí mặt bằng và các chi phí khác. Chia sẻ thông tin, nguồn lực và quan hệ là việc bắt buộc phải làm (hãy học cách làm như các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản thì khả năng thành công mới cao). Một công ty đơn độc sẽ rất khó để kinh doanh ở thị trường này.

Ngoài ra, luật pháp cũng còn nhiều rào cản do đó việc thiết lập quan hệ với những bạn bè địa phương Myanmar cũng rất quan trọng.

Bên cạnh đó, để làm ăn lâu dài thì việc thiết lập quan hệ với các quan chức quân đội là điều không thể tránh khỏi.

(*) Tác giả là CEO Nano Technology USA

(Nội dung này đã được đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp, Doanh Nhân Sài Gòn Online biên tập)

VÕ XUÂN YÊN (*)