Doanh nghiệp bất động sản, xây dựng 2018: Tiếp tục tái cơ cấu danh mục đầu tư
Bất động sản - Ngày đăng : 09:23, 15/05/2018
Ảnh minh họa |
Tại đại hội cổ đông 2018 của một số công ty, không ít cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo về việc thanh lý một số dự án trong điều kiện thị trường bất động sản đã hồi phục. Điển hình, với Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), cổ đông chất vấn vì sao bán dự án căn hộ ở khu dân cư Bình Chiểu (quận Thủ Đức, TP.HCM) thay vì tự phát triển, bởi căn hộ vẫn là xu hướng lựa chọn của nhiều người có nhu cầu an cư.
Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng - Tổng giám đốc Thuduc House nhấn mạnh, về mặt chiến lược, Công ty vẫn phát triển bất động sản, nhưng có những dự án không có lợi nhuận như kỳ vọng nên ban lãnh đạo phải cân nhắc, trong khi có những dự án hợp lý hơn mà nhà phát triển bất động sản khác bán, Công ty sẽ thanh lý dự án lợi nhuận không nhiều, sử dụng nguồn tiền này mua dự án được đánh giá có lợi nhuận kỳ vọng tốt hơn.
Việc tạo ra nguồn vốn tái đầu tư cũng được Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cân nhắc. Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT chia sẻ, Hòa Bình không chủ trương kinh doanh bất động sản rầm rộ, không trực tiếp lấy thương hiệu Hòa Bình để triển khai dự án. HBC là công ty xây dựng, khách hàng là các công ty bất động sản, nếu phát triển rầm rộ thì mâu thuẫn về lợi ích với khách hàng.
Theo ông Hải, việc đầu tư bất động sản sẽ đi theo quy trình riêng bởi lĩnh vực này và xây dựng có những đặc điểm khác nhau. Hòa Bình đang xây dựng trên 80 công trình quy mô lớn và vừa, nhưng chỉ trực tiếp đầu tư 12 dự án bất động sản quy mô nhỏ, vừa cũng như tham gia góp vốn vào một số dự án. Thêm nữa, kinh doanh bất động sản do công ty con Tiến Phát đảm trách.
Liên quan đến mảng bất động sản, ông Lê Quốc Duy - Phó chủ tịch HBC cho biết thêm, công ty con Tiến Phát chỉ có vốn điều lệ khoảng 152 tỷ đồng, con số "khiêm tốn" so với quy mô vốn của nhiều doanh nghiệp phát triển dự án. Do vậy, để cân đối tài chính, Công ty phải có hướng đi riêng. Theo ông Duy, ban điều hành sẽ chuyển nhượng một số dự án không thuộc sở trường, có thể bán được ngay và thu về lợi ích cho cổ đông. Việc tái cơ cấu đầu tư sẽ đảm bảo an toàn tài chính cho cả công ty mẹ lẫn công ty con (vì Tiến Phát phải vay tiền từ công ty mẹ để triển khai dự án).
Trên cơ sở này, Tiến Phát đang tiến hành các thủ tục chuyển nhượng dự án khu nhà ở Long Thới, khu nhà ở Phúc Lộc Thọ (huyện Nhà Bè) và một dự án ở quận 4, ước tính lợi nhuận thu về dao động trên dưới 100 tỷ đồng/dự án. Song song đó, với các dự án căn hộ có tiềm năng, Tiến Phát sẽ áp dụng mô hình kêu gọi nhà đầu tư ngoại tham gia phát triển ngay từ đầu, với tỷ lệ góp vốn 50/50 để vừa bổ sung nguồn vốn vừa giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
Chẳng hạn, Công ty đã hợp tác với Tập đoàn Sanyo Homes (Nhật Bản) triển khai dự án Ascent Lakeside (quận 7) và tiếp tục ký hợp đồng với Tập đoàn Prosehre Co.,Ltd (Nhật) đồng phát triển dự án Ascent Plaza - Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh). Đây cũng là dự án thứ hai mà Tiến Phát và Prosehre "bắt tay" sau Ascent Garden Homes (Tân Thuận Đông, quận 7).
Bên cạnh việc tái cơ cấu danh mục đầu tư và tài chính, để Tập đoàn hoạt động hiệu quả, trong những năm gần đây Hòa Bình đã tái cơ cấu các công ty con, chuyển sang mô hình công ty liên kết (tỷ lệ nắm giữ dưới 51%) như Hòa Bình Engineering và Anh Huy đã làm. 2 công ty này đã kết hợp với đối tác Nhật Bản (HBC chỉ nắm giữ 49% cổ phần) tạo thành Công ty CP Jesco Hòa Bình Engineering, đến nay đã hoạt động có lãi.
Giải thích về trường hợp chuyển đổi này, ông Lê Viết Hải cho rằng, công ty con trực thuộc quản lý của công ty mẹ có vấn đề khó là mâu thuẫn với lợi ích khách hàng, nhà thầu phụ của công ty mẹ. Ngoài công ty đảm trách mảng M&E, Công ty Mộc Hòa đang có kế hoạch chuyển sang công ty liên kết. Quá trình tái cơ cấu này diễn ra ở từng công ty thành viên, không thể làm ồ ạt cùng lúc - lãnh đạo HBC chia sẻ.
Cũng liên quan đến vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp, khi bị cổ đông chất vấn việc có nên xem xét thu hẹp phạm vi hoạt động, thoái vốn tại các công ty con không mang về lợi nhuận như kỳ vọng và tập trung tối đa cho lĩnh vực cốt lõi là bất động sản, ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT Thuduc House cho rằng, việc tái cơ cấu để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là điều luôn được HĐQT chú ý. Song, trong 10 năm bất động sản rơi vào cảnh trầm lắng, sở dĩ Thuduc House có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này là nhờ sự hỗ trợ từ các mảng khác như xuất nhập khẩu, thương mại, kinh doanh chợ đầu mối.
Trong phần chia sẻ kết quả kinh doanh tại đại hội cổ đông 2018, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - Phó tổng giám đốc Thuduc House cho biết, năm ngoái, tổng doanh thu của Thuduc House đạt 1.922 tỷ đồng, tăng 67,8% so với 2016 và bằng 141,6% so với kế hoạch. Lợi nhuận ròng sau thuế của Công ty đạt 130 tỷ đồng, tăng 21% và vượt 10% kế hoạch.
Trong đó, hơn 77% lợi nhuận chủ yếu đến từ kinh doanh địa ốc và xuất nhập khẩu nông sản, giúp EPS tăng từ mức 1.121 tỷ đồng lên 1.444 tỷ đồng (tăng gần 30%). Theo ông Chinh, doanh thu thuần từ chợ nông sản Thủ Đức đạt mức kỷ lục 296 tỷ đồng trong năm 2017, tăng hơn 50%, nhờ vào việc tăng giá cho thuê ô vựa. Thêm nữa, doanh thu thuần từ mảng xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt do bên cạnh những mặt hàng nông sản, Công ty mở rộng xuất khẩu linh kiện điện tử.
Tuy không lấn sân sang các lĩnh vực mới như Thuduc House hay Hòa Bình nhưng trong danh mục đầu tư của Công ty CP Đầu tư Nam Long, giai đoạn tới, Công ty chủ yếu tập trung vào những dự án quy mô lớn, tích hợp nhiều hạng mục gồm nhà ở, trường học, trung tâm thương mại thay vì phát triển dự án riêng lẻ như trước đây. Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Nam Long cho biết, năm 2018, Nam Long sẽ tập trung phát triển mạnh các khu đô thị với quy mô từ 5.000 sản phẩm/dự án, thuộc các dòng nhà ở phù hợp túi tiền Ehome, Flora và Valora.
Năm qua, cùng với việc "mở khóa" quỹ đất lớn hơn 26ha thuộc khu đô thị Mizuki Park (Nam Sài Gòn) thì năm nay, Nam Long và các đối tác sẽ "mở khóa" dự án trọng điểm đã được chuẩn bị từ nhiều năm nay, cụ thể là khu đô thị Waterpoint 355ha tại Bến Lức, Long An. Đại diện Nam Long cho biết Waterpoint đã giải phóng mặt bằng được 98%, đang xúc tiến quy hoạch, xây dựng hạ tầng đồng thời sẽ đón các đối tác tham gia tư vấn.
Dự án sẽ có nhiều loại hình nhà ở thuộc nhiều phân khúc và triển khai dài hạn. Đây là quỹ đất đẹp, thuận tiện cho việc quy hoạch khu đô thị nên thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư ngoại. Một khi có nhà đầu tư nước ngoài vào, Công ty sẽ ưu tiên làm nhà phù hợp túi tiền trước. Hiện, công tác chuẩn bị, kể cả nguồn vốn cho dự án quan trọng này đã sẵn sàng, dự kiến, Waterpoint đạt giá trị bán hàng hơn 900 triệu USD.
Bên cạnh việc điều chỉnh quy mô và hình thái dự án, giai đoạn 2018 - 2020, Nam Long sẽ đưa 15.800 sản phẩm ra thị trường, trong đó dòng Flora là 11.000 sản phẩm, Ehome và Valora mỗi dòng 2.400 sản phẩm. Cơ cấu này thay đổi đáng kể so với giai đoạn 2015 - 2017, với dòng nhà ở dưới 1 tỷ đồng/căn - Ehome luôn chiếm trên 50% trong tổng sản phẩm đưa ra thị trường.