Địa phương hóa dữ liệu: Chi phí lớn hơn lợi ích thu được

Du lịch - Ngày đăng : 03:26, 17/05/2018

Luật An ninh mạng sẽ được Quốc hội thảo luận và có thể được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV dự kiến khai mạc ngày 21/5 tới tại Hà Nội.
Địa phương hóa dữ liệu: Chi phí lớn hơn lợi ích thu được

Dự thảo Luật An ninh mạng có thể điều chỉnh trực tiếp và tác động đến quyền và lợi ích của ba nhóm doanh nghiệp: nhóm sản xuất và kinh doanh các thiết bị, giải pháp kỹ thuật về an ninh mạng, nhóm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech) và nhóm doanh nghiệp cung cấp giải pháp, dịch vụ nội dung số, giải pháp công nghệ nói chung.

Điều 28 và Điều 42 của Dự thảo Luật An ninh mạng quy định về việc bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng. Theo đó, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải địa phương hóa dữ liệu, tức là lưu trữ các loại dữ liệu được yêu cầu trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định này có thể gây tác động tiêu cực đến quá trình trao đổi dữ liệu giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, cũng như khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp đầu tư từ nước ngoài. Đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp, nếu áp dụng quy định địa phương hóa dữ liệu một cách nghiêm ngặt thì có thể tạo ra thêm các chi phí kinh doanh khác ngoài những chi phí ban đầu về vốn, nhân lực và kỹ thuật.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn mong muốn được tiếp cận nguồn thông tin rộng có liên quan đến khởi nghiệp thông qua các dịch vụ như điện toán đám mây, nên việc yêu cầu lưu trữ dữ liệu trong phạm vi lãnh thổ có thể tăng thêm chi phí tiếp cận dữ liệu.

Thêm vào đó, việc yêu cầu phải lưu trữ dữ liệu trong nước cũng sẽ khiến doanh nghiệp tốn thêm chi phí để xây dựng hệ thống lưu trữ đủ tiêu chuẩn về an ninh do đây là hệ thống thông tin do doanh nghiệp sở hữu, và theo quy định của Dự thảo Luật An ninh mạng, hệ thống thông tin này sẽ bị kiểm tra, đánh giá an ninh.

Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, nếu Dự thảo Luật An ninh mạng được thông qua và các doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ, có thể có hai tác động. Thứ nhất, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và doanh nghiệp có ý định đầu tư vào Việt Nam phải chi trả nhiều hơn để truy cập dữ liệu của người dùng Việt Nam.

Ví dụ như Facebook, Google, YouTube sẽ lập hệ thống lưu trữ dữ liệu mới với riêng người dùng Việt Nam và những chi phí cho việc này sẽ phân bổ ngược lại đến người dùng cũng như doanh nghiệp Việt Nam. Người dùng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chấp nhận mức giá cao hơn để sử dụng dịch vụ mạng do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu kinh doanh.

Thứ hai, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng không thể có khả năng đầu tư riêng từng hệ thống lưu trữ dữ liệu cho từng quốc gia, sẽ chọn quốc gia cho phép sử dụng hệ thống máy chủ toàn cầu để đảm bảo tính ổn định và khả năng kiểm soát dữ liệu. Hệ quả là một rào cản đầu tư xuất hiện và buộc các doanh nghiệp phải lựa chọn, trong khi thị trường Việt Nam vẫn chưa phải là thị trường ưu tiên.

Thứ ba, nếu quy định về địa phương hóa dữ liệu được thực thi thì việc quản lý và kiểm soát dữ liệu với hệ thống chung toàn cầu có thể gặp khó khăn do chịu sự quản lý của cơ quan quản lý trong nước. Điều này có thể vi phạm quyền riêng tư của doanh nghiệp, bởi trước đó hệ thống dữ liệu và thông tin người dùng mà doanh nghiệp đang sở hữu, vận hành chịu sự quản lý của hệ thống quốc tế hoặc quốc gia mà doanh nghiệp đăng ký.

Theo tính toán của nhóm tác giả Bauer M., Lee-Makiyama H., Marel E.V.D., Verschelde B., nếu quy định về địa phương hóa dữ liệu trong dự thảo Luật An ninh mạng được thực hiện một cách nghiêm ngặt ở Việt Nam thì tổng sản phẩm nội địa (GDP) sẽ giảm 1,7%, giá trị đầu tư giảm 3,1%, giá trị xuất khẩu hàng hóa mất 0,6%, phúc lợi xã hội thâm hụt 1,5 tỷ USD . Đây đều là những tác động đáng kể đến kinh tế và khiến Việt Nam trở thành một trong nhóm quốc gia bị đánh giá rằng có mức độ địa phương hóa dữ liệu cao nhất, cùng với Nga và Trung Quốc.

Tại Indonesia, việc số hóa và trao đổi dữ liệu xuyên biên giới đã giúp quốc gia này phát triển sản xuất, bán lẻ, đóng góp lần lượt là 34,4 và 24,5 tỷ USD cho GDP .

Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông đã hơn một lần đưa ra các kiến nghị về quy định địa phương hóa dữ liệu tới các bộ, ngành liên quan, nhằm khuyến cáo Việt Nam không nên đưa ra các quy định theo hướng này. Trên thực tế, chi phí thực thi địa phương hóa dữ liệu là lớn hơn lợi ích thu được. Vấn đề bảo vệ dữ liệu người dùng có thể được đảm bảo thông qua các quy định pháp lý ràng buộc cụ thể điều kiện sử dụng.

(*) Tác giả là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông

NGUYỄN QUANG ĐỒNG (*)