Những thương vụ "khủng" của người Thái trên thị trường Việt
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:33, 17/05/2018
Ảnh: X.THẢO |
Thông qua các thương vụ M&A cùng xúc tiến thương mại, làn sóng đầu tư từ Thái Lan không ngừng gia tăng, và cùng với đó, hàng hóa Thái vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều.
Tính đến đầu tháng 5/2018, đã có gần 10 doanh nghiệp Việt Nam bị 3 doanh nghiệp Thái thâu tóm. Trong đó, Siam Cement Group (SCG) do ông Roongrote Rangsiyopash làm chủ tịch kiêm giám đốc điều hành đã mua đến 3 thương hiệu lớn của Việt Nam là Nhựa Bình Minh, Nhựa Tín Thành và Công ty Prime.
Trong lĩnh vực công nghiệp, SCG - một tập đoàn đa ngành với những mảng cốt lõi như giấy, xi măng, vật liệu xây dựng có mặt ở Việt Nam từ năm 1992. Cuối năm 2012, SCG đã chi 5.000 tỷ đồng để sở hữu 85% cổ phần Công ty Prime - một doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất gạch lát, gốm (chiếm 30% thị phần cả nước). Hiện tại, thương hiệu này đã hoàn toàn thuộc về SCG khi mới đây đã chi thêm 1.400 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần còn lại.
Trước Prime, năm 2008, SCG cũng đã đầu tư vào Tổ hợp hóa dầu Long Sơn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thành lập. Từ số vốn ban đầu 3,7 tỷ USD, đến nay vốn đầu tư vào Long Sơn đã lên 5,4 tỷ USD, trong đó SCG chiếm 71%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm 29%.
Năm 2015, SCG chi khoảng 1.000 tỷ đồng để sở hữu 80% cổ phần Công ty Bao bì nhựa Tín Thành (Batico). Đây là một trong 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực bao bì với công suất đạt 230 triệu m2/năm.
Tháng 3/2018, SCG tiếp tục chi 2.330 tỷ đồng để nâng tỷ lệ cổ phần từ 29,52% lên 50,9% tại Công ty CP Nhựa Bình Minh - công ty sản xuất 140.000 tấn đồ nhựa/năm, lãi ròng 500 tỷ đồng/năm.
Tại Việt Nam, SCG đã thực hiện hơn 20 thương vụ M&A ở nhiều lĩnh vực, có đến 23 công ty con đang hoạt động tại Việt Nam với khoảng 8.300 nhân viên.
Năm 2016, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi - chủ sở hữu TCC Group đã thực hiện một thương vụ lớn trong ngành bán lẻ Việt Nam. Để sở hữu 19 trung tâm phân phối của Metro Cash & Carry Việt Nam, Berli Jucker (BJC) thuộc TCC Group đã chi 655 triệu Euro (tương đương 879 triệu USD). Năm 2012, BJC cũng đã sở hữu 65% cổ phần Tập đoàn Phú Thái, trong đó có hệ thống cửa hàng tiện lợi Bmart. Tại Việt Nam, Phú Thái là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối tại khu vực phía Bắc với hàng chục công ty thành viên.
Central Group do Tos Chirathivat làm Tổng giám đốc điều hành đã liên tục thâu tóm thương hiệu Big C Việt Nam và Nguyễn Kim. Tại Nguyễn Kim, Central Group đã chi 200 triệu USD để sở hữu 49% tại Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và Giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu hệ thống trung tâm mua sắm Nguyễn Kim.
Tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân khiến nhà đầu tư Thái "nhòm ngó” sang cả lĩnh vực F&B (thực phẩm và đồ uống) với các thương hiệu dẫn đầu Việt Nam là Sabeco, Vinamilk... Trong đó có sự kiện Vietnam Beverage (thuộc Thái Bev) đã chi ra 110.000 tỷ đồng để sở hữu 53,59% cổ phần tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Bằng việc mua tỷ lệ cổ phần chi phối tại Sabeco, đại gia Thái này đã chiếm được thị trường bia Việt Nam khi Sabeco chiếm đến 41% thị phần bia cả nước với mức lãi ròng 5.000 tỷ đồng mỗi năm. Thông qua 2 pháp nhân là F&N Bev Manufacturing và F&N Dairy Investments, đơn vị này sở hữu 19,06% cổ phần tại Vinamilk. Với giá thị trường hiện tại, số cổ phần này trị giá hơn 52.000 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, CP Group của tỷ phú Dhanin Chearavanont có mặt tại Việt Nam từ năm 1990 với thương hiệu CP Việt Nam. Công ty đã liên tục mở rộng quy mô đầu tư, và đến nay đã có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản ở các tỉnh. Bên cạnh đó, CP Việt Nam còn tham gia thị trường với trứng, thịt gia cầm.
Tháng 3/2018, Hemaraj Group đã khởi công xây dựng KCN WHA Hemaraj Nghệ An với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Đây là nhà phát triển hạ tầng KCN hàng đầu với hơn 30 năm kinh nghiệm và đã phát triển 7.400ha đất công nghiệp tại Thái Lan với vốn đầu tư lên đến 30 tỷ USD.