VTS 2018: Tiếp sức startup du lịch Việt Nam

Start up - Ngày đăng : 06:59, 18/05/2018

Chương trình Khởi nghiệp Du lịch (VTS) của Songhan Incubator sẽ hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp du lịch tiềm năng phát triển thành dự án hoàn chỉnh, triển khai trên thị trường thực tế.
VTS 2018: Tiếp sức startup du lịch Việt Nam

Startup du lịch Việt gian nan tìm đường phát triển

Sau một biến cố trong cuộc sống riêng, Nguyễn Huyền Phương quyết định rời bỏ công việc tài chính ổn định để sáng lập nên dự án du lịch thiện nguyện Volunteer For Education Organization (V.E.O). Dự án kết nối các tình nguyện viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm làm việc với những người dân nghèo, các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiệt huyết khởi nghiệp và kiến thức tài chính của Huyền Phương chưa đủ để V.E.O vận hành ổn định. Liên tiếp các vấn đề về vốn, quản lý tài chính và thủ tục pháp lý xuất hiện từ những ngày đầu tiên đã thách thức khả năng tồn tại của dự án V.E.O.

Du lịch thiện nguyện VEO

Một tour du lịch thiện nguyện do V.E.O tổ chức

Tương tự như Huyền Phương, Trương Đức Thắng dấn thân vào lĩnh vực khởi nghiệp du lịch với ý tưởng về một ứng dụng cung cấp thông tin về chi phí, tuyến đường, nơi ăn, chốn ở... dành cho những bạn trẻ mê du lịch tại Việt Nam mang tên Liberzy. Và tìm kiếm đối tác phát triển ứng dụng là trở ngại đầu tiên của Thắng trên đường hiện thực hóa Liberzy, khi Thắng không có trong tay nguồn tài chính lẫn một đội ngũ nhân sự đông đảo.

Những thách thức trên là thực tế mà nhiều dự án khởi nghiệp du lịch sáng tạo phải đối diện hiện nay. Startup có ý tưởng, có thị trường nhưng nếu thiếu sự hậu thuẫn về tài chính, nhân lực thì sẽ khó có thể "cất cánh".

VTS gắn "động cơ" giúp startup du lịch tăng tốc

Tiếp nhận sự hỗ trợ tư vấn từ Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) vào năm 2017, Huyền Phương dần ổn định mô hình quản trị cho dự án V.E.O. Năm 2018, V.E.O gọi vốn thành công 2,5 tỷ từ chương trình Shark Tank. Tình nguyện viên của V.E.O đã đến hỗ trợ các cộng đồng dân cư tại Quy Nhơn, Sapa, Hòa Bình, Bản Cói, Thác Bà...

Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cũng đưa dự án của Trương Đức Thắng sang trang mới. Từ ý tưởng ban đầu, sau 1 năm làm việc cùng chuyên gia Lý Đình Quân của Songhan Incubator, Liberzy đã nhận được mức đầu tư công nghệ trị giá 10.000 USD. Ứng dụng đi được 1/3 chặng đường hoàn thiện. Đội ngũ nhân sự cũng tăng lên, đồng hành cùng Đức Thắng phát triển Liberzy.

Từ những dự án ươm mầm thành công trên, năm 2018, Songhan incubator triển khai chương trình Khởi nghiệp Du lịch ở quy mô toàn quốc với sự hỗ trợ từ Tổ chức chuyên gia Cao cấp - PUM Hà Lan. Chương trình sẽ diễn ra với 3 vòng tuyển chọn và ươm tạo các startup tiềm năng như sau:

VTS 2018 - giúp startup du lịch Việt Nam "tăng tốc"

Giai đoạn 1 - SHi Startup Inspiration

Vòng 1 diễn ra từ tháng 9/2017 – 3/2018 với những khóa đào tạo SHi Startup inspiration, nhằm truyền cảm hứng khởi nghiệp đến các bạn trẻ. Ở vòng này, các bạn sẽ được trải nghiệm mô phỏng các dự án khởi nghiệp thực tế, tích lũy kiến thức liên quan đến quá trình xây dựng ý tưởng.

Giai  đoạn 2 – SHi Incubator Journey

Dựa trên nhiều tiêu chí tuyển chọn, vòng 2 diễn ra từ 4/2018 – 10/2018 sẽ chọn ra 10 ý tưởng khởi nghiệp du lịch tiềm năng, sáng tạo, và đột phá nhất để đi tiếp vào giai đoạn ươm tạo. 10 ý tưởng này sẽ được các chuyên gia, huấn luyện viên cao cấp tư vấn và đào tạo để phát triển thành dự án hoàn chỉnh.

Giai  đoạn 3 – SHi Accelerator Journey

Vào cuối giai đoạn ươm tạo, ban tổ chức sẽ tiến hành xem xét để chọn ra những dự án tiềm năng nhất tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp. Ở vòng cuối, diễn ra từ tháng 11/2018 - 2/2019, các dự án sẽ được hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư.

Chi tiết thông tin tuyển chọn cho giai đoạn ươm tạo của chương trình Khởi nghiệp Du lịch được công bố tại: https://goo.gl/DrLEMm.

PV