CEO Scansia Pacific Nguyễn Chiến Thắng lạc quan về tương lai ngành chế biến gỗ

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 01:00, 23/05/2018

Để chủ động về nguyên liệu và phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã kết hợp với người dân trồng rừng. Tiên phong trong mô hình này là Công ty TNHH Scansia Pacific do ông Nguyễn Chiến Thắng làm Tổng giám đốc.
CEO Scansia Pacific Nguyễn Chiến Thắng lạc quan về tương lai ngành chế biến gỗ

* Ông có thể nói về việc hợp tác trồng rừng giữa Scansia Pacific với người dân?

- Scansia Pacific là một trong những nhà cung cấp gỗ cho Tập đoàn IKEA - nơi chuyên sản xuất nội thất lắp ráp, thiết bị, phụ kiện nhà và cũng là tập đoàn bán lẻ đồ gỗ lớn nhất thế giới. Nguồn gỗ nguyên liệu mà Scansia Pacific bán cho IKEA chủ yếu là gỗ keo. Vài năm trước, IKEA yêu cầu toàn bộ gỗ bán cho họ phải có chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council - Hội đồng quản lý rừng), song khi đó, Việt Nam có rất ít rừng trồng sở hữu chứng chỉ FSC.

Để đáp ứng yêu cầu từ IKEA, cũng là chủ động tạo nguồn nguyên liệu bền vững theo xu hướng mới của thế giới, tôi ra miền Trung và chọn tỉnh Thừa Thiên - Huế để xây dựng mô hình liên kết trồng rừng giữa các hộ dân có rừng trồng nhỏ lẻ với Scansia Pacific.

Đến nay, Scansia Pacific đã có 5.000 hécta rừng keo của hơn 600 hộ dân, trong đó có 3.000 hécta đã có chứng chỉ FSC. Những năm đầu tiên, chi phí mà Scansia Pacific bỏ ra để có chứng chỉ FSC là không hề nhỏ, nhưng bù lại, gỗ của công ty bán được giá cao, đặc biệt sản xuất theo hướng bền vững.

TGD-Scansia-Pacific-Nguye-n-Ch-9795-4004

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific. Ảnh: Q.H

* Bằng cách nào ông thuyết phục được người trồng rừng cộng tác với Scansia Pacific?

- Với các hộ dân, thuận lợi là họ làm chủ rừng, hoàn toàn tự quyết về sản phẩm. Khi gặp gỡ, các chủ rừng thẳng thắn nói không quan tâm đến lời hứa bao tiêu gỗ, ai mua giá cao thì bán. Tôi cũng nói thật lòng là trong kinh doanh, bán giá cao thì hai bên cùng có lợi. Muốn vậy thì hai bên nên liên kết với những ràng buộc rõ ràng.

Như vậy, cũng trên một diện tích cũ, nhưng thu nhập sẽ cao hơn và ổn định. Khi liên kết, người dân trồng rừng, còn Scansia Pacific hỗ trợ chi phí, từ đó đánh giá và duy trì chứng chỉ rừng keo FSC. Scansia Pacific cam kết bao tiêu gỗ keo có FSC cao hơn gỗ keo không có FSC tại cùng thời điểm từ 15 - 18% và không ép giá khi có thiên tai ảnh hưởng đến rừng trồng.

Doanh nghiệp ngành gỗ cần nguồn gỗ lớn, trong khi lâm dân thường khai thác khi rừng mới 4 - 5 tuổi để sớm thu hồi vốn. Để thuyết phục họ kéo dài chu kỳ rừng lên vài năm nữa, Scansia Pacific hỗ trợ cho mỗi hộ vay 4 triệu đồng mỗi hécta một năm, lãi suất thấp hơn 2%  lãi suất ngân hàng thương mại tại thời điểm vay.  

* Những giá trị mà sự liên kết này tạo ra cho cộng đồng cũng như doanh nghiệp có thể cao hơn thế phải không? 

- Liên kết với người dân phát triển rừng trồng hợp pháp, đúng quy chuẩn FSC là cách phát triển bền vững ngành chế biến gỗ. Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập gỗ nguyên liệu từ nước ngoài. Nhưng xu hướng hiện nay là chủ động tạo nguồn nguyên liệu hợp pháp ở trong nước, nhất là với doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ. Mô hình này tạo ra lợi thế về giá và có nguồn nguyên liệu bền vững, cắt được khâu trung gian, lại góp phần bảo vệ môi trường sống. Xu hướng hiện nay của khách hàng các nước tiên tiến là mua đồ gỗ mà nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp.

Link bài viết

Đáp ứng được điều đó thì đầu ra cũng dễ hơn, uy tín doanh nghiệp cao hơn. Trong sản xuất, doanh nghiệp cũng giảm thiểu đáng kể hao hụt. Như tại Scansia Pacific, khi mua gỗ từ nguồn rừng trồng, chúng tôi yêu cầu người dân cưa, xẻ theo quy cách đã định sẵn. Họ cung cấp đúng thứ doanh nghiệp cần thì tất nhiên sẽ lợi về gỗ, giảm lãng phí.  

Người dân tận dụng những diện tích đất xấu để trồng rừng, được tư vấn, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật từ doanh nghiệp,  được bao tiêu sản phẩm với giá cao nên có nguồn thu nhập ổn định. Trước đây, gỗ keo khai thác ở độ tuổi 4 - 5 năm, nếu không có FSC chỉ đạt khoảng 70 triệu đồng/hécta. Trong khi đó, ngành chế biến gỗ rất cần nguồn gỗ lớn, nếu tỉa thưa ở kỳ thứ hai và kéo dài thời gian trồng thành 6 - 8 năm trở lên, lại có FSC, bình quân lãi 200 triệu đồng/hécta, mà lại không tốn công chăm sóc. Như vậy lợi ích đối với người trồng rừng là rất lớn.

Khi gom đất trồng rừng manh mún của người dân lại để có diện tích lớn sẽ tạo được sự gắn bó cộng đồng dựa trên lợi ích và trách nhiệm chung. Mô hình rừng keo FSC ở Thừa Thiên - Huế đã thay đổi hoàn toàn kinh tế nông hộ, họ tích lũy được của cải, chăm lo con cái học hành tốt hơn. Nhận thức về môi trường sống của người dân cũng thay đổi khi "rừng sạch, nhà cũng sạch".  

Tôi rất tin vào cái tâm của người dân làm lâm nghiệp. Khi doanh nghiệp tạo cho lâm dân niềm tin đủ mạnh, họ sẽ thay đổi tập quán trồng rừng, bởi nó mang lại thu nhập cao, mang lại sự bền vững cho môi trường sống.

* Nhưng để mô hình này phát triển bền vững, theo ông cần thêm điều gì?

- Đó là kết hợp bền vững giữa ba nhà: nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp cam kết bao tiêu gỗ, người dân sẽ yên tâm trồng rừng. Nhà nước với đại diện là chính quyền địa phương, hợp tác xã sẽ thay mặt lâm dân cam kết bán gỗ, giữ giá cho doanh nghiệp.

Khi mới xúc tiến thành lập Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), người dân khá e dè. Chúng tôi thuyết phục họ tham gia để có những lợi ích từ sự hỗ trợ của doanh nghiệp, không những vốn, kỹ thuật mà còn đảm bảo đầu ra.

Dần dần, người dân mạnh dạn tham gia. Đến nay Hợp tác xã Hòa Lộc có 30 thành viên và hơn 400 hécta rừng. Lộc Bổn trước đây là vùng đồi trọc, ngoài keo ra khó trồng được cây gì khác, hiện nay không còn đất trống vì rừng đã phủ xanh. Nhờ vậy đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Nhiều gia đình xây được nhà, có điều kiện cho con cái học hành. Có những chủ rừng đi thăm rừng bằng xe hơi riêng.

Theo tôi, sự kết hợp giữa ba nhà trong việc trồng rừng bền vững cần khuyến khích nhân rộng ra nhiều địa phương. Nhìn xa hơn, sự kết hợp này là lực cộng hưởng thúc đẩy ngành chế biến gỗ phát triển mạnh hơn với chuỗi cung ứng nguyên liệu từ rừng trồng.

* Với những giá trị cộng hưởng mà ông vừa nói, cùng kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trong nhiều năm qua, theo ông ngành chế biến gỗ có thể trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam?

- Để trở thành một ngành kinh tế quan trọng, trước tiên ngành gỗ Việt Nam phải tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Nhìn lại lịch sử ngành chế biến gỗ thì thấy, xuất phát điểm thấp hơn so với các nước Đông Nam Á khác, vậy mà chỉ từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã đứng thứ 5 thế giới. Mỗi năm thế giới tiêu dùng đồ gỗ trị giá hơn 500 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và gỗ nguyên liệu khoảng 100 tỷ USD, Việt Nam mới đạt được 8 tỷ USD thì dư địa thị trường là rất lớn.

Nói lợi thế của doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam là dựa vào giá nhân công rẻ là không chính xác. Người Việt có tố chất khéo léo, rất phù hợp với ngành này, không phải quốc gia nào cũng có. Bangladesh có giá nhân công rẻ hơn hẳn Việt Nam, song họ chỉ mạnh về may mặc chứ không mạnh về đồ gỗ, dù nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn vào. Lào, Campuchia, một số nước châu Phi tài nguyên rừng và đất đai nhiều, nhân công rẻ, cũng không xuất được đồ gỗ, có xuất cũng rất ít.

Link bài viết

Ở Indonesia có nhiều tỷ phú trồng rừng nhưng mở nhà máy chế biến gỗ hầu hết thất bại. So sánh như vậy để thấy làm ăn hiệu quả trong ngành gỗ là không dễ, ngoài quản lý còn đòi hỏi yếu tố "dụng nhân như dụng mộc". Vậy mà người Việt làm được. Có một doanh nghiệp gỗ nước ngoài chế biến gỗ tại Bình Dương khẳng định với tôi: "Nếu có nước nào làm đồ gỗ lý tưởng hơn ở Việt Nam thì tôi đã không xây dựng nhà máy tại đây".

Một yếu tố nữa, chế biến gỗ không quá phải lo về nguyên liệu. Rừng trong nước chủ động trồng được, nguồn cung gỗ nhập khẩu hợp pháp rất nhiều. Khác hẳn với ngành may mặc, da giày phải nhận quá nhiều đơn hàng gia công. Đã phụ thuộc thì khó phát triển bền vững, dù đầu ra tốt.

* Là chủ doanh nghiệp gỗ, từng làm lãnh đạo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, ông có tin ngành gỗ Việt Nam xây dựng được thương hiệu đồ gỗ quốc gia, có xây dựng được trung tâm sản xuất đồ gỗ uy tín trên thế giới?

- Đồ gỗ sản xuất tại Việt Nam đã là một thương hiệu của thế giới. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam xây dựng nhà máy để tận dụng những lợi thế cho sản phẩm có xuất xứ "made in Vietnam". Số doanh nghiệp ngành gỗ FDI cũng tăng. Điều đó chỉ có được khi có đủ uy tín.   

Ở châu Á, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc (hơn 50 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ hằng năm). Nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang có quá nhiều ngành có giá trị cao, nên chế biến gỗ không còn là ưu tiên, cộng với giá nhân công ngày càng cao, nguyên liệu khan hiếm, Trung Quốc có xu hướng sản xuất đồ gỗ phục vụ thị trường nội địa. Hiện nay, ngành gỗ Trung Quốc xuất khẩu 30%, 70% bán trong nước. Doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu sang Việt Nam mua đồ gỗ về bán cho dân nước họ.

* Đạt được những thành quả ấy, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp chế biến gỗ còn là sự ủng hộ về chính sách của Nhà nước và sự chung tay của cộng đồng. Ông có nghĩ như vậy không?

- Chế biến gỗ thu hút một cộng đồng rộng lớn để đóng góp vào nền kinh tế quốc dân. Càng xuất khẩu nhiều thì phải trồng rừng nhiều. Từ đó, tạo ra giải pháp bảo vệ rừng và động lực để cộng đồng nhận thức công bằng, rằng ngành chế biến gỗ không hề phá mà còn kích thích trồng rừng, bảo vệ môi sinh.  

Mô hình trồng rừng keo trước đây và rừng keo FSC hiện nay cho thấy, từ một loại cây vốn chỉ dùng để phủ xanh đồi trọc, đất trống đã trở thành loại cây nguyên liệu có giá trị cao, là một đặc sản của Việt Nam với chất lượng tốt. Cây keo phát triển được ở vùng đất xấu, là cây họ đậu nên có tác dụng cải tạo đất. Với vòng quay trồng - tỉa thưa - khai thác 10 năm, như vậy có một năm để khai thác và tới 9 năm là phủ xanh. Với 3 triệu hécta trong toàn quốc hiện nay, keo không chỉ có giá trị về nguyên liệu gỗ mà còn có giá trị rất lớn đối với môi trường sống.  

Trồng rừng và chế biến gỗ còn kéo theo những ngành liên quan: dăm gỗ, bột giấy, ván công nghiệp, vận tải, công nghiệp phụ trợ, thiết kế sáng tạo, từ đó giải quyết việc làm cho hàng triệu người. Khi nghĩ đến điều đó, tôi cảm thấy lạc quan về tương lai và trân trọng ý nghĩa xã hội mà ngành chế biến gỗ mang lại.

* Cảm ơn những chia sẻ của ông! 

LẠC LÂM