Thị trường chứng khoán Việt Nam: Khi nhiều "ông lớn" lên sàn
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 03:35, 23/05/2018
Ảnh: Quý Hòa |
Ngày 17/5, cổ phiếu Công ty CP Vinhomes (VHM) đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên tại 110.500đ/CP, tương đương tăng 20% và trở thành cổ phiếu vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị hơn 296.000 tỷ đồng, tương đương 13 tỷ USD, chỉ sau công ty mẹ là Vingroup (VIC) là 342.900 tỷ đồng, tương đương gần 15 tỷ USD.
Việc VHM lên sàn đã làm thứ tự các mã có vốn hóa lớn thay đổi đáng kể: Vinamilk từ vị trí thứ 2 tụt một bậc trong khi cả 3 cổ phiếu liên quan đến Vingroup đều nằm trong top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên thị trường, gồm Vingroup chiếm 10,4%, VinHomes 9,5% và Vincom Retail (VRE) 2,8%.
Cũng theo thống kê của các công ty chứng khoán thì tổng vốn hóa của VIC, VHM và VRE đã đạt gần 719.500 tỷ đồng, chiếm 22,7% tổng vốn hóa sàn HoSE, vượt qua nhóm ngân hàng với 9 cổ phiếu chiếm 20,6% vốn hóa.
Với việc chiếm tỷ trọng lớn nhất trên sàn HoSE thì biến động của 3 cổ phiếu này có tác động rất lớn đối với VN-Index, hay có thể nói nhóm cổ phiếu liên quan đến Vingroup đã trở thành nhóm có tác động lớn nhất đến VN-Index.
Sàn HoSE hiện có 354 cổ phiếu đang niêm yết nhưng phần lớn vốn hóa thị trường tập trung vào số ít các cổ phiếu lớn nhất, cụ thể chỉ 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đã chiếm đến 84% vốn hóa toàn thị trường, trong đó 10 mã lớn nhất chiếm tỷ trọng đến 60%.
Do đó, chỉ cần các nhà tạo lập thị trường hoặc khối ngoại tập trung mua bán tại nhóm 10 mã cổ phiếu này nói chung và nhóm 3 cổ phiếu Vingroup nói riêng cũng đã tác động đến thành bại của thị trường và vẽ "chart" cho VN-Index.
Do chiếm tỷ trọng quá lớn trong VN-Index nên VHM chắc chắn sẽ được các quỹ đầu tư mua vào và có thể giúp giá cổ phiếu này sẽ diễn biến tích cực trong thời gian tới, từ đó tác động tốt đến điểm số của VN-Index vốn đang chịu nhiều áp lực điều chỉnh.
Quá khứ cũng cho thấy các doanh nghiệp vốn hóa lớn như Vietjet Air (VJC), Novaland (NVL), VPBank (VPB) hay HDBank (HDB) sau khi lên sàn đều nhận được sự quan tâm rất lớn của các quỹ đầu tư. VHM trong tương lai cũng có thể được đưa vào rổ VN 30 nếu thỏa mãn các tiêu chí khác, chẳng hạn như tiêu chí thanh khoản.
Có thể nói, việc nhiều "ông lớn" lên sàn niêm yết gần đây đã làm bộ mặt của thị trường thay đổi đáng kể, không chỉ về mặt điểm số, vốn hóa mà còn làm thay đổi dòng vốn đầu tư cũng như cách đầu tư của nhà đầu tư nội lẫn đầu tư ngoại. Để chuẩn bị đón những doanh nghiệp lớn sắp niêm yết, nhiều nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức gần đây đã chốt lời tại những mã cổ phiếu khác để dành tiền giải ngân cho những hàng hóa được đánh giá là có chất lượng này.
Điều ấy trước mắt đã gây áp lực giảm giá lên thị trường nói chung và những cổ phiếu bị chốt lời nói riêng và thực tế là các chỉ số chứng khoán đã chịu áp lực điều chỉnh rất mạnh kể từ giữa tháng 4 đến nay. Diễn biến giao dịch của khối ngoại là một ví dụ.
Trong tháng 3, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 500 tỷ đồng tại các mã cổ phiếu khác nhưng ngày 26/3 mua ròng đến 569 tỷ đồng tại mã cổ phiếu Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT); đến tháng 4 khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.800 tỷ đồng nhưng lại mua ròng gần 3.400 tỷ đồng cổ phiếu NVL chỉ riêng trong phiên ngày 20/4. Và diễn biến tương tự cũng đã xảy ra trong tháng 5 khi khối ngoại sau khi liên tiếp bán ròng tại các mã cổ phiếu khác thì ngày 18/5 đã mua đến 28.500 tỷ đồng chỉ riêng tại mã VHM.
Sau VHM, một doanh nghiệp lớn khác là Techcombank dự kiến sẽ lên sàn HoSE vào ngày 4/6 tới với mã TCB và sẽ tiếp tục làm VN-Index nói chung cũng như thứ tự các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thay đổi đáng kể. Gần đây ngân hàng này liên tiếp công bố các thương vụ bán cổ phiếu quỹ thành công với giá trị cao và đẩy mức vốn hóa tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn.
Cụ thể, từ ngày 27/4 - 7/5, Techcombank đã bán hơn 64,4 triệu cổ phiếu quỹ đợt 2, tương đương 5,85% vốn điều lệ với mức giao dịch bình quân 128.000đ/CP, thu về hơn 8.243 tỷ đồng. Trước đó vào cuối tháng 3, ngân hàng này cũng đã bán gần 14,7 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 1,48% vốn) cho người lao động, với giá 10.000đ/CP và bán 93,2 triệu cổ phiếu (tương đương 9,39% vốn) cho nhà đầu tư với giá giao dịch bình quân 91.000đ/CP.
Đến cuối tháng 4 vừa qua, Techcombank tiếp tục bán hơn 164 triệu cổ phiếu phổ thông cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Với giá bán chốt ở mức 128.000đ/CP, đợt chào bán đã giúp ngân hàng huy động được khoảng 21.000 tỷ đồng, tương đương gần 922 triệu USD và nâng mức vốn hóa lên 6,5 tỷ USD.