Nguy cơ khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:21, 24/05/2018

Cuối tuần trước, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng vượt ngưỡng 3% và đạt mức cao nhất tại 3,095% - mức kỷ lục trong vòng 7 năm qua.
Nguy cơ khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao

Ảnh: William Thomas Cain/Getty Images

Đây là diễn biến mà các nhà đầu tư trên thế giới rất chú ý.

Nguyên nhân

Với lãi suất thị trường của đồng USD đi lên đã gây áp lực giảm giá trái phiếu Mỹ, đồng nghĩa với việc lợi suất khi đầu tư vào kênh tài sản này đi lên.

Tính từ thời điểm bắt đầu thoát khỏi chính sách lãi suất gần 0% từ cuối năm 2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có 6 lần tăng thêm lãi suất trong vòng 2 năm một lần tăng diễn ra vào cuộc họp tháng 12, nhưng đến năm 2017 đã có 3 lần tăng và năm 2018 dự kiến lên đến 4 lần tăng, dù tính đến thời điểm này chỉ mới có thêm một lần tăng diễn ra vào cuộc họp tháng 3. Với triển vọng lãi suất sẽ tăng nhanh hơn khiến giới đầu tư càng tin rằng lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ chưa dừng lại ở mức 3%.

Link bài viết

Tuy nhiên, mọi việc không chỉ đơn giản như thế. Hồi tháng 12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua chính sách cải cách thuế lớn nhất trong 30 năm qua với trị giá lên đến 15.000 tỷ USD, theo đó thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm từ mức 35% xuống 20% và lợi nhuận của các công ty và doanh nghiệp Mỹ thu được từ kinh doanh ở nước ngoài phần lớn sẽ không bị đánh thuế.

Việc này đã khiến áp lực thâm hụt ngân sách càng đè nặng lên cường quốc số 1 về kinh tế, và theo Ngân hàng Goldman Sachs, ước tính các biện pháp kích thích tài khóa sẽ làm gia tăng tỷ lệ nợ/GDP từ 4% hiện nay lên 5,5% vào năm tài khóa 2021.

Riêng trong năm tài khóa 2018, các khoản thâm hụt khác có thể tăng lên 382 tỷ USD, tương đương mức tăng 10,7% so với năm ngoái. Để tài trợ cho các khoản thâm hụt này, Chính phủ Mỹ buộc phải vay nợ nhiều hơn, đồng nghĩa với việc phải phát hành trái phiếu nhiều hơn.

box30-9183-1526969024.jpg

Trong khi đó, FED đã không còn mua vào trái phiếu khi mà hồi tháng 10/2017, cơ quan này đã bắt đầu quá trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán bao gồm chủ yếu là trái phiếu Chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp.

Đáng lưu ý là Trung Quốc gần đây lại công bố khả năng có thể giảm dần mua trái phiếu Mỹ hoặc thậm chí là ngừng mua trái phiếu Mỹ, một phần trong chiến dịch đáp trả các căng thẳng thương mại giữa 2 nước này gần đây.

Với nguồn cung nhiều hơn trong khi người mua ít hơn tất yếu sẽ làm giảm giá trái phiếu Chính phủ Mỹ, và buộc nước này phải tăng lãi suất phát hành thì may ra mới thu hút thêm người mua mới. Hiện Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và nếu nước này ngừng mua và thậm chí bán ra lượng trái phiếu đang nắm giữ thì giá trái phiếu của Mỹ sẽ càng xuống thấp và đẩy lợi suất trái phiếu tăng mạnh hơn nữa.

Hệ quả đến các thị trường

Với lợi suất tăng, chi phí vay của Chính phủ Mỹ sẽ tăng và đẩy chi phí vay của doanh nghiệp tăng, nhất là trong bối cảnh FED có thể đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Lạm phát của Mỹ đang tiến dần đến 2% và có thể sẽ tăng nhanh hơn trong bối cảnh giá dầu đang phục hồi mạnh mẽ, trong khi chính sách tài khóa mở rộng thông qua việc cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu càng làm nền kinh tế nước này có thể tăng nóng trong giai đoạn tới.

Theo dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ ở mức 3,6% vào cuối năm 2019, tức tăng thêm 60 điểm từ mức 3% như hiện nay. Và với mức này sẽ bắt đầu gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế, khi mà chi phí vay đắt đỏ hơn cũng sẽ khiến các doanh nghiệp hạn chế mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Chi phí vay đắt đỏ hơn cũng khiến dòng tiền vào các kênh đầu tư khác như cổ phiếu bị hạn chế và gây áp lực giảm giá lên các kênh đầu tư có tính rủi ro cao, trong khi lợi suất hấp dẫn hơn ở thị trường trái phiếu cũng có thể hút bớt tiền từ thị trường cổ phiếu.

Lợi suất tăng cũng khiến đồng USD hấp dẫn hơn và thực tế là chỉ số USD Index gần đây đã bắt đầu phục hồi. Điều này sẽ khiến dòng vốn tại các thị trường đang phát triển và mới nổi bị rút ra và quay ngược trở lại Mỹ.

Như lời ông Frederic Neumann - Giám đốc Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC, thời gian qua, nhiều nền kinh tế mới nổi ở châu Á đã thu hút được một lượng lớn vốn ngoại vào thị trường trái phiếu và chứng khoán. Tuy nhiên, tình hình sẽ trở nên nguy hiểm đối với các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á nếu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mốc 3,5%.

LÊ PHAN