Công nghiệp hỗ trợ ô tô: Thiếu và yếu
Công nghệ - Ngày đăng : 06:30, 31/05/2018
Quá nhỏ so với nhu cầu
Tính đến thời điểm này, cả nước mới chỉ có 300 doanh nghiệp (DN) thuộc ngành CNHT sản xuất ô tô trên tổng số 12.000 DN CNHT. Cụ thể hơn, Việt Nam có 20 DN sản xuất, lắp ráp ô tô nhưng chỉ có 84 DN cung cấp linh kiện cấp 1 và 145 DN là nhà cung cấp cấp 2 và 3, quá nhỏ so với nhu cầu và cũng rất nhỏ so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn như tại Thái Lan, chỉ có 16 DN sản xuất ô tô nhưng có gần 700 nhà cung cấp linh kiện cấp 1 (gồm cơ khí, điện tử, nhựa và hoá chất) và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và 3.
Để làm một chiếc ô tô, tùy loại, phải cần từ 30.000 đến 40.000 linh kiện nhưng có đến hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc từ nhà xuất khẩu nước ngoài cung cấp.Ngay như Toyota Việt Nam, DN có số lượng xe bán ra đạt khoảng 60.000 chiếc trong năm 2017, chiếm 23,7 thị phần, được coi là DN có tỷ lệ nội địa cao nhất Việt Nam nhưng cũng chỉ đạt từ 19 - 37%, tùy theo từng mẫu xe.
Chia sẻ tại Hội thảo Công nghiệp hỗ trợ trong cách mạng công nghiệp 4.0 mới đây, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương cho biết, sau 20 năm ngành ô tô trong nước được bảo hộ để nâng cao tỷ lệ nội địa linh kiện nhưng không đạt số lượng và doanh số như kỳ vọng. Đặc biệt, gần đây, các chính sách liên quan đến nhập khẩu ô tô đã tác động rất lớn đến việc lắp ráp ô tô trong nước.
Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 3,5 tỷ USD phụ tùng, linh kiện ô tô và xuất khẩu đạt 4,4 tỷ USD. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu chủ yếu đến từ các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hạn như Toyota Việt Nam, trong năm 2017 đã xuất khẩu linh kiện, phụ tùng sang các nước với doanh thu 64 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu cộng dồn của DN này gần 465 triệu USD.
Ngành CNHT còn non kém là một trong những nguyên nhân khiến thời gian qua, các DN lắp ráp ô tô chuyển hướng kinh doanh sang nhập khẩu xe. Đơn cử như Công ty Honda Việt Nam hiện chỉ sản xuất, lắp ráp mẫu xe City, các mẫu Jazz, CR-V, Civic đều nhập khẩu từ Thái Lan. Ông Toshio Kuwahara - Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam chia sẻ, Công ty rất muốn lắp ráp tất cả các mẫu xe tại việt Nam nhưng do nhu cầu thị trường còn nhỏ nên khó có thể thực hiện được điều này.
Doanh nghiệp nội quá yếu
Hầu hết DN lớn của ngành ô tô là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các DN FDI cung cấp đến 85% giá trị về phụ tùng, linh kiện cho CNHT ngành sản xuất ô tô ở Việt Nam. Chỉ có số ít DN nội địa có thể tham gia được vào mạng lưới nhà cung cấp cho các DN sản xuất lắp ráp ô tô ở Việt Nam.
Theo ông Võ Tấn Thành - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều năm qua Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nhưng ngành CNHT chỉ mới sản xuất được một số chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp, như chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, vỏ cabin, cửa xe, săm lốp, bộ tản nhiệt, dây phanh, dây dẫn điện, trục dẫn, vành bánh xe, nhíp lò xo, ống xả, ruột két nước, hộp số, vô lăng, van điều khiển trong hộp số tự động, điều khí trong động cơ, sơmi xilanh, ghế ngồi, bàn đạp chân ga, chân phanh, ăngten cho radio trong xe, một số sản phẩm đúc hợp kim, một số chi tiết composite.
Một thực tế khó phủ nhận là đầu tư vào sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại lẫn sản lượng. Sức cạnh tranh quốc tế của CNHT còn hạn chế, nhất là sản phẩm của các DN nội địa. Vẫn chưa có nhà máy nào đầu tư chế tạo các bộ phận quan trọng của ô tô như động cơ, hộp số, hệ thống chuyển động.
Trong nhiều năm qua, công nghiệp ô tô trong nước chủ yếu thuộc về các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài.
Thế nhưng các DN này mới chỉ dừng lại ở việc lắp ráp ô tô dạng CKD là chính, trình độ công nghệ sản xuất, lắp ráp gần giống nhau, tỷ lệ giá trị trong nước đạt thấp, chủ yếu là giá trị sơn, hàn, lắp ráp. Hơn 90% giá trị linh kiện, phụ tùng lắp ráp vào xe được cung cấp từ các công ty mẹ hoặc từ các công ty liên doanh của họ ở các nước trong khu vực. Vì lý do đó, tỷ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất trong nước vẫn rất thấp.
Chia sẻ về sự yếu kém cũng như lý do khiến ít DN Việt Nam tham gia lĩnh vực này, một DN ngành cơ khí cho biết, chính ngành sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô còn nhỏ, nhu cầu linh kiện dù nhiều chi tiết nhưng không lớn nên các DN chưa mặn mà đầu tư công nghệ và nhân sự đáp ứng quản lý, điều hành theo tiêu chí công nghiệp 4.0.
Và do chậm đổi mới công nghệ nên sản xuất chi tiết cơ khí, hợp kim chất lượng còn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Và vì vậy, các DN nội địa về CNHT khó tiếp cận và tham gia với DN FDI, và cũng khó tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị.