Giải cứu văn hóa làng biển
Du lịch - Ngày đăng : 03:31, 03/06/2018
"Trong tâm thức nhiều người, đây như một vùng đất không người ở, mờ nhạt trên mặt đất là những con đường mòn cũ, ai đó đã đi qua và tạo nên họ cũng không buồn bận tâm. Trên con đường ấy thỉnh thoảng có vài lưỡi cuốc, lưỡi cày, vài từ ngữ rơi vãi được người Việt đến nhặt lên và sử dụng.
Và họ gọi đó là tiếp thu văn hóa! Hình tượng này đã đến lúc cần thay đổi, trên con đường ấy không phải chỉ có một người bước đi, một người tự thay đổi mà đã có ít nhất hai người lữ hành cùng bước bên nhau suốt 500 năm đằng đẵng", trong tác phẩm Có 500 năm như thế, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Hồ Trung Tú viết như vậy về quá trình người Việt tiến về phương Nam mở rộng bờ cõi.
Cái triết lý lập làng của người Việt đi về phương Nam là tiếp thu văn hóa, hòa nhập với thiên nhiên để sản xuất, sinh sống và phát triển. Những người tiếp nối việc bảo tồn văn hóa không thể không lưu ý đến sự thật khách quan ấy và bảo tồn là phải tham khảo tinh thần đó.
Khi ngắm nhìn những họa sĩ Việt Nam và Hàn Quốc miệt mài vẽ trên tường những ngôi nhà dưới cái nắng đổ lửa đầu mùa hè ở một làng ven biển miền Trung, cảm giác thật buồn khi nhớ về những ngư dân ở Đà Nẵng đang cố gắng giữ lại một ngôi làng cổ với đầy đủ đình làng, miếu thờ cá ông, những ngôi nhà cổ xinh đẹp, những vườn cây trĩu quả và tập tục lâu đời. Ngôi làng ấy đang nằm trong một dự án phát triển bất động sản ven biển, đang trong quá trình giải tỏa trắng.
Còn ở đây, những họa sĩ đang cố gợi nhớ ký ức văn hóa làng bằng cách tái hiện đời sống trong các bức bích họa nhằm tạo ra điểm nhấn thu hút khách du lịch đến ngôi làng nghèo. Có vô vọng không khi những ngôi làng Việt có lịch sử từ 200 - 300 năm tuổi dễ dàng bị tổn thương trong công cuộc đô thị hóa như thế, thì sự cố gắng trong các dự án văn hóa mới cho làng chài chỉ có nguồn kinh phí vỏn vẹn từ vài trăm triệu đến một tỷ đồng? Làm sao bảo tồn và phát triển văn hóa làng trên tinh thần như nhà nghiên cứu văn hóa kia đã mộng ước khi viết cuốn sách của mình?
Và nhớ những dự án khác của những doanh nhân trong cuộc chơi "lập làng, lập phủ” để bảo tồn văn hóa như khu bảo tàng áo dài (TP.HCM) của anh Sĩ Hoàng, khu bảo tồn làng chài nhỏ trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) trong Bảo tàng Đồng Đình của anh Đoàn Huy Giao, các biệt phủ bảo tồn văn hóa Huế ở khu vực đồi Thiên An (Huế) có nơi bảo tồn nghề gốm, nơi bảo tồn ẩm thực dân gian, nơi trưng bày đồ gốm cổ.
Nhớ khu bảo tàng tượng nhà mồ và vật dụng làm nông của các dân tộc thiểu số rải rác trong các tu viện khắp Buôn Ma Thuột, Gia Lai, Kon Tum. Tất cả đã dành phần lớn cuộc đời, tâm sức cho việc nghiên cứu, xây dựng và bảo tồn văn hóa làng. Đó là hành trình vô cùng tốn kém và không biết được kết quả, nhưng họ vẫn đi tới dù đơn độc!
Ai sẽ giải cứu được văn hóa làng ven biển đang lung lay đến tận gốc rễ khi nhu cầu phát triển đã đẩy tốc độ đô thị hóa và phát triển lệch đi quá xa? Những khu nghỉ dưỡng ven biển dày đặc đã xóa trắng hàng trăm làng chài, trở thành những khu vực ngăn cách với đời sống xung quanh, có vẻ đẹp na ná nhau, và không có một tiếp nối nào liên quan đến lịch sử, văn hóa của mảnh đất cũ, từ kiến trúc đến tập tục, ẩm thực.
Đó là một câu hỏi lớn, nếu không trả lời được, chúng ta sẽ để lại cho con cháu một nền văn hóa làng nghỉ dưỡng du lịch với những làng Ý, làng Pháp, những kiến trúc mới bao gồm tòa nhà đồ sộ bốn, năm tầng đang vùn vụt mọc lên ở các bờ biển, hoàn toàn xa lạ với lịch sử, văn hóa bản địa, thật đáng lo ngại!