Việt Nam nở rộ xu hướng crowdfunding để làm nghệ thuật

Đời thường - Ngày đăng : 06:18, 05/06/2018

Tuy đã đạt được những thành quả bước đầu, nhưng việc gây quỹ cộng đồng giúp các tác phẩm nghệ thuật ra đời vẫn còn lắm gian nan.
Việt Nam nở rộ xu hướng crowdfunding để làm nghệ thuật

Phim ngắn Bạn cùng phòng

Mới đây, nhà báo Lê Hồng Lâm quyết định kêu gọi cộng đồng góp vốn xuất bản cuốn sách dày hơn 500 trang có tựa 101 phim Việt Nam hay nhất được tuyển lựa trong hơn 1.000 bộ phim từ trước đến nay của điện ảnh nước nhà. Một dự án cũng đang kêu gọi góp vốn là Dệt nên triều đại - cuốn sách về nghi lễ và trang phục cung đình của Đại Việt thời đầu Lê sơ (1437 - 1471), do Tổ chức phi lợi nhuận Vietnam Centre thực hiện.

Dự án phim điện ảnh 578 của đạo diễn Lương Đình Dũng có đề tài về tệ nạn ấu dâm cũng đang nhờ cậy vào sự chung tay của cộng đồng cho khoản kinh phí 32 tỷ đồng (trong tổng kinh phí 60 tỷ đồng).

Kêu gọi vốn từ cộng đồng để làm nghệ thuật (crowdfunding) đã thịnh hành trên thế giới từ cuối thế kỷ XX. Tại Việt Nam, vài năm qua đã có những đơn vị xây dựng nền tảng kêu gọi vốn cộng đồng như Kindmate, Betado, Comicola, Fundstart hoặc Funding. Tuy nhiên, hoạt động gây quỹ cộng đồng để thực hiện dự án nghệ thuật chỉ xuất hiện trên các website từ năm 2013. Những dự án đầu tiên thành công nhờ các kênh gây quỹ này là 2 vở nhạc kịch Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối và bộ phim Saigon Electric (Saigon Yo!) của cố đạo diễn Stephane Gauger.

Link bài viết

Sau đó, việc sử dụng internet để gây quỹ cộng đồng cho các dự án nghệ thuật đã trở thành xu hướng, góp phần vào việc ra đời của nhiều dự án nghệ thuật gây chú ý như Hoa văn Đại Việt của Đại Việt Cổ Phong, bộ truyện tranh lịch sử Long Thần tướng của nhóm Phong Dương Comics, Nghệ thuật gấp giấy của nhóm Nguyễn Tú Tuấn, Họa sắc Việt nói về việc sử dụng màu sắc, họa tiết của dòng tranh dân gian Hàng Trống, Humans of Hanoi (sách ảnh), Mật ngọt chết mèo (truyện tranh), Sổ tay giáo dục gia đình (sách kỹ năng cho các phụ huynh), Bạn cùng phòng (phim ngắn), album Ngọt (âm nhạc)...

Một vài dẫn chứng cụ thể như Long Thần tướng tập 1 (2014) huy động 300 triệu đồng thì nhận được 330,5 triệu đồng. Album Ngọt (2016) của ban nhạc Ngọt đã kêu gọi được 60 triệu đồng để thu âm trực tiếp, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng công nghệ, nên đã được đánh giá cao về chất lượng khi ra mắt. Dự án phim ngắn Bạn cùng phòng (2017) đã huy động được 91,9 triệu đồng thông qua FundStart.vn.

Đầu năm nay, bộ phim này đã hoàn thành và được gửi đi tham dự các liên hoan phim quốc tế. Bộ phim tài liệu Vị tướng của nhân dân (2014) kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được làm với hơn 100 triệu đồng quyên góp từ cộng đồng. Dự án Việt sử kiêu hùng (2017) thu hút được gần 300 triệu đồng từ cộng đồng để thực hiện 3 tập phim hoạt hình tái hiện bối cảnh lịch sử đất nước những năm 1400 khi nhà Hồ chống quân Minh xâm lược...

Một số dự án gây quỹ cộng đồng thành công: Sách Humans of Hanoi

Một số dự án gây quỹ cộng đồng thành công: Sách Humans of Hanoi

Có thể nói, việc gây quỹ cộng đồng được xem là tạo cơ hội cho không ít nghệ sĩ tìm đường ra cho tác phẩm nghệ thuật của mình, trong điều kiện ở nước ta đang có quá ít quỹ hỗ trợ tài năng ở lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, sách... Thực tế cho thấy, những người nổi tiếng và từng có sản phẩm uy tín đã được công chúng đón nhận sẽ có cơ hội gây quỹ thành công nhiều hơn.

Bởi hầu hết các dự án kêu gọi vốn từ cộng đồng thành công thường là nhờ tác giả dự án đã tạo dựng được niềm tin nơi cộng đồng cũng như ý nghĩa thiết thực của dự án đối với xã hội. Lê Hồng Lâm là cây bút điện ảnh uy tín, từng xuất bản 2 cuốn sách được độc giả yêu thích là Xem hình đọc chữCánh chim trong gió, nên chỉ sau 24 giờ kêu gọi trên trang Facebook cá nhân lẫn fanpage, đã có 675 cuốn sách 101 phim Việt Nam hay nhất được đặt, đạt 135% chỉ tiêu. Sau 4 ngày, con số này đã lên 800 cuốn, trong khi giá sách là 300 ngàn đồng - thuộc hàng khá cao trên thị trường. Song chắc chắn "đáng đồng tiền bát gạo" bởi dự án còn có sự hợp tác về biên tập, thiết kế, in ấn của thương hiệu sách Nhã Nam.

Thế nhưng việc kêu gọi không hoàn toàn dễ dàng, nhất là với những người trẻ có tài năng và đam mê nhưng chưa được công chúng biết tới. Đơn cử như phim Nếu một ngày của đạo diễn Phạm Thanh Tân mong cộng đồng góp vốn 350 triệu đồng, chỉ thu được 26 triệu đồng, tương đương 7%.

Album Cổ tích của Nguyễn Thanh Minh - nhân tố mới bước ra từ cuộc thi Sing my song - Bài hát hay nhất, dù có ý tưởng kết hợp nhạc dân gian Việt Nam với các dòng nhạc phương Tây, nhưng việc huy động số vốn 200 triệu đồng từ cộng đồng để thực hiện đã nhận được quá ít phản hồi. Cuốn giáo trình vẽ truyện tranh Tôi vẽ cũng chỉ quyên góp được 10 triệu đồng (tương đương 13%).

Dù đã có một vài đơn vị, cá nhân đăng ký góp 2 - 5 tỷ đồng cho dự án điện ảnh 578, nhưng hy vọng có đủ 32 tỷ đồng để khởi quay vào tháng 8 tới vẫn rất mong manh. Bởi đây là con số chưa có dự án điện ảnh nào ở Việt Nam chạm tới, trong khi số phim từng được đầu tư trên 20 tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, dù gây quỹ thành công hay thất bại thì các tác giả, các nghệ sĩ vẫn có thể "đo lường" được sự quan tâm của công chúng đối với các sản phẩm của mình. Chúng cũng là một kênh để giúp quảng bá các tác phẩm nghệ thuật rộng rãi hơn.

Xu hướng gây quỹ cộng đồng cho các dự án nghệ thuật sẽ nở rộ trong tương lai gần. Hiện tại vẫn chưa có quy định nào mang tính chế tài cho hình thức mới mẻ này, thế nên làm thế nào để xu hướng này phát triển lâu dài và huy động được nguồn vốn đầy tiềm năng từ xã hội vẫn còn là câu hỏi cần tìm đáp án.

KHÁNH BÌNH