Chứng khoán Việt Nam: Kỳ vọng gì trong tháng 6/2018?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:20, 06/06/2018

Tăng 22,75 điểm, tương đương 2,4% và tăng tiếp 21,62 điểm, tương đương 2,23% là diễn biến của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 và đầu tháng 6/2018.
Chứng khoán Việt Nam: Kỳ vọng gì trong tháng 6/2018?

Ảnh: QH

Sự phục hồi này phần nào lấy lại niềm tin thị trường cũng như giúp nhà đầu tư lạc quan trở lại. Vậy thị trường có thể kỳ vọng gì trong tháng 6 này?

Bất kỳ thị trường nào cũng vận động theo diễn biến các thông tin tác động đến tâm lý nhà đầu tư, và tùy vào mức độ tin tốt hay xấu mà sẽ ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định mua bán. Vậy tháng 6 này cần chú ý những thông tin nào?

Những yếu tố hỗ trợ

Tăng trưởng kinh tế là một trong những thông tin có tác động tích cực lên thị trường gần đây, khi luôn duy trì ở mức cao và vượt dự báo. Theo đó, cuối tháng 6 sẽ là thời điểm công bố GDP quý II cũng như 6 tháng đầu năm, và con số thống kê này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tích cực, từ đó giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm nay.

Một yếu tố khác giúp nhà đầu tư lạc quan hơn là dù áp lực lạm phát quay trở lại, nhưng mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ổn định khi nửa cuối tháng 5 vừa qua, một loạt ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động tiền gửi theo sau xu hướng điều chỉnh giảm kể từ sau Tết âm lịch đến nay. Lãi suất thấp luôn là điều kiện lý tưởng cho sự tăng giá của các thị trường tài sản, mà chứng khoán là một trong những kênh thu hút được lượng lớn dòng tiền rẻ này.

Tháng 6 cũng là thời điểm các doanh nghiệp bắt đầu chốt kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng. Dù mùa cao điểm công bố báo cáo tài chính bán niên sẽ rơi vào tháng 7, nhưng những doanh nghiệp với kết quả kinh doanh tốt có thể sớm công bố tăng trưởng ước tính ngay từ cuối tháng 6 để hỗ trợ đà đi lên của giá cổ phiếu.

Với việc FED tăng lãi suất thì đồng USD tiếp tục được hỗ trợ tăng giá, từ đó gây áp lực lên thị trường ngoại hối Việt Nam. Cần lưu ý là tỷ giá USD/VND trong tháng 5 đã có dấu hiệu đi lên, đặc biệt trước tình hình cán cân thương mại hàng hóa đã đảo chiều khi nhập siêu trở lại trong tháng 5, sau 3 tháng xuất siêu liên tiếp.

Và dự kiến là hầu hết các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng cao, xuất khẩu khả quan và chi phí vay ngân hàng ổn định ở mức thấp.

Vẫn có rủi ro

Cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Mỹ vào giữa tháng 6 được xem là thông tin đáng chú ý nhất khi có khả năng tác động mạnh đến thị trường. Dù hầu hết dự báo cho rằng FED sẽ có lần thứ hai tăng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp lần này, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 18 năm qua (3,8%), nhưng nếu có thông tin nào bất ngờ về mức tăng hoặc số lần tăng còn lại trong năm nay đều sẽ ảnh hưởng mạnh đến các thị trường tài chính toàn cầu nói chung và chứng khoán nói riêng.

Đặc biệt, với việc FED tăng lãi suất thì đồng USD tiếp tục được hỗ trợ tăng giá, từ đó gây áp lực lên thị trường ngoại hối Việt Nam. Cần lưu ý là tỷ giá USD/VND trong tháng 5 đã có dấu hiệu đi lên, đặc biệt trước tình hình cán cân thương mại hàng hóa đã đảo chiều khi nhập siêu trở lại trong tháng 5, sau 3 tháng xuất siêu liên tiếp.

Một điểm cần chú ý nữa là phải tiếp tục theo dõi dòng vốn mua bán của nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại đã liên tiếp bán ròng kể từ tháng 3 đến nay, nếu không tính một số thương vụ mua với giá trị lớn nhắm vào một số ít doanh nghiệp để thâu tóm hoặc mới niêm yết.

Việc đồng USD tăng giá cùng với lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại đang đe dọa đến khả năng đảo ngược dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi các thị trường đang phát triển và mới nổi. Việc các quỹ đầu tư liên tiếp đăng ký thoái vốn trong thời điểm thị trường ở đỉnh cao gần đây là diễn biến đáng lo ngại.

Khủng hoảng chính trị tại Ý và rủi ro chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục là những yếu tố gây áp lực lên thị trường tài chính thế giới nói chung và chứng khoán Việt Nam nói riêng trong giai đoạn tới. Từ đầu tháng 6, Mỹ đã áp đặt hàng rào thuế quan lên các loại thép và nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico, trong khi 3 đối tác thương mại này đã lên kế hoạch trả đũa Mỹ.

Căng thẳng địa - chính trị và những diễn biến khó lường cũng là những yếu tố khách quan có thể tác động xấu lên các thị trường tài sản. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên dự kiến sẽ diễn ra ngày 12/6, nhưng nếu không đạt kết quả thì bóng mây sẽ lại phủ mờ lên mối quan hệ giữa 2 nước vừa có đôi chút sáng sủa trong thời gian qua.

Trong khi đó, tình hình Biển Đông đang nóng trở lại với việc Trung Quốc tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc cũng lần đầu tiên tổ chức cho máy bay ném bom hạng nặng diễn tập hạ cất cánh ở Hoàng Sa là ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, khi mà thị trường hiện nay đang vô cùng nhạy cảm và rất dễ tổn thưởng sau giai đoạn điều chỉnh mạnh vừa qua.

KHÁNH PHƯƠNG