Cần cơ chế đủ mạnh cho đặc khu kinh tế

Du lịch - Ngày đăng : 03:40, 07/06/2018

Đã có nhiều nỗ lực nhằm tiến tới xây dựng ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực cho rằng cách phát triển các đặc khu này chưa gắn kết với chiến lược phát triển quốc gia.
Cần cơ chế đủ mạnh cho đặc khu kinh tế

Chính sách của Nhà nước về phát triển đặc khu kinh tế:

- Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển của đặc khu; xây dựng các đặc khu theo hướng xanh - tri thức - bền vững, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, hình thành môi trường sống văn minh, hiện đại, chất lượng cao; bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội tại đặc khu.

- Chính quyền địa phương ở đặc khu có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả, được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân.

Link bài viết

* Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV đã đồng ý đổi tên Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Ông nhận định thế nào về điểm mạnh, điểm yếu của dự luật này?

- Một số điểm dành quá nhiều ưu đãi cho các đặc khu, nhất là ưu đãi về chính sách thuế, tiếp cận đất đai. Chẳng hạn, một số đặc khu trong khu vực thường miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm, nhưng Dự luật ưu đãi tới 10 năm, thậm chí 20 năm.

Dự luật tạo ra cơ chế tương đối thông thoáng trong thu hút các dự án đầu tư vào đặc khu kinh tế với những ưu đãi vượt trội nhưng vẫn có những điểm cần nghiên cứu để có nội dung phù hợp hơn.

Kinh nghiệm quốc tế về 5 điều kiện để đặc khu kinh tế thành công, nước ta cần quan tâm đến ba điều kiện. Thứ nhất, không nên dựa quá nhiều vào các chính sách ưu đãi. Các nhà đầu tư cần ưu đãi, nhưng cái họ cần hơn là thể chế tốt, dễ thực thi, nguồn nhân lực chất lượng cao, chính quyền mạnh và cơ sở hạ tầng đầy đủ, đảm bảo chất lượng. Theo tôi, Nhà nước cần đặc biệt lưu tâm những vấn đề này. Thứ hai, cần cơ chế đủ mạnh.

Những yếu tố đủ mạnh đều đến từ chính sách ưu đãi, trong khi đang có một số yếu tố chưa mạnh, chẳng hạn như quản trị và quản lý đặc khu kinh tế. Dự án luật vẫn hướng đến việc phải có hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và giao cho các tổ chức này những thẩm quyền quan trọng. Như vậy, nếu được Quốc hội thông qua, cơ chế cho một trưởng đặc khu của nước ta không bằng các nước khác, sẽ là trở ngại cho quá trình thực thi khi nhà đầu tư muốn cơ chế nhanh, gọn, thông thoáng và minh bạch.

maxresdefault-1497935712285-14-6044-2250

Chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực

* Danh mục ưu tiên phát triển ba đặc khu kinh tế được nhận xét là khá giống nhau. Ông nói gì về điều này?

- Đó là vấn đề cần quan tâm. Hiện nay, danh mục ưu tiên phát triển của ba đặc khu kinh tế vẫn xoay quanh du lịch, giải trí, công nghệ thông tin và thêm một số lĩnh vực logitics, nhưng chưa được nghiên cứu kỹ. Tôi hy vọng nước ta thiết kế được một đặc khu gắn với những lĩnh vực phát triển cụ thể. Chẳng hạn, ba đặc khu có thể cùng làm du lịch, nhưng với logicstis thì Quảng Ninh có lợi thế hơn. Những lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, sản xuất thông minh, dịch vụ giáo dục, y tế hay tài chính - ngân hàng cần phải được tiếp tục tính toán và cân nhắc.

* Ông kỳ vọng thế nào về đặc khu kinh tế mà nước ta đang nỗ lực thực hiện?

- Đột phá là cần, trước hết là cho khu vực đặc khu, kế đến là tỉnh có đặc khu, cuối cùng là cho các khu vực lân cận. Tuy nhiên, những yếu tố này chưa được thể hiện rõ trong Dự luật, đồng nghĩa với kế hoạch phát triển ba đặc khu chưa gắn kết với chiến lược phát triển quốc gia về công nghiệp, du lịch hay công nghệ. Trong khi đó, Singapore hay Hàn Quốc khi xây dựng đặc khu kinh tế đã tính toán kỹ sự đóng góp của đặc khu vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, cũng như sự lan tỏa vào nền kinh tế.

* Vậy đâu sẽ là phương án tối ưu?

- Chưa thể có ngay phương án tối ưu, nhưng nước ta cần xây dựng thể chế mạnh cho các đặc khu kinh tế. Tôi rất mong Nhà nước lưu tâm đến việc thiết kế và thực thi chính sách tại đặc khu kinh tế về quy hoạch, cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái. Đặc biệt coi trọng thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc.

* Cảm ơn ông!

THANH HUYỀN