Nông sản Việt cần giải cứu đến bao giờ?

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:22, 08/06/2018

Không biết đến bao giờ, nông dân Việt Nam mới thoát khỏi tình trạng cần giải cứu?
Nông sản Việt cần giải cứu đến bao giờ?

Thông điệp kêu gọi người tiêu dùng hỗ trợ nông dân tại siêu thị. Ảnh: X.Thảo

Liên tục từ năm 2015 đến nay, "giải cứu" gần như là cụm từ được nhắc đến thường xuyên khi mà các loại nông sản, thực phẩm như thịt heo, chuối, cho đến củ cải, cà rốt, cà chua, hành tím, dưa hấu "bí đầu ra".

Giữa tháng 5/2018, đến các siêu thị Big C, người tiêu dùng bắt gặp băng rôn "Mỗi trái dưa triệu tấm lòng". Đây là thông điệp của chương trình hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu ở Quảng Ngãi, Quảng Nam khi trái cây này không có người mua. Đồng hành cùng người dân, bên cạnh việc bán không lấy lãi, siêu thị còn trưng bày dưa hấu ở nơi khách hàng dễ thấy nhất, phát loa kêu gọi người tiêu dùng mua ủng hộ. Chỉ trong 7 ngày, có khoảng 250 tấn dưa hấu được "giải cứu" thông qua hệ thống siêu thị Big C.

Trước đó một tuần, khi biết bí đỏ của xã Cư Yang (Đắk Lắk) bí đầu ra, bộ phận thu mua của Big C Việt Nam đã liên hệ với chính quyền địa phương mua 60 tấn hỗ trợ nông dân. Cũng như thế, vào giữa tháng 3 năm nay, Big C đã tăng cường mua củ cải trắng của nông dân huyện Mê Linh (Hà Nội).

Từ năm 2015 đến nay, doanh nghiệp này đã liên tục tổ chức các chương trình "giải cứu" nông sản Việt Nam như hỗ trợ tiêu thụ thịt heo, chung tay vì dưa hấu Quảng Ngãi, bán chuối già hương hỗ trợ nông dân Đồng Nai, hỗ trợ nông dân trồng hành tím ở Sóc Trăng, hành tây Đà Lạt, nông dân trồng vải thiều ở Bắc Giang.

Link bài viết

Cũng như thế, cuối tháng 3/2018, Saigon Co.op (đơn vị chủ quản của hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Cheers...) đã mua củ cải trắng, su hào, cà rốt và bắp cải trắng của huyện Mê Linh và Hưng Yên sắp bị ùn ứ cần giải cứu gấp. Thông qua hệ thống bán lẻ thành viên, Saigon Co.op đã giúp tiêu thụ 450 - 600 tấn nông sản.

Ông Nguyễn Thành Nhân - Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, trước mắt, Saigon Co.op ưu tiên mua nông sản với giá tốt nhất, đồng thời sẽ tổ chức giảm giá, khuyến mãi để vừa giúp tiêu thụ nông sản, vừa giúp người tiêu dùng mua được nông sản an toàn với giá tốt. Trong thời gian, tới Saigon Co.op sẽ có phương án cụ thể hơn để hỗ trợ nông dân.

Đỉnh điểm là cuộc giải cứu khủng hoảng thừa thịt heo được xem là kéo dài nhất, quy mô nhất từ trước đến nay. Từ giữa năm 2016 đến năm 2017, nguồn cung heo thịt vượt cầu khiến giá heo hơi rớt thê thảm, nhiều người chăn nuôi lâm vào cảnh nợ nần. Chia sẻ gánh nặng với người chăn nuôi, các siêu thị tổ chức giảm giá bán, còn những doanh nghiệp như Vissan, Sagri thì tổ chức thu mua, giết mổ, cấp đông thịt heo hỗ trợ nông dân về đầu ra.

Trước thực trạng đó, các cơ quan, ban, ngành phải vào cuộc "giải cứu". Trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra hàng loạt giải pháp như giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ tài chính, tín dụng, hạn chế nhập khẩu thịt heo và yêu cầu địa phương kiểm soát chặt việc tăng đàn, tái đàn.

Đến nay, người tiêu dùng đã quen với cụm từ "giải cứu nông sản", từ thịt heo, dưa hấu, đến hành tỏi, củ cải, su hào, cà rốt, hành tây. Vừa giải cứu xong bí đỏ, cà chua lại lo giải cứu su hào, củ cải, chưa xong giải cứu dưa hấu lại lo chuyện mía đường... Đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn cách giải quyết đầu ra cho nông sản. Vậy nhưng đến nay, tình trạng "được mùa, mất giá" và những cuộc "giải cứu" vẫn tiếp tục diễn ra.

Theo chia sẻ của một đại diện Big C tham gia chương trình này, thời gian qua, nông dân gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các mặt hàng mang tính thời vụ và có sản lượng lớn. Nhiều lúc trúng mùa nhưng nông dân vẫn lỗ vì bị thương lái ép giá. Vì thiếu hỗ trợ quảng bá, phân phối, lại thêm giá bán giảm mạnh dẫn đến hàng hóa tồn đọng, nông dân không thu hồi được vốn để tiếp tục đầu tư cho những vụ sau. Để hỗ trợ người dân, các nhà phân phối đã chấp nhận bán không lãi hoặc lãi rất thấp và bù lỗ chi phí về vận chuyển, trưng bày, truyền thông.

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra là không biết việc "giải cứu" này sẽ diễn ra đến bao giờ và khi nào mới kết thúc? Đành rằng, việc chung tay, sự quan tâm của xã hội đối với nông sản Việt Nam là đáng hoan nghênh, cần phát huy nhưng không thể cứ để tình trạng năm nào nông dân cũng sản xuất ra rồi chờ "giải cứu". Bởi, về cơ bản, giải cứu chỉ là giải pháp tạm thời và nếu được giải cứu thì nông dân vẫn phải bán nông sản với giá thấp, thua lỗ kéo dài.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường mới đây thừa nhận 2 khâu yếu trong mảng nông nghiệp là chế biến và thị trường. Để giải quyết những yếu kém đó, Bộ đã có lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Công Thương giải quyết vấn đề về quy hoạch vùng nguyên liệu, nguồn giống, định hướng sản xuất, gắn kết sản xuất với phân phối, chế biến và phát triển thị trường. Sự phối hợp này bắt đầu bằng việc xây dựng mô hình chuỗi, từ sản xuất cho đến thị trường.

Hy vọng chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ mang đến hiệu quả thiết thực cho người dân, giải quyết được bài toán "giải cứu" diễn ra mấy năm nay.

HỒNG NGA