Nhà thầu Việt rượt đuổi trong ngành xây dựng

Bất động sản - Ngày đăng : 06:39, 09/06/2018

Dư địa tăng trưởng của ngành xây dựng Việt Nam được đánh giá khả quan. Thị trường này đang được nhiều nhà thầu chia nhau nắm giữ.
Nhà thầu Việt rượt đuổi trong ngành xây dựng

Cạnh tranh trong ngành xây dựng ngày càng khốc liệt

Bên cạnh 2 "ông lớn" Hòa Bình (Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - HBC) và Coteccons (Công ty CP Xây dựng Coteccons - CTD), 2 năm qua nhiều đơn vị xây dựng khác như Công ty CP Xây lắp và Vật tư xây dựng - CBM, Phước Thành và gần đây nhất là Công ty CP Xây dựng Central (do ông Trần Quang Tuấn - một trong những người đã gắn bó với Conteccons từ những ngày đầu thành lập) bắt đầu xuất hiện với tần suất dày hơn tại các thành phố lớn.

Điều này tạo nên thế trận cạnh tranh khá gay cấn trong ngành xây dựng.

Thế trận lớn

Năm 2017, ngành xây dựng được kích hoạt bởi diễn biến tương đối lạc quan của thị trường bất động sản. Theo Tổng cục Thống kê, ngành xây dựng tăng trưởng khá cao, với tốc độ 8,7% so với năm 2016, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung và đứng thứ ba trong số các ngành đóng góp điểm phần trăm vào mức tăng GDP cả nước.

Báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều nhà thầu xây dựng năm ngoái cho thấy, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận gần như gấp đôi. Chẳng hạn, Coteccons tăng doanh thu khoảng 45% (đạt 27.153 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế tăng 56% so với 2016 (đạt 1.653 tỷ đồng); trong khi với Hòa Bình, mức tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận sau thuế lần lượt là 49% và 51,5%.

Năm 2018, dù triển vọng thị trường xây dựng được dự báo có xu hướng chậm lại do những quy định về việc hạn chế dòng tín dụng đổ vào bất động sản và một số dự án có khả năng chậm triển khai liên quan đến thủ tục về đất đai, đầu tư,  nhưng ngay từ đầu năm đã không ít doanh nghiệp xây dựng công bố thông tin trúng thầu những công trình quy mô lớn. Điển hình, Hòa Bình đã thông qua kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay ở mức 20.680 tỷ đồng và 1.068 tỷ đồng.

Link bài viết

Tổng giá trị hợp đồng thi công mà công ty này đã ký lên đến 20.480 tỷ đồng, với hơn 50 hợp đồng tập trung chủ yếu vào nhà cao tầng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Tính từ đầu năm đến tháng 4 vừa rồi, Hòa Bình đã trúng thầu nhiều hợp đồng xây dựng với tổng giá trị ước tính trên 6.000 tỷ đồng.

Nói về lợi thế cạnh tranh của Công ty, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Hòa Bình cho biết, Hòa Bình chú trọng những công trình cao tầng đòi hỏi kỹ thuật cao. Ba mươi năm qua, Hòa Bình đã làm việc với hầu hết các nhà xây dựng lớn trên thế giới và đó là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ họ.

Từ 10 năm trước, Công ty đã thi công khu nhà cao tầng nhất Việt Nam và nay đang trong quá trình triển khai một dự án "siêu cao tầng" theo tiêu chuẩn Mỹ, với khối lượng lớn, kết cấu phức tạp. Hòa Bình còn là tổng thầu dự án Saigon Centre giai đoạn 2 với hệ thống tầng hầm "khủng" nhất hiện nay.

Bên cạnh vấn đề kỹ thuật, hơn 2 năm qua, Hòa Bình còn chú trọng mở rộng thị trường ra khu vực miền Trung, các tỉnh phía Bắc bên cạnh thị trường truyền thống là TP.HCM. Thêm nữa, để đảm bảo năng lực tài chính triển khai cùng lúc nhiều dự án, ngoài hạn mức tín dụng được các ngân hàng cung cấp, tại đại hội cổ đông thường niên 2018 diễn ra hồi tháng 4, Hòa Bình đã thông qua kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu (dự kiến thu về hơn 1.400 tỷ đồng) nhằm bổ sung vốn lưu động, mua thiết bị phục vụ ngành nghề cốt lõi là xây dựng.

Song song đó, Hòa Bình sẽ tiếp tục tái cấu trúc các công ty con để tối ưu hóa chi phí quản lý và phát huy hiệu quả kinh doanh của từng đơn vị.

Cạnh tranh gay gắt

Trong khi một số đơn vị có tên tuổi trong ngành liên tục đưa thông tin trúng thầu, trước thềm đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của Coteccons (diễn ra ngày 2/6), giới đầu tư xôn xao chuyện giá cổ phiếu CTD của Coteccons - một trong 2 nhà thầu xây dựng lớn nhất trong nước hiện nay, liên tục giảm.

Hơn nửa năm qua, giá cổ phiếu CTD đã giảm xấp xỉ 50% so với mức đỉnh được thiết lập vào tháng 11/2017. Biên lợi nhuận gộp của Coteccons, dù trong quý I/2018 là 6,6%, cao hơn mức 6,3% của quý IV năm ngoái (mức thấp kỷ lục), nhưng lại thấp hơn so với cùng kỳ 2017, đạt 8,8%.

Dù tại đại hội cổ đông thường niên mới đây đã nhất trí sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với doanh thu 28.000 tỷ đồng (kế hoạch là 27.200 tỷ đồng, tương đương năm 2017), lợi nhuận sau thuế lên 1.500 tỷ đồng (kế hoạch là 1.400 tỷ đồng, giảm 15% so với 2017) và cổ tức lên 50%, nhưng trước đó Coteccons cho biết, việc đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2018 "khiêm tốn" so với 2017 một phần do các công trình ký trong 5 tháng đầu năm 2018 giảm so với cùng kỳ 2017, trong đó có nhiều dự án nhỏ và cạnh tranh ngày càng gay gắt về giá.

Nhà thầu xây dựng khẳng định vị thế bằng những công trình phức tạp

Nhà thầu xây dựng khẳng định vị thế bằng những công trình phức tạp

Mới đây, tại hội thảo liên quan đến chủ đề nhà ở tại TP.HCM, đại diện một chủ đầu tư nhấn mạnh, để có thể khống chế giá nhà đang trên đà tăng (do chi phí đầu tư, chi phí đất đai tăng), doanh nghiệp bất động sản đặc biệt quan tâm đến giải pháp thiết kế, thi công sao cho hợp lý nhất, ký hợp đồng "giá sỉ" với nhà thầu xây dựng để tiết giảm giá thành.

Ở khu vực nhà ở thuộc phân khúc trung cấp, nhà giá thấp, các doanh nghiệp xây dựng với quy mô vừa phải có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn những nhà thầu lớn. Đó là chưa kể nhiều nhà phát triển bất động sản có công ty xây dựng trực thuộc (như Nam Long có Công ty Xây dựng Nam Khang, Phú Đông Group có CBM, Hưng Thịnh có Hưng Thịnh Incons) để chủ động về mặt thiết kế, tiết giảm chi phí xây dựng, tạo thế cạnh tranh cho sản phẩm bất động sản.

Với thị trường nhà ở, theo nhận định của nhiều chuyên gia là đang có sự lệch pha về nguồn cung, với phân khúc cao cấp chiếm ưu thế, nhiều nhà phát triển thuộc phân khúc này bắt đầu đi chậm lại và tìm kiếm cơ hội tham gia vào phân khúc thấp hơn, phù hợp với nhu cầu thị trường. Để có thêm hợp đồng, nhà thầu xây dựng lớn phải "chia sức" ở nhiều "mặt trận".

Liên quan đến việc giữ vững lợi thế cạnh tranh trong ngành, ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Coteccons chia sẻ, để giữ vững vị thế dẫn đầu ngành xây dựng, đủ khả năng đảm đương những công trình lớn, Coteccons không làm một mình mà thiết lập mạng lưới các công ty con, công ty liên kết, đối tác và những công ty vệ tinh.

Nhờ đó, Coteccons có thể thi công dự án đồng bộ, rút ngắn 20% thời gian so với tách riêng từng gói thầu. Đặc biệt, ở những dự án lớn, khi các công ty cùng hợp lực đã giúp Coteccons tận dụng được nhiều lợi thế, sức mạnh, kinh nghiệm, nhân sự từ đối tác, các công ty vệ tinh.

Theo ông Dương, thời gian tới, ngoài những dự án quy mô lớn, Coteccons cũng sẽ thiết lập thế cạnh tranh ở phân khúc khác. Đại diện này cho biết thêm, Coteccons sẽ hướng đến sáp nhập các công ty con, công ty liên kết, cụ thể là dự tính phương án sáp nhập Ricons vào Coteccons. Cách thức này giúp gia tăng quy mô, vị thế cũng như cho phép Coteccons nhận thầu cả những công trình cỡ vừa, thay vì chỉ tập trung làm các dự án lớn.

Hiện tại, theo chia sẻ của ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons chỉ nhận thầu những dự án hàng nghìn tỷ đồng. Đây cũng đồng thời là cơ sở cho dự báo thế trận cạnh tranh khốc liệt trong ngành xây dựng thời gian tới, bởi ngoài Hòa Bình, Coteccons, một số tên tuổi khác như CBM, Phước Thành và đặc biệt là Công ty CP Xây dựng Central cũng đã đẩy mạnh khai thác mảng bất động sản dân dụng thông qua việc ký các hợp đồng tổng thầu hoặc đối tác chiến lược với chủ đầu tư dự án.

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU