Các nước kiếm tiền "khủng" từ bản quyền World Cup như thế nào?
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 09/06/2018
Công việc kinh doanh thông qua sự kiện World Cup của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) bắt đầu phất lên từ năm 1990, khi bản quyền phát sóng tăng đột biến. Kể từ mùa thi đấu năm 1998 (tổ chức tại Pháp), tổng doanh thu từ World Cup của FIFA đã tăng 11 lần.
Thành công tài chính của sự kiện này là điểm sáng trong sự tăng trưởng của ngành thể thao. Được biết, ngân sách niên khóa 2015 - 2018 của FIFA là 4,9 tỷ USD, trong đó có 2,15 tỷ USD dành cho World Cup 2018 diễn ra tại Nga.
Lợi nhuận khổng lồ từ bán bản quyền
Thông qua một số doanh nghiệp, FIFA bán bản quyền phát sóng sự kiện thể thao liên lục địa này cho các hãng truyền thông trên khắp thế giới.
Kỳ World Cup 2014 trên đất Brazil, về quyền tiếp thị, FIFA đã thu được khoảng 1.580 tỷ USD. Cao nhất phải kể đến tiền bản quyền truyền hình, FIFA bỏ túi món lời khổng lồ 2.428 tỷ USD. Ngoài ra, các khoản thu nhập khác và thu nhập tài chính chiếm lần lượt 271 triệu USD và 310 triệu USD. Tóm lại, doanh thu của FIFA đạt 5.718 tỷ USD từ 2011 - 2014 với 89,8% trong số đó là từ doanh thu liên quan đến World Cup.
Tùy theo thương lượng, bản quyền phát sóng có thể dưới dạng một gói duy nhất cho một quốc gia hay vùng lãnh thổ hoặc được chia theo các loại quyền và phương tiện liên quan.
Cụ thể, về phương tiện, đấy có thể là phát sóng chương trình trên Internet, thiết bị di động hoặc vô tuyến truyền hình. Trong khi đó, các loại quyền có thể kể đến như quyền phát sóng trực tiếp, webcast (phân phối nội dung trên Internet) và phát lại.
Tiêu một khoản tiền lớn, tất nhiên, nhà đài cũng sẽ thu lại không ít. World Cup hứa hẹn gia tăng lượng người xem và cùng với đó là rất nhiều lợi ích.
Doanh thu kếch xù nhờ quảng cáo
Bán quảng cáo vẫn được coi là phương pháp thu hồi vốn và sinh lời cổ điển nhất của các nhà đài. Tại kỳ World Cup 2014, kênh ITV (kênh truyền hình phát sóng World Cup tại Anh) chào mức giá 500.000 USD đối với 30 giây quảng cáo phát sóng trong thời gian diễn ra các trận đấu.
Nếu so sánh doanh thu quảng cáo truyền hình ở hai thời điểm tháng 6/2013 và tháng 6/2014 thì doanh thu ở nước Anh đã tăng 10% nhờ hàng loạt chiến dịch dành cho các hãng thức uống có cồn, xe và đồ thể thao.
Link bài viết
Mức giá quảng cáo trong các trận đấu World Cup tại Ấn Độ rơi vào khoảng 60.000 USD/10 giây. Còn tại Brazil, 8 "ông trùm" đã mạnh tay chi 600 triệu USD để quảng cáo trên kênh truyền hình Globo. Quyền lợi trả lại cho các doanh nghiệp lớn là được xuất hiện 1.120 lần trên truyền hình.
Bên cạnh 64 trận đấu World Cup được phát sóng đầy đủ, kênh truyền hình Globo còn sản xuất một loạt các chương trình truyền hình "ăn theo" World Cup và giá bán quảng cáo cũng không hề kém cạnh để tăng thêm doanh thu.
Biến World Cup thành chương trình truyền hình trả tiền
Thực tế, tiền bản quyền phát sóng các trận đấu của World Cup ngày càng cao và tăng lên rất nhiều. Tại Mỹ, kênh ESPN và FOX đã chấp nhận chi 400 triệu USD cho bản quyền phát sóng tiếng Anh đối với World Cup 2018. Nhà đài CCTV của Trung Quốc mua trọn gói bản quyền với mức giá hơn 155 triệu USD.
Thái Lan chi 44 triệu USD mua bản quyền World Cup 2018. Ở Singapore, ba hãng viễn thông gồm Mediacorp, Singtel và StarHub chung tay mua bản quyền World Cup với tổng số tiền là 18,8 triệu USD.
Tim Westcott - nhà phân tích cao cấp tại Screen Digest - cho biết: "Nhiều đài truyền hình không thể trả con số đó nếu chỉ dựa vào riêng quảng cáo”. Theo ông, trước đây, việc phát sóng World Cup thường về tay những kênh truyền thông đại chúng miễn phí. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, những nhà đài này phải đối mặt với vấn đề ngân sách. Do đó, một số cảm thấy bài toán này quá bất lợi nên đã nhượng quyền phát sóng cho đối thủ. Đặc biệt, từ World Cup 2002, các kênh truyền hình thu phí bắt đầu phát triển, nhất là tại châu Âu.
Tại Singapore, người hâm mộ phải trả 80 - 100 USD để theo dõi các trận bóng. Tại Tây Ban Nha và Italy, người hâm mộ chỉ có thể xem một số trận miễn phí. Số còn lại, họ phải sử dụng truyền hình trả tiền (Sogecable tại Tây Ban Nha và Sky Italia tại Italy). Ngoài ra, một số nhà đài khác chọn cách bán lại quyền phát sóng. Tại Pháp, sau khi chi 152 triệu USD cho bản quyền phát sóng World Cup 2010, TF1 đã bán lại quyền phát sóng một số trận đấu với giá 33 triệu USD.
Tuy nhiên, việc thu phí với World Cup cũng phải đối mặt với những rắc rối liên quan đến "lợi ích quốc gia". Ví dụ, tại Singapore, một nhóm người hâm mộ trên Facebook đã kêu gọi tẩy chay Singtel và StarHub vì cho rằng gói cước để xem World Cup quá cao.
Trong khi đó, tại Châu Âu, Ross Biggam - Tổng giám đốc của Hiệp hội Truyền hình Thương mại Châu Âu - chia sẻ đối với truyền hình trả phí, một số chính trị gia thường phản đối: “Thật là khủng khiếp. World Cup là một phần di sản văn hóa của chúng ta”.
(Theo Báo Lao động - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)