Xuất khẩu trái cây Việt - cuộc đua khắc nghiệt
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:33, 16/06/2018
Thanh long xuất khẩu. Nguồn: Cuộc thi Ảnh hàng Việt do báo DNSG tổ chức |
Bất lợi chồng chéo
Việt Nam muốn xuất khẩu một loại trái cây sang các thị trường Úc, Mỹ hay Nhật thì đồng thời phải mở cửa cho các nước này đưa một loại trái cây vào thị trường nội địa. Có thể xem đây là sự đổi chác. Song, trong cuộc đánh đổi ấy, nếu như doanh nghiệp các nước khá tự tin vì am hiểu thị trường Việt Nam thì ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam còn khá lúng túng và đang bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh ở chính các nước ấy.
Chuyên gia nông nghiệp - GS. Võ Tòng Xuân khẳng định, không phải cứ trái cây Việt Nam ăn ngon là có thể đem xuất khẩu. Bởi vì, mỗi loại trái cây có những đặc tính riêng, kỹ thuật trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, đóng gói cũng khác nhau. Nếu không làm đúng kỹ thuật theo quy định nước nhập khẩu thì khó xuất khẩu với giá trị cao.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty T&T Vina, người Mỹ nghiên cứu kỹ thói quen tiêu dùng và sở hữu được kỹ thuật bảo quản trái cây một thời gian dài mới chọn xuất khẩu vào Việt Nam. Thương vụ Mỹ còn quảng bá sản phẩm rất tốt. Chẳng hạn, Mỹ đưa trái cherry vào Việt Nam, giá bên Mỹ khoảng 1 USD/kg, nhưng xuất sang Việt Nam bán hơn 400.000 đồng/kg, và bán rất chạy.
Ngược lại, theo ông Tùng, Việt Nam lại chọn trái chôm chôm và vú sữa xuất khẩu sang Mỹ hay vải sang Úc thì hiệu quả kinh tế không cao. Khi Việt Nam chọn trái chôm chôm đưa vào Mỹ thì trước đó Mexico đã xuất sang Mỹ loại trái cây này với lợi thế đường vận chuyển ngắn lại không phải chịu thuế nhập khẩu. Quả vú sữa đúng là ngon, và Việt Nam sẽ độc quyền tại Mỹ do không có nước nào bán nên chắc chắn đạt lợi nhuận cao. Nhưng trái vú sữa nhanh hỏng, dễ phát triển vi khuẩn, trong khi chưa doanh nghiệp Việt Nam nào sở hữu kỹ thuật bảo quản trái vú sữa lâu dài để có thể vận chuyển bằng đường biển.
Hạn chế về công nghệ bảo quản thấy rõ khi xuất khẩu trái cây vào thị trường Mỹ. Bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu cho biết, khách hàng bên Mỹ muốn đặt hàng trái vú sữa với số lượng lớn nhưng doanh nghiệp không dám nhận vì sợ nếu có ruồi đục quả thì sẽ mất uy tín, thương hiệu, và ảnh hưởng đến các vụ sau.
Theo ông Tùng, Việt Nam xuất sang Mỹ số lượng lớn nhất vẫn là nhãn và thanh long vì có phương pháp bảo quản tương đối dài. Như trái nhãn bảo quản được 45 ngày, thanh long được 30 ngày. Nhưng với thời gian bảo quản ấy, nhãn và thanh long Việt Nam khi sang Mỹ bằng tàu biển cũng chỉ đến được những bang gần, không đủ thời gian tới những bang xa hơn.
Chôm chôm với thời hạn bảo quản chỉ khoảng một tuần, nếu xuất sang Mỹ buộc phải đi máy bay, mà giá cước máy bay rất cao, khiến cho xuất khẩu chôm chôm sang Mỹ bị hạn chế khá nhiều. Còn trái vải gần như không còn được các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ do thời gian bảo quản quá ngắn.
"Hụt hơi" vì thiếu công nghệ bảo quản
TS. Võ Mai - Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, rau quả Việt Nam muốn xuất khẩu thu được giá trị cao cần làm tốt công nghệ bảo quản, như Nhật Bản họ có công nghệ bảo quản đông lạnh tế bào, giữ được trái cây tươi lâu cả năm trời, chất lượng vẫn đảm bảo.
Khi mở cửa cho trái vải vào thị trường Úc, các cơ quan chức năng của Úc đã cảnh báo, trái vải sẽ vướng nhiều trở ngại cả về kỹ thuật bảo quản lẫn vận chuyển nên giá thành sẽ rất cao. GS. Võ Tòng Xuân lý giải, Úc vệ sinh kiểm dịch khá ngặt nghèo, mà một trong yếu tố đó là quy định phải chiếu xạ trái vải từ Việt Nam trước khi đến Úc. Vải chỉ được trồng ở ngoài Bắc, trong khi các nhà máy chiếu xạ đặt ở miền Nam. Việt Nam cũng chưa phát triển được quy trình bảo quản chất lượng trái vải một cách lâu dài, nên tất cả phải vận chuyển bằng máy bay, chi phí đội lên rất cao.
"Các cơ quan chức năng trước khi quyết định chọn trái cây nào xuất khẩu nên tham vấn các doanh nghiệp, vì chính họ là những người hiểu biết thị trường, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, và các lợi thế cạnh tranh", giáo sư nhấn mạnh.
Chuản bị chiếu xạ thanh long xuất khẩu |
Cũng theo GS. Võ Tòng Xuân, muốn xuất khẩu thành công một loại trái cây thì phải quy hoạch thành vùng chuyên canh lớn, thực hiện đúng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng đúng yêu cầu của các nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, đồng thời phải phát triển công nghệ bảo quản trái cây để trái cây để được lâu mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Đưa được trái cây vào thị trường khó tính, nhiều doanh nghiệp phải trả giá để có được bài học kinh nghiệm và hoàn thiện dần ưu thế cạnh tranh. Theo ông Tùng, mặc dù Mỹ kiểm soát chặt chẽ trái cây tươi nhập khẩu về dư lượng thuốc trừ sâu, các tác nhân gây bệnh, vi khuẩn nhưng nếu doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định thì sẽ được thông quan hàng hóa rất nhanh. Nhưng chỉ cần một lần sản phẩm bị phát hiện có chứa chất bảo quản không cho phép, nhiễm nấm bệnh, sẽ bị kiểm tra toàn bộ lô hàng khiến cho thời gian tồn giữ trái cây bị kéo dài, mất cơ hội tiêu thụ, và thậm chí có nguy cơ mất luôn thị trường.
Ông Tùng chia sẻ, trước khi trái cây xuất khẩu đến Mỹ thì phải qua chiếu xạ tại Việt Nam nhằm loại bỏ côn trùng gây hại (đây là yêu cầu của Mỹ, riêng châu Âu thì bằng nhiệt hơi).
Không đơn giản là thu hoạch, đóng gói và chuyển đến nhà máy chiếu xạ là có thể xuất khẩu được. T&T Vina từng mất trắng một số lượng lớn trái thanh long vì chủ quan trong quá trình vận chuyển. Thanh long được chở đến nhà máy chiếu xạ, rồi dỡ hàng xuống để chiếu xạ, xong bốc hàng lên. Các công đoạn này xem ra rất bình thường, nhưng quá trình lên xuống hàng, rồi chạy qua máy chiếu xạ khiến trái thanh long bị sốc nhiệt, ruột nhũn. Chỉ khi T&T Vina hoàn thiện quy trình logistics mới giữ được trái có chất lượng. Đó là phải thu hoạch lúc 2h sáng, đưa ngay vào nhà mát đóng thùng, chở đến nhà máy chiếu xạ vào ban đêm nhằm cân bằng nhiệt độ.
Tại các nhà máy chiếu xạ, luôn có chuyên gia của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có nhiệm vụ kiểm tra mẫu trái cây bằng mắt thường trước khi đưa vào chiếu xạ. Nếu chuyên gia FDA phát hiện trái cây dính đất, hoặc phát hiện có sâu bọ là hủy ngay lô hàng. Chôm chôm là loại quả rất dễ dính bẩn và sâu bọ do vỏ ngoài nhiều lông nhọn mềm. Và T&T Vina đã nhiều lần bị chuyên gia FDE hủy các lô hàng chôm chôm do công nhân kiểm tra không kỹ trước khi đóng gói.
Với hàng loạt điểm yếu và trở ngại kể trên, xem ra khát vọng 10 tỷ USD xuất khẩu trái cây Việt vẫn còn xa.