Ô tô Việt Nam ở đâu trong khối ASEAN?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:37, 23/06/2018
Ảnh: X.TOÀN |
Quá nhỏ bé
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đươc xây dựng hơn 20 năm qua với sự tham gia của những tên tuổi lớn trên thế giới như Toyota, Ford, Honda... Thế nhưng, đến nay ngành công nghiệp được xem là mũi nhọn của nền kinh tế vẫn chưa phát triển, còn nhỏ bé so với các nước trong khu vực.
Hiệp hội Ô tô ASEAN (AAF) có 8 thành viên gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines, Myanmar, Lào, Campuchia và Brunei, trong đó Thái Lan đứng đầu khu vực về sản lượng với 2 triệu xe. Mỗi năm, thị trường này tiêu thụ 800.000 ô tô con và xe thương mại. Đứng thứ hai khu vực là Indonesia với sản lượng 1 triệu xe, kế đến là Malaysia.
Trong khi đó, Việt Nam dù có dân số trẻ và quy mô dân số cao nhưng sản lượng chỉ trên dưới 300.000 xe/năm. Năm 2016, các thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) bán ra thị trường hơn 304.000 xe, nhưng đến năm 2017 chỉ còn hơn 270.000 xe. Trong các năm 2006, 2012 và 2017, thị trường ô tô Việt Nam suy giảm mạnh do ảnh hưởng của sự thay đổi chính sách.
Không chỉ thế, nhu cầu sở hữu ô tô ở Việt Nam cũng còn quá thấp so với các nước. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, trung bình 1.000 dân mới có 23 người sở hữu ô tô, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 204 và mức tối thiểu ở các nước phát triển là 400.
Nhiều năm qua, công nghiệp ô tô trong nước phát triển chủ yếu nhờ các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, các doanh nghiệp này mới chỉ dừng lại ở việc lắp ráp ô tô là chính. Điều đáng nói là đến nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều đã chuyển hướng sang kinh doanh xe nhập khẩu và giảm hẳn lượng xe lắp ráp.
Do đó, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đành trông chờ vào sự phát triển của các doanh nghiệp nội như Thaco, Vinfast. Điển hình, Thaco xây dựng thành một tập đoàn với 20 nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô với dây chuyền hiện đại. Khu công nghiệp ô tô Chu Lai - Trường Hải của Thaco là trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô theo hướng hiện đại.
Nhà máy Thaco Mazda mới hoạt động trong tháng 3 năm nay là nhà máy sản xuất xe du lịch lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á của Mazda. Nhà máy có diện tích 30,3ha (nhà xưởng 17,3ha), công suất 100.000 xe/năm với vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng trang bị các dây chuyền tự động hóa và công nghệ mới nhất.
Còn Vinfast dù mới khởi công xây dựng năm 2017 nhưng được kỳ vọng nhờ vào sự đột phá của các ứng dụng công nghệ cao. Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải - Hải Phòng có vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD đang xây dựng để trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025. Chia sẻ tại đại hội cổ đông năm 2018 mới đây, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup cho biết, Vinfast là trụ cột của Vingroup trong thời gian tới.
Thiếu công nghiệp hỗ trợ
Một trong những lý do khiến ngành ô tô Việt Nam chưa phát triển là do công nghiệp hỗ trợ cho ngành này vẫn còn non kém. Đến nay, cả nước mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô. Cụ thể hơn, Việt Nam có 20 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nhưng chỉ có 84 doanh nghiệp cung cấp linh kiện cấp 1 và 145 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 2, 3.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn nhỏ bé so với các nước |
Số lượng này quá nhỏ so với nhu cầu và cũng rất nhỏ so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn như tại Thái Lan, ngành sản xuất ô tô chỉ có 16 doanh nghiệp nhưng phục vụ cho họ là một hệ thống vệ tinh với gần 700 nhà cung cấp linh kiện cấp 1 (gồm cơ khí, điện tử, nhựa và hóa chất) và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và 3.
Số lượng doanh nghiệp đã ít lại chỉ sản xuất được một số loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy. Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.
Vì công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên các doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài phải nhập linh kiện, phụ tùng từ các công ty mẹ hoặc từ các công ty liên doanh của họ ở các nước trong khu vực. Trên thực tế, có đến hơn 90% giá trị các bộ linh kiện, phụ tùng lắp ráp vào xe được cung cấp theo hình thức này. Vì lý do đó, tỷ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất trong nước vẫn rất thấp.
Chia sẻ trước báo giới, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương cho rằng, sau 20 năm ngành ô tô được bảo hộ để nâng cao tỷ lệ nội địa linh kiện nhưng không đạt số lượng và doanh số như kỳ vọng.
Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam vẫn đang trong vòng luẩn quẩn của các vấn đề như quy mô thị trường nhỏ, nhu cầu mua phụ tùng linh kiện trong nước thấp, công nghiệp hỗ trợ không phát triển, chi phí sản xuất cao, giá xe cao. Đặc biệt, gần đây, các chính sách liên quan đến nhập khẩu ô tô đã tác động rất lớn đến việc lắp ráp ô tô.