Hàng loạt nước thắt chặt chính sách tiền tệ: Thị trường nào sẽ là "ngôi sao mới"?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 23/06/2018

Một số chuyên gia tài chính lo ngại việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh có thể gây ra khủng hoảng và khiến các nền kinh tế quay trở lại giai đoạn suy thoái.
Ảnh: Lesvosnews

Ảnh: Lesvosnews

Thắt chặt chính sách lan tỏa

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%, ngay ngày hôm sau (14/6), đến lượt Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) công bố lộ trình thu hẹp nới lỏng định lượng trái phiếu chính phủ và trái phiếu tư nhân và kết thúc chậm nhất vào cuối năm nay.

Cụ thể, chương trình nới lỏng định lượng trái phiếu chính phủ và trái phiếu tư nhân ban đầu dự kiến kéo dài đến tháng 9/2018 với việc mua 30 tỷ euro mỗi tháng nhưng nay sẽ được gia hạn tới cuối năm 2018 và chỉ mua 15 tỷ euro trong ba tháng cuối năm nay.

Không chỉ các ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn thắt chặt chính sách, mà những nền kinh tế nhỏ hơn gần đây cũng liên tiếp gia tăng lãi suất để đối phó với áp lực lạm phát quay trở lại và việc rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Ngày 6/6, NHTƯ Ấn Độ tăng lãi suất thêm 0,25%, lên 6,25%/năm.

NHTƯ Thổ Nhĩ Kỳ trong 7 ngày đầu tiên của tháng 6 đã có đến hai lần tăng mạnh lãi suất, theo đó lần thứ nhất diễn ra ngày 1/6 khi tăng hơn gấp đôi, từ 8% lên 16,5%/năm và lần thứ hai vào ngày 7/6 khi tăng thêm 1,25%, lên 17,75%/năm.

Đáng kể nhất là NHTƯ Argentina đã có đến ba lần tăng lãi suất chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 4, đầu tháng 5, với tổng mức tăng đến 12,75% và lãi suất của nền kinh tế này đang nằm ở mức kỷ lục 40%/năm. Quyết định tăng mạnh lãi suất diễn ra trong bối cảnh đồng peso của Argentina mất giá thê thảm và việc rút vốn hàng loạt của các nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi thị trường này.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra tại nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á là Indonesia. Chỉ trong vòng hai tuần, từ 17/5 đến 30/5, NHTƯ Indonesia đã có đến hai lần tăng lãi suất với tổng mức tăng 0,5%, theo đó lần thứ nhất tăng từ 4,25%, lên 4,5% và lần thứ hai tăng từ 4,5%, lên 4,75%. Indonesia cũng đang đau đầu với tình trạng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài, khiến thị trường chứng khoán phải điều chỉnh mạnh trong thời gian qua.

Thị trường nào sẽ "tỏa sáng"?

Chính sách thắt chặt tiền tệ của các NHTƯ đang lan tỏa và có dấu hiệu ngày càng nhanh hơn làm cho dòng vốn đầu tư xáo trộn và đảo chiều khó lường, những kênh đầu tư tài sản có tính rủi ro càng khiến tâm lý nhà đầu tư thêm bi quan và cẩn trọng hơn với các quyết định rót tiền vào chứng khoán.

Rõ ràng với tiền tệ bị thắt chặt, dòng vốn rẻ sẽ không còn nữa và vì vậy làm hạn chế dòng vốn chảy vào thị trường. Lãi suất cao hơn sẽ khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng lên và ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận cũng như động lực mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Thị trường trái phiếu có thể cần được để mắt đến trong tình hình lợi suất ngày càng tăng theo diễn biến thắt chặt chính sách tiền tệ của các NHTƯ. Về cơ bản, lợi suất tăng tức giá trái phiếu giảm, và thực tế là giá trái phiếu trên các thị trường đã giảm khá mạnh kể từ đầu năm đến nay.

Theo sau thị trường chứng khoán có thể sẽ là thị trường bất động sản - một trong những kênh đầu tư thu hút mạnh dòng tiền trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng trước đây. Tuy nhiên giờ đây lãi suất cho các khoản vay mua nhà đã bắt đầu tăng, thị trường nhà đất có thể rơi vào tình trạng suy yếu là điều có thể dự báo trước.

Ngược lại, thị trường trái phiếu có thể cần được để mắt đến trong tình hình lợi suất ngày càng tăng theo diễn biến thắt chặt chính sách tiền tệ của các NHTƯ. Về cơ bản, lợi suất tăng tức giá trái phiếu giảm, và thực tế là giá trái phiếu trên các thị trường đã giảm khá mạnh kể từ đầu năm đến nay.

Diễn biến trên khiến tài sản này trở nên hấp dẫn hơn và có thể hút bớt tiền từ thị trường cổ phiếu chảy sang, trong khi lãi suất tăng cũng buộc các chính phủ phải tăng lãi suất trái phiếu.

Thị trường vàng cũng là kênh đầu tư có thể thu hút dòng vốn. Khi các NHTƯ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn thì không loại trừ khả năng lạm phát tăng nhanh trở lại. Lạm phát tại Mỹ đã vượt ngưỡng mục tiêu 2%, trong khi tại một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triền còn tăng nhanh hơn theo diễn biến giá dầu trong thời gian gần đây.

Lạm phát cao thường khiến vàng trở nên hấp dẫn do tài sản này có thể chống lại sự mất giá của tiền tệ. Cũng cần nhớ rằng, khủng hoảng thường thúc đẩy nhà đầu tư lấy vàng làm nơi trú ẩn.

Ở thị trường tiền tệ, đồng USD có thể sẽ tiếp tục tỏa sáng trong bối cảnh FED sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, cùng với việc dòng vốn tại các thị trường khác chạy về Mỹ. Riêng đối với đồng EUR, dù NHTƯ EU đang có lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng khủng hoảng chính trị tại Ý và hệ quả từ việc Anh rời EU trước mắt cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên đồng tiền này.

Nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến đồng yen Nhật, dù NHTƯ Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ như hiện nay vào cuộc họp ngày15/6, nhưng một khi BOJ có dấu hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại có thể thúc đẩy đồng yen tăng mạnh. Đồng yen cũng thường tăng giá trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trở nên bất ổn, trong khi rủi ro chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đã bắt đầu. 

LÊ PHAN