Vì sao Đông Nam Á là mỏ vàng của thương mại điện tử?

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 25/06/2018

Với hơn 330 triệu người dùng Internet tại Đông Nam Á, thương mại điện tử được dự báo sẽ trở thành một ngành kinh tế lớn tại khu vực này trong vài năm tới.
Vì sao Đông Nam Á là mỏ vàng của thương mại điện tử?

Thương mại điện tử được dự báo sẽ trở thành một ngành kinh tế lớn tại Đông Nam Á trong vài năm tới. Ảnh: Business Advice

Theo một nghiên cứu của Google, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á đã đạt giá trị 50 tỷ USD trong năm 2017, vượt qua mức dự báo 35%.

Mỗi tháng khu vực này có khoảng 3,8 triệu người dùng Internet mới. Đây là nhân tố được cho là sẽ giúp Đông Nam Á trở thành thị trường Inernet tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong khoảng năm 2015 - 2020.  

Điều này cộng với dân số trẻ bùng nổ với thu nhập tăng, hệ thống thanh toán khả dụng hơn và việc thiếu hoạt động bán lẻ có tổ chức, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng của nền kinh tế Internet tại khu vực này - được dự báo tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2025. 

Dưới đây là 6 nguyên nhân giúp Đông Nam Á sẽ trở thành "mỏ vàng" đối với các hãng thương mại điện tử, được tổng hợp bởi Tech In Asia với dữ liệu dẫn từ nghiên cứu của iPrice Group.

1. Đông Nam Á là nền kinh tế chuộng di động 

Trung bình người dân tại Đông Nam Á dành khoảng 3,6 giờ đồng hồ để truy cập Internet qua thiết bị di động, mức cao nhất thế giới. 

Theo phân tích của iPrice Group tại 6 quốc gia lớn trong khu vực (gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan), thương mại điện tử qua di động (được gọi là "m-commerce") tăng trưởng trung bình 19% và chiếm khoảng 72% tổng lượng truy cập web. Dẫn đầu là Indonesia với 87% lượng truy cập web là qua thiết bị di động. Tại khu vực này, truy cập qua máy tính chỉ chiếm chưa tới 30%, cho thấy tầm quan trọng của các nền tảng thương mại điện tử thân thiện với thiết bị di động. 

Vi-sao-Do-ng-Nam-A-la-mo-va-ng-6221-5474

Lượng truy cập di động từ quý 3/2016 tới quý 2/2017 tại Indonesia, Thái Lan, Singapore, Myanmar, Việt Nam và Philippines - Nguồn: iPrice Group.

2. Người Đông Nam Á dành nhiều thời gian mua sắm trực tuyến 

Trung bình, người dân tại Đông Nam Á dành khoảng 140 phút để mua sắm trực tuyến mỗi tháng, thời gian gấp đôi so với người Mỹ. 

Vi-sao-Do-ng-Nam-A-la-mo-va-ng-8165-7768

Tỷ lệ đơn hàng vào các thời điểm trong ngày tại các nước tại Indonesia, Thái Lan, Singapore, Myanmar, Việt Nam và Philippines - Nguồn: iPrice Group.

Theo biểu đồ trên, khách hàng ở Đông Nam Á có xu hướng mua sắm trên các trang thương mại điện tử trong giờ làm việc. Số lượng đơn hàng đạt mức cao nhất trong khoảng từ 9h sáng tới 5h chiều - giờ hành chính thông thường tại các công sở hoặc trường học. Tuy nhiên, xu hướng này khác biệt tại Singapore với giờ cao điểm của mua sắm trực tuyến là 10h đêm. 

Người dân Đông Nam Á cũng có xu hướng mua sắm vào các ngày trong tuần nhiều hơn so với cuối tuần. Tuy nhiên, lượng quy cập qua di động lại đạt mức cao nhất vào ngày cuối tuần, cho thấy có thể khách hàng vào các trang thương mại điện tử để tìm hiểu sản phẩm trong thời gian này và sau đó thực hiện mua vào một ngày trong tuần. 

Vi-sao-Do-ng-Nam-A-la-mo-va-ng-5495-4284

Tỷ lệ chuyển đổi (CR) các ngày trong tuần tại Indonesia, Thái Lan, Singapore, Myanmar, Việt Nam và Philippines. Tỷ lệ chuyển đổi là tỷ lệ giữa tổng số người dùng truy cập vào website với số người đặt đơn hàng - Nguồn: iPrice Group.

3. Các startup thương mại điện tử đã huy động gần 8 tỷ USD trong năm 2017 

Theo nghiên cứu của Google, "tỷ lệ đầu tư vào các startp tại Đông Nam Á hiện tương đương với của Ấn Độ". Tính tới năm 2016, các startup thương mại điện tử tại Đông Nam Á đã huy động được hơn 2,52 tỷ USD. 

Nhưng chỉ trong năm 2017, con số này đã tăng gấp 3 lên 7,86 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2013. 

4. Sự trưởng thành của thị trường không đồng nghĩa với tỷ lệ chuyển đổi cao hơn 

Một trong những phép đo quan trọng nhất đối với bất kỳ hãng thương mại điện tử nào là tỷ lệ chuyển đổi. Tỷ lệ này phản ánh cả chất lượng hoạt động marketing của công ty lẫn tính hiệu quả của website. Cải thiện tỷ lệ chuyển đổi có tác động đáng kể tới doanh thu và lợi nhuận của một doanh nghiệp. 

Theo nghiên cứu này, các hãng thương mại tử tại Việt Nam đang dẫn đầu về tỷ lệ chuyển đổi - cao hơn 30% so với mức trung bình. Theo sau là Singapore và Indonesia. 

Vi-sao-Do-ng-Nam-A-la-mo-va-ng-1467-1792

Tỷ lệ chuyển đổi tại Indonesia, Thái Lan, Singapore, Myanmar, Việt Nam và Philippines năm 2017 - Nguồn: iPrice Group.

5. Giá trị trung bình của giỏ hàng tương quan mật thiết với GDP đầu người 

Giá trị trung bình của giỏ hàng là một thước đo quan trọng khác có tác động lớn tới lợi nhuận của một doanh nghiệp. Đây là thước đo số tiền trung bình khách hàng chi trên một đơn hàng trong một khoảng thời gian nhất định. 

Vi-sao-Do-ng-Nam-A-la-mo-va-ng-2067-5258

GDP đầu người tại Indonesia, Thái Lan, Singapore, Myanmar, Việt Nam và Philippines năm 2017 - Nguồn: iPrice Group.

Singapore là quốc gia có GDP đầu người cao nhất (90.530 USD), còn Việt Nam là nước có GDP đầu người thấp nhất. Theo đó, các hãng thương mại điện tử tại Singapore có giá trị trung bình đơn hàng cao nhất với 91 USD, cao gấp 3,7 lần so với mức 23 USD của Việt Nam. 

6. Chuyển khoản ngân hàng là phương thức thanh toán phổ biến nhất 

Với tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng thấp tại Đông Nam Á (trừ Singapore), các hãng thương mại điện tử ở khu vực này đối mặt với những thách thức khác hẳn so với khu vực khác ở phương Tây. Từ sự thiếu thốn này, nhiều giải pháp thanh toán đã được đưa ra tại đây. 

Thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (COD) là phương thức thanh toán được hơn 80% các hãng thương mại điện tử tại Việt Nam và Philippines áp dụng. Trong khi đó, chuyển khoản qua ngân hàng là phương thức phổ biến tại Indonesia (94%), Việt Nam (86%) và Thái Lan (79%). 

Gần 50% trang thương mại điện tử ở Thái Lan và Việt Nam có điểm nhận thanh toán. Thanh toán bằng phương thức trả góp tương đối phổ biến tại Việt Nam (47%) và Indonesia (42%). 

Vi-sao-Do-ng-Nam-A-la-mo-va-ng-6940-7114

Tỷ lệ các trang thương mại điện tử có lựa chọn thanh toán trên đây tại Indonesia, Thái Lan, Singapore, Myanmar, Việt Nam và Philippines năm 2017 - Nguồn: iPrice Group.

Một trong những thách thức lớn nhất với sự tăng trưởng của nền kinh tế Internet tại Đông Nam Á là thiếu nhân lực bản địa. Điều này dẫn tới việc mở cửa cho các trung tâm công nghệ tại những khu vực khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ - nơi những nhân lực hàng đầu luôn sẵn có. 

Tuy nhiên, các thị trường mới nổi Đông Nam Á thường phải cân nhắc giữa việc tuyển dụng nhân sự ngoại quốc nhiều kinh nghiệm với nhân sự bản địa hiểu thị trường nhưng ít kinh nghiệm hơn. 

Thời gian sẽ chứng minh các dự báo về nền kinh tế Internet của Đông Nam Á. Theo Google, sự thành công của các startup thương mại điện tử tại khu vực này phụ thuộc phần lớn vào việc các giám đốc điều hành phát triển công ty như thế nào trong bối cảnh nền kinh tế Internet đi dần tới bước trưởng thành.

(Theo VnEconomy - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

HOÀI THU