Những rào cản khi doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:24, 26/06/2018
Nhiều cơ hội và rủi ro khi doanh nghiệp Việt đầu tư vào nông nghiệp ở Campuchia. Nguồn: Oxfam |
Chị Võ Ngọc Thư – chủ doanh nghiệp chế tác đồ mỹ nghệ Tuấn Thư (Bình Dương), một trong các doanh nghiệp sẽ tham dự hội chợ lần này tỏ ra khá hào hứng.
Theo chia sẻ của chị Võ Ngọc Thư, vài doanh nghiệp mỹ nghệ Việt Nam khá lớn mà chị quen biết thâm nhập Lào cách đây mấy năm đều đã giành được kết quả khả quan.
Bà Mai Thị Thùy - Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng nhận xét: “Thị trường Lào ít dân nhưng phù hợp với ngành hàng sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam”.
Sức ép cạnh tranh quá lớn từ Trung Quốc và Thái Lan
Dù tiềm năng là thế nhưng những năm qua, hàng Việt Nam luôn chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ hàng Thái Lan và hàng Trung Quốc. Nguyên nhân là mạng lưới phân phối hàng Việt tại Lào như chợ, cửa hàng, siêu thị chưa được quan tâm thiết lập. Trong khi đó, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa tại Lào, tại các tỉnh của Lào đều có chợ Trung Quốc. Ngay cả thủ đô Vientian cũng có trung tâm thương mại của Trung Quốc.
Suốt một thời gian dài, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đến việc thúc đẩy quan hệ đầu tư thương mại, cung cấp thông tin, nghiên cứu thị trường mà mới chỉ tập trung vào khâu bán hàng. Gần đây, tình hình mới dần được khắc phục nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than thở quá trình thâm nhập nước ngoài của ngành bán lẻ tổng hợp gặp quá nhiều khó khăn. Saigon Co.op đã có kế hoạch mở siêu thị tại Campuchia nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Ông Nguyễn Thành Nhân – Tổng giám đốc Saigon Co.op từng cho biết: “Không chỉ đơn giản là hệ thống cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ tổng hợp muốn thành công phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống logistics mang tính toàn cầu hóa, mà điều này là không dễ”.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã tăng khoảng 30 lần so với 10 năm trước. Nhưng kinh doanh ở nước ngoài thực sự là bài toán khó đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là ở những thị trường còn kém phát triển với những rủi ro khó lường. Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (Outward Foreign Direct Investment – OFDI) của Việt Nam vào các nước Lào, Campuchia và Myanmar đang phải đối mặt với một số thách thức khi các thành viên Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài từ các nước ASEAN+3, đặc biệt là Trung Quốc.
Dù OFDI của Việt Nam tăng khá nhanh trong những năm gần đây với 930 dự án, trong đó các nước Lào, Campuchia, Myanmar chiếm tới 43% song cạnh tranh giữa các nhà đầu tư vào Lào, Campuchia và Myanmar tới đây được dự báo sẽ gay gắt hơn, cũng sẽ khó hơn cho các nhà đầu tư Việt Nam khi hiện trạng cơ sở hạ tầng tại Lào, Campuchia, Myanmar và các tuyến giao thông liên kết giữa Việt Nam và 3 nước này còn kém phát triển.
Về chủ quan, các nhà đầu tư Việt Nam còn hạn chế tầm nhìn trung và dài hạn, thiếu sự liên kết và thiếu tài chính. Thêm nữa, các chính sách của Chính phủ hỗ trợ việc đầu tư ra nước ngoài như về định hướng, vốn, thủ tục, ưu đãi không cụ thể, chưa thiết thực và đủ hấp dẫn.
PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng muốn tăng đầu tư vào 3 nước này, Việt Nam phải thực hiện đúng các thỏa thuận hợp tác kinh tế khu vực, thúc đẩy việc cải tiến hệ thống pháp luật và phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia cũng như kết nối cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Chính phủ nên có chính sách thiết thực và hấp dẫn hơn để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài cũng như tăng cường giám sát chất lượng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài để tránh gây ra tác động tiêu cực.
Điểm quan trọng không kém là các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực cải thiện khả năng cạnh tranh bằng đầu tư trung và dài hạn, tìm hiểu sâu về chính sách đầu tư và những thay đổi chính sách của nước nhận đầu tư, cũng như tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp OFDI.
Nhiều rủi ro khi doanh nghiệp không nắm vững pháp luật
Cách đây chưa lâu, vào thời điểm khi giá cao su tăng cao đã có làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Lào và Campuchia (để xin cấp đất trồng cao su). Ông Phạm Quang Tú, thuộc Tổ chức phi lợi nhuận Oxfam tại Việt Nam cho hay tại nhiều địa bàn mà Oxfam đến khảo sát, đều có xảy ra việc tranh chấp, xung đột về đất đai giữa công ty và người dân sở tại. Trong đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư nhưng không thông báo với các cơ quan quản lý, tham tán thương mại, chỉ đến khi phát hiện lừa đảo mới liên lạc với các tổ chức nên rất khó để hỗ trợ.
Việc lừa đảo thường rất tinh vi và phần lớn thông qua các quan hệ cá nhân có quen biết. Các “cò” dự án thậm chí còn photo đầy đủ cả bộ hồ sơ, bản đồ đất đai của dự án để bán cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều người nhẹ dạ bỏ hàng triệu USD để mua dự án nhưng sang đến nơi mới biết dự án không có thật hoặc thuộc sở hữu của đơn vị khác. Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam đã từng phải gửi thư cảnh báo về tình trạng lừa đảo đầu tư tại Lào và Campuchia.
Theo quan sát của một số tổ chức nghiên cứu thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang Lào làm ăn nhưng lại không nắm chắc pháp luật và chính sách của Lào, hoạt động còn mang tính tự phát, rất dễ xảy ra tranh chấp. Khi tranh chấp xảy ra thì việc xử lý rất khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Về quản lý nhà nước, hiện cũng chưa có cơ quan có đủ thẩm quyền, điều kiện và năng lực triển khai quản lý, theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Lào, cũng như chưa có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ trong quản lý, chưa làm rõ nội dung quản lý, từ khâu thẩm định tư cách pháp nhân, thẩm định năng lực của các doanh nghiệp đến khâu giám sát hoạt động.