Hội An không còn sống chậm

Du lịch - Ngày đăng : 03:27, 01/07/2018

6 tháng đầu năm, phố cổ Hội An đón 2,6 triệu lượt du khách tham quan.
Hội An không còn sống chậm

Hội An đêm về mà vẫn nóng vì đèn giăng khắp phố, đèn quán này cố lấn lướt đèn quán kia, hàng lưu niệm Trung Quốc từ tơ lụa giả đến túi, khăn thổ cẩm, đồ chơi lèn chặt những ngôi nhà cổ.

"Hội An có lẽ là nơi đưa ra sáng kiến sống chậm, sống tinh tế từng khoảnh khắc nhất ở Việt Nam. Trên con phố san sát cửa hàng bán đồ lưu niệm địa phương, dù mua sắm nhưng du khách không ai có thể hối hả khi con đường đó đầy ắp âm thanh du dương của những bản hòa tấu nhạc cổ điển phát ra từ những chiếc loa gắn trên tường các ngôi nhà cổ, và phía trên cao dàn hoa nhô ra từ mái hiên nhà mời mọc.

Trong nhiều nơi kinh doanh, chỗ may sắm quần áo trong các cửa hàng lớn, các gallery, nhà cổ đón khách tham quan, khách được mời uống trà xanh, ngồi ngắm mái nhà rêu phong, các cô gái địa phương mặc áo dài lặng lẽ qua lại.

Đó chính là không gian phục dựng từ cảnh mua bán của các thương nhân Phúc Kiến đến tìm đối tác ở Hội An, họ có phong thái nhàn nhã, cao đạo, tinh tế với thú hưởng trà đạo trong các hiên nhà cổ và sân vườn, vừa nhỏ nhẹ trao đổi giá cả và chất lượng hàng hóa".

Cách đây mười năm tôi đã viết về Hội An như vậy. Và mỗi năm tôi lại đến Hội An vài lần, quan sát đôi ba ngày, sống với nó ở góc này góc khác. Có cơ hội tôi ở hẳn tại Hội An một năm, rồi thôi vì nghĩ rằng không có đủ sự "chai sạn" để nhìn một Hội An thức dậy vào lúc... hoàng hôn, rất giống Pattaya (Thái Lan), sau một ngày im ngủ mỏi mệt để guồng quay của đồng tiền bắt đầu hoạt động.

Thật không tưởng tượng nổi chỉ 6 tháng đầu năm, phố cổ nhỏ nhoi này đón 2,6 triệu lượt du khách tham quan. Hội An đêm về mà vẫn nóng vì đèn giăng khắp phố, đèn quán này cố lấn lướt đèn quán kia, hàng lưu niệm Trung Quốc từ tơ lụa giả đến túi, khăn thổ cẩm, đồ chơi lèn chặt những ngôi nhà cổ.

Hàng đoàn người đổ ra từ những khu du lịch bao quanh đó, với những du khách ồn ào, thậm chí miệng còn ngậm tăm xỉa răng sau bữa tối đi ken dày trên phố đi bộ.

Mỗi đêm phố cổ Hội An "chịu đựng" vài nghìn lượt du khách như vậy, không còn bất cứ chỗ nào yên tĩnh để hít thở trong nhịp sống chậm ưa thích mà du khách mong mỏi có được khi đến Hội An. Những đôi nam nữ chụp ảnh cưới tuyệt vọng tìm những góc phố yên tĩnh khi đêm đến, mà cũng khó khăn vô cùng.

Đến Hội An bây giờ sẽ nghe đủ thứ ngôn ngữ và Hội An phải hội nhập với đủ dòng văn hóa kinh doanh kéo đến vì lợi nhuận. Chẳng nhẽ không ai cảm thấy bức bối khi nhìn những cô gái bán hàng chạy theo níu kéo khách, nói thách, kỳ kèo giá cả ầm ĩ không cần che giấu?

Trộm cắp, lừa đảo, "chặt chém" là những từ trước đây xa lạ thì bây giờ đã trở nên rất bình thường. Có biết bao người đau lòng khi nhìn mảng bê tông cao lớn nằm giữa dòng sông Thu Bồn, tạo cho Hội An tì vết lớn về đầu tư, và cũng báo hiệu dòng sông văn hóa đang bị "xé rách", bị nước mặn khắp nơi trào ngược dòng trộn lẫn, tạo ra một Hội An mang gương mặt "kiếm tiền" lộ liễu khi các khách sạn mới thi nhau ra đời.

Cà phê bán được thì cả phố rùng rùng bán cà phê. Cơm gà gây được tiếng vang thì cả người Bắc, người ở tận Huế, Nghệ An cũng vào bán cơm gà. Rồi cao lầu bớt đi, nhường chỗ cho bún đậu mắm tôm. Chè đậu ván thanh mát nổi tiếng trong bài diễn văn của ông Nguyễn Sự cách đây 7 năm nay đã thành những gánh chè nấu vội, cẩu thả nên nhạt nhẽo.

Thăng rồi trầm, hết cơn bĩ cực sẽ đến ngày thái lai. Biết rằng cuộc sống là như vậy, nhưng một ngày kia khi Hội An được guồng máy kiếm tiền hôm nay nhả ra thì sẽ còn lại gì? Sự nghèo khó thời bao cấp vẫn giữ được văn hóa Hội An, giữ được di sản kiến trúc.

Giàu có như Hội An hôm nay, giàu lắm nhưng lo sợ và buồn chán, bởi qua làn sóng này Hội An chắc chắn sẽ mang gương mặt khác, di sản kiến trúc có thể còn đó, thậm chí nó còn được sao chép xây dựng khắp nơi xung quanh khu ngoại ô, nhưng cảnh xé vườn bán xây nhà nghỉ, người Hội An rời khỏi nhà cũ, người nông dân bán vườn rời làng cũ đã làm mất đi cốt lõi văn hóa của một di sản văn hóa sống.

Đến một ngày Hội An chỉ còn lại những mái nhà rêu phong và những chủ nhân mới. Một Hội An chỉ trình diễn cho du khách cuộc sống chậm đầy giả tạo mà thôi!

HỒNG BÍCH