Doanh nhân Đặng Triệu Hòa: Thiếu phiêu lưu, doanh nhân chỉ có thể là người quản trị đơn thuần
Chân dung - Ngày đăng : 01:00, 04/07/2018
Doanh nhân Đặng Triệu Hòa - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ. |
Ông Đặng Triệu Hòa - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ có đầy đủ phẩm chất của một doanh nhân thành đạt, với khả năng vạch ra các chiến lược dài hạn, từ “mở cửa” đón cổ đông; chuẩn bị nguồn lực, nắm bắt cơ hội; đến phát triển sản phẩm, chinh phục khách hàng; và cả sự phiêu lưu mà ông cho rằng, nếu thiếu nó, doanh nhân chỉ có thể là nhà quản trị đơn thuần.
Đóng “con tàu” đủ lớn và vững chắc
Nếu tìm kiếm thông tin về những doanh nhân gốc Hoa có tầm ảnh hưởng đến một hoặc nhiều ngành tại thị trường nội địa, có lẽ cái tên Đặng Triệu Hòa chưa được nhắc đến nhiều. “Mặc dù là người gốc Hoa, nhưng tôi lớn lên ở Việt Nam. Tôi là người Việt Nam và đây là quê hương tôi”, Chủ tịch Sợi Thế Kỷ tự hào.
Ông Hòa là người gây dựng và nắm quyền điều hành Sợi Thế Kỷ từ những ngày đầu thành lập. Gần 2 thập kỷ trôi qua, đến nay, Sợi Thế Kỷ tự tin đủ khả năng cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực sợi dài phân khúc cao cấp. Sợi Thế Kỷ hiện là doanh nghiệp xuất khẩu sợi dài lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 28% giá trị xuất khẩu sợi dài của cả nước năm 2017.
Ông gắn bó với ngành sợi từ khi 22 tuổi, trải qua nhiều vị trí, từ nhân viên kinh doanh sợi, đến trưởng phòng, rồi phó giám đốc tại một công ty nước ngoài. Quá trình này đã góp phần hình thành trong ông một hệ thống kiến thức cơ bản về công việc sản xuất cũng như khả năng đánh giá về tiềm năng phát triển của ngành.
Link bài viết
Tuy nhiên, do sự thay đổi về cổ đông lớn từ phía công ty mẹ ở Đài Loan, công ty ông Hòa làm việc lúc đó cũng bị ảnh hưởng. Nửa năm sau đó, ông quyết định nghỉ việc để lập công ty riêng. Sau hơn 8 năm làm thương mại, ông Đặng Triệu Hòa quyết định mở rộng sang lĩnh vực sản xuất với việc thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại Sợi Thế Kỷ vào năm 2000.
5 năm sau đó, người sáng lập Sợi Thế Kỷ đã kêu gọi góp vốn từ nhiều cổ đông khác để thành lập công ty cổ phần. Có thể thấy, từ 13 năm trước, khi cuộc cạnh tranh trong ngành sợi chưa gay gắt, ông Hòa đã mường tượng đến việc phải “đóng một con tàu đủ lớn và vững chắc, chuẩn bị nắm bắt cơ hội tăng trưởng của thị trường”. Ông chia sẻ, để có thêm sự đóng góp về kinh nghiệm quản trị và dòng vốn đầu tư cho nhân sự, công nghệ, thì việc “mở cửa” đón cổ đông chính là phương án tối ưu nhất.
Cứ như thế, từ năm 2005, vốn điều lệ của Sợi Thế Kỷ tăng đều đặn từ 50 tỷ đồng lên gần 600 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2017), sau 15 lần phát hành. Từ việc sở hữu nhà máy kéo sợi có công suất 4.800 tấn/năm, Sợi Thế Kỷ nâng năng lực sản xuất lên hơn 12 lần, ở mức 60.000 tấn/năm, tạm đủ sản phẩm cung cấp thẳng đến các công ty dệt, cung cấp sản phẩm cao cấp cho hàng loạt nhãn hàng quốc tế như H&M, Nike, Adidas, The North Face, Under Armour, Uniqlo… hay trở thành đối tác của Unifi...
Tuy nhiên, ông Hòa khẳng định, Sợi Thế Kỷ chưa từng muốn có được một khách hàng nào lớn tới mức, nếu họ không tiếp tục hợp tác, doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh lao đao.
“Sẽ có người cho rằng mức tăng trưởng 20 - 30%/năm của Sợi Thế Kỷ là chậm, nhưng quan điểm của tôi là, nếu chỉ tăng trưởng dựa vào số lượng mà không chú trọng chất lượng và nâng giá trị gia tăng, thì rủi ro rất cao. Sợi Thế Kỷ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nên không thể cứ liên tục mở rộng nhà máy mà không nghiên cứu, phát triển sản phẩm tiên phong và khác biệt”, ông Hòa thẳng thắn.
Tăng ga, đổi hướng
Việc trở thành công ty đại chúng từ năm 2014 đã mang lại cho Sợi Thế Kỷ một sắc màu mới. Phát hành thành công 3 triệu cổ phiếu, thu về 75 tỷ đồng, góp phần vào mở rộng dự án Trảng Bàng giai đoạn III. Dù là công ty gia đình khi 3 thành viên sáng lập Hội đồng Quản trị vẫn nắm gần 31% vốn điều lệ, nhưng Sợi Thế Kỷ đã có sự tham gia của nhà đầu tư lớn ở giai đoạn đầu là Red River Holding với 25,1% vốn điều lệ. Sau khi quỹ này thoái vốn, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Hướng Việt và Vietnam Holding Limited đã thay thế và đang nắm số cổ phần tương ứng là 20,2% và 7,6% tại Sợi Thế Kỷ.
Link bài viết
Nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể chủ động miễn dịch với sai lầm. Sợi Thế Kỷ bước vào thời kỳ khủng hoảng suốt 2 năm sau đó. Bắt đầu từ tháng 5/2015, Thổ Nhĩ Kỳ, thị trường chính của Sợi Thế Kỷ, khởi xướng vụ kiện chống bán phá giá các sản phẩm sợi dài từ Việt Nam.
Chủ tịch Sợi Thế Kỷ dũng cảm thừa nhận, đó là lỗi của mình. “Đúng là tôi có phần chủ quan, vì không nghĩ vụ khởi kiện đến sớm hơn dự kiến 1 - 2 năm. Đây là kinh nghiệm quý báu cho tôi và công ty. Đó là phải dự báo được những yếu tố rủi ro và có phương án phòng bị để hạn chế các cú sốc đối với hoạt động kinh doanh”, ông Hòa trải lòng khi nhìn lại giai đoạn khó khăn của Sợi Thế Kỷ.
Khi đó, “người cầm lái” ở Sợi Thế Kỷ có 2 việc phải làm. Một là, thuê luật sư theo đuổi vụ kiện đến cùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp. Hai là, tăng tốc thực hiện chiến lược khai thác thị trường mới thay thế cho Thổ Nhĩ Kỳ. Sợi Thế Kỷ đã bỏ ra không dưới 80.000 USD để thuê luật sư khởi kiện, đồng thời tích cực xúc tiến thương mại tại Nhật Bản và Hàn Quốc, tìm hiểu nhu cầu sử dụng sợi của khách hàng tại hai thị trường này và mời họ dùng thử hàng mẫu.
Ông Hòa cho biết, các khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc rất thận trọng với việc chuyển đổi sang nhà cung ứng mới. Thậm chí, có đối tác từ Nhật Bản dành 2 - 3 năm với hơn 20 chuyến thăm để tìm hiểu về Sợi Thế Kỷ mà không thực hiện bất cứ đơn đặt hàng nào trong suốt quá trình đó.
Vị Chủ tịch này có khả năng vạch ra các chiến lược có tầm nhìn dài hạn, nhờ đó không chỉ đưa Sợi Thế Kỷ vượt qua khủng hoảng, mà còn đứng đầu trong danh sách 4 công ty xuất khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam sang Nhật Bản. Năm 2017, giá trị và sản lượng xuất khẩu sợi của Công ty sang Nhật Bản đạt mức tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng lần lượt là 737% và 850% so với năm 2016.
“Nhân tố bí ẩn” kế nhiệm
Sợi Thế Kỷ không có “quyền lực cứng” hay “quyền lực mềm” nào để hút các đơn hàng sợi dài từ các đối tác danh tiếng, ngoài việc tập trung cải tiến, nghiên cứu mẫu mã, chào bán những mặt hàng chất lượng, giá cả cạnh tranh và mang đến sự hài lòng cho khách hàng trong các dịch vụ. Ông Đặng Triệu Hòa vừa có một buổi trao đổi riêng với giám đốc cấp cao của một đối tác Nhật Bản và đặt câu hỏi, tại sao họ phải tốn nhiều thời gian để bắt đầu giao dịch với một đối tác, nhà cung ứng mới như Sợi Thế Kỷ.
“Câu trả lời tôi nhận được là, một phần, họ muốn có nguồn cung ở các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, thay vì tập trung quá nhiều vào Trung Quốc. Mặt khác, họ quan niệm rằng, để có một đối tác bền vững, đáng tin cậy trong kinh doanh suốt 20 - 30 năm, thì việc dành nhiều chi phí và thời gian để tìm hiểu không phải là lãng phí. Bởi, quá trình này sẽ bộc lộ các nhà cung ứng, đối tác thực sự lành mạnh về tài chính, phát triển bền vững và có tính kiên trì, có năng lực cung ứng hay không”, ông Hòa kể lại một cách tường tận.
Link bài viết
Ông không quên nhấn mạnh, niềm tin trong trường hợp này là điều vô cùng quan trọng. Khách hàng chỉ quyết định mua khi nhu cầu được xác định rõ ràng, mối quan hệ tin cậy được tạo dựng và giá trị thương hiệu của nhà cung cấp được chứng minh.
“Chúng tôi trả lời email của khách hàng chỉ trong 1 phút, và tận dụng mọi ứng dụng như WhatApps, Viber... để xử lý công việc theo nhiều cách nhanh nhất có thể”, Chủ tịch Sợi Thế Kỷ tự hào.
Việc nhận đơn đặt hàng dài hạn có thể là bước đi thông minh đón đầu các khả năng nguyên liệu giảm giá, nhưng cũng có thể là “nước cờ” sai lầm tai hại được thực hiện khi yếu tố quyết định phần lớn giá thành sản phẩm đang ở mức cao nhất. Là một trong 2 doanh nghiệp nắm giữ quyền quyết định giá sản phẩm sợi dài tại thị trường nội địa, nhưng ông Hòa quả quyết, “mình không được phép lời quá cao, vì khi đó, khách hàng của mình sẽ bị thiệt hại”.
Doanh nghiệp có kế hoạch doanh thu năm 2018 khoảng 2.354 tỷ đồng và lợi nhuận 125,8 tỷ đồng này chuẩn bị có người kế nhiệm một trong hai vị trí mà ông Hòa đang đảm nhận. Đến nay, đã có 2 ứng viên, cả trong và ngoài Sợi Thế Kỷ, phù hợp cho “chiếc ghế” trên. Ông Hòa cho biết, ông thích “nhân tố bí ẩn” này giữ vai trò Tổng giám đốc hơn là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Ông Hòa chia sẻ, chơi một ván cờ tướng, đi bơi hoặc nghe vài bản nhạc mỗi khi rảnh rỗi giúp ông nhận ra rằng, thế giới này rộng lớn hơn “vương quốc” công việc mà ông đang đắm mình trong đó. Ông bảo: “Có lẽ, lãng mạn là phiêu lưu, nhưng doanh nhân mà không phiêu lưu thì chỉ có thể là một nhà quản trị đơn thuần”.
(Theo Báo đầu tư - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)