Xuất nhập khẩu trái cây: Chưa khai thác hết tiềm năng
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:41, 15/07/2018
Nói về lợi nhuận từ việc nhập khẩu trái cây về Việt Nam tiêu thụ, một doanh nhân nhiều năm làm việc cho một tập đoàn phát triển hạ tầng khu công nghiệp của Thái Lan chia sẻ, trước khi các "ông lớn" trong ngành bán lẻ đến Việt Nam thì nhiều công ty thương mại Thái Lan đã đặt văn phòng đại diện hoặc thành lập công ty (thuê người Việt quản lý) tại đây để tìm kiếm cơ hội xuất nhập khẩu nông sản. Năm 2017, khoảng 60% rau quả nhập khẩu của Việt Nam là từ Thái Lan, nhiều nhất là nhãn, vải, xoài, chôm chôm, sầu riêng.
Tại Hội thảo Hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa Việt Nam do VCCI tổ chức hồi cuối tháng 6 vừa rồi, ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng phòng Quản lý vận hành cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN (Tổng cục Hải quan) chia sẻ, năm 2017, đã có 0,9 tỷ USD hoa quả từ Thái Lan được doanh nghiệp nhập vào Việt Nam rồi tái xuất sang Trung Quốc. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2018, hoa quả Thái Lan chiếm 15% trong 1,66 tỷ USD rau quả xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo ông Hùng, nguyên nhân khiến rau quả xuất khẩu của Việt Nam tăng cao là do doanh nghiệp nhập hoa quả từ Thái Lan, sau đó tái xuất, chủ yếu là xuất sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Theo chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Mỹ thì một trong những nguyên nhân khiến họ "tạm nhập tái xuất" là do giá trái cây của Thái Lan cạnh tranh hơn trái cây của Việt Nam. Theo đó, công ty này đàm phán với đối tác sở tại để xuất khẩu dừa sang Mỹ nhưng do giá dừa Việt cao hơn dừa Thái khoảng 20% nên chọn giải pháp nhập khẩu dừa từ Thái.
Thêm nữa, sản lượng, quy chuẩn chất lượng cũng là những cản trở đối với trái cây Việt Nam xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Chủ một trang trại ở Long An chia sẻ, khi trồng chuối, ông tìm đến ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An để tìm cơ hội hợp tác (công ty Huy Long An sẽ bao tiêu đầu ra sản phẩm), nhưng để hiện thực hóa điều này, trang trại của ông phải đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về giống, quy trình chăm sóc nên phải từ bỏ ước mơ "xuất ngoại" trái chuối do không đủ kiên nhẫn để trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Được biết, để xuất khẩu đi Nhật, chuối phải đáp ứng hơn 200 chỉ tiêu về hóa chất, quy trình sản xuất do phía Nhật quy định.
Theo ông Võ Quan Huy, chuối của công ty ông chủ yếu xuất khẩu sang Nhật. Ông Huy cho biết, tổng tiêu thụ trái cây của Nhật Bản mỗi năm ước đạt khoảng 5,4 triệu tấn, trong đó 1,8 triệu tấn phải nhập khẩu, nhiều nhất là chuối với trên 1,2 triệu tấn hằng năm. Trong đó chuối nhập từ Philippines chiếm 82%, Nam Mỹ 14%, còn lại là các thị trường khác.
Mặc dù hiện nay Philippines là quốc gia đứng đầu về lượng chuối nhập khẩu của Nhật với thị phần trên 80%, nhưng trái chuối Việt Nam đang có nhiều cơ hội vào thị trường khó tính này. Bởi, các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường.
Chuối Việt Nam cũng được đánh giá cao do có vị ngọt phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Nhật Bản và có mức giá cạnh tranh so với chuối Philippines. Đặc biệt, nếu thâm nhập được thị trường Nhật, trái chuối Việt Nam sẽ có cơ hội vào được nhiều quốc gia khác.
Bằng chứng là những năm gần đây, chuối sạch Fohla của Huy Long An liên tục nhận được sự quan tâm của các đối tác Nhật Bản. Một số doanh nghiệp Nhật Bản đã sang tận trang trại chuối của ông Huy để thử và lấy mẫu về kiểm nghiệm. Ngoài thị trường Nhật, Công ty còn xuất chuối sang Trung Quốc, Malaysia và đang đàm phán để bán cho một số thị trường khác.
Cũng theo ông Võ Quan Huy, thị trường xuất khẩu của trái chuối Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để trái chuối Việt xuất khẩu được thì không phải chuyện đơn giản. Bởi muốn xuất khẩu chuối phải xây dựng được vùng chuyên canh ổn định, canh tác theo một quy trình sạch, khép kín. "Chẳng hạn, một trang trại chuối của tôi phải 100ha trở lên. Với quỹ đất như thế mới có thể đầu tư đường cáp vận chuyển, cáp chống ngã đổ, nhà đóng gói", ông Huy chia sẻ.
Tuy xuất khẩu đạt kết quả khả quan trong những năm gần đây nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế là bạn hàng chính nhập khẩu trái cây Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, vốn ít khắt khe về tiêu chuẩn. Nếu xuất sang các thị trường khó tính, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này buộc phải đầu tư về vùng trồng, giống, công nghệ chăm sóc.
Chẳng hạn Công ty HAGL Agrico hiện có gần 1.500ha cây ăn trái được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP. Với quy chuẩn này, HAGL Agrico có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sản phẩm vào Nhật Bản, Mỹ và EU. Về dài hạn, HAGL Agrico sẽ nâng diện tích cây ăn trái trồng theo quy trình, công nghệ mới để mở rộng thị trường xuất khẩu.