Vì sao doanh nghiệp Việt cần tăng khả năng ứng phó với phòng vệ thương mại?

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:36, 16/07/2018

Doanh nghiệp Việt cần tự bảo vệ mình bằng cách trang bị thêm kiến thức, trong đó, một trong những biện pháp lý tưởng là áp dụng phòng vệ thương mại.
Vì sao doanh nghiệp Việt cần tăng khả năng ứng phó với phòng vệ thương mại?

Những năm qua, hàng Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại Mỹ bị kiện chống bán phá giá mỗi năm một nhiều hơn. Đến nay, 99% đơn kiện trong các vụ việc xuất phát từ các nhà sản xuất nội địa. Đặc biệt, giai đoạn nào kinh tế thế giới càng khó khăn thì vụ kiện càng nhiều lên.

Ngoài ra, nguồn cơn các vụ khởi kiện còn xuất phát từ việc hàng rào thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giảm đi nên các nước nghĩ tới các biện pháp khác, trong đó một trong những biện pháp lý tưởng là áp dụng phòng vệ thương mại.

Nguy cơ bị kiện chống bán phá giá ngày càng tăng

Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã bị kiện chống bán phá giá 78 vụ, bị kiện chống trợ cấp 12 vụ và bị kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá 17 vụ. Tại hội thảo Xu hướng mới trong pháp luật và thực tiễn phòng vệ thương mại ở Hoa Kỳ do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 25/6 vừa qua, số liệu cho thấy trong số 78 vụ điều tra chống bán phá giá, có khoảng 20% các vụ kiện xuất phát từ Mỹ. Với chống trợ cấp, một nửa số vụ điều tra cũng xuất phát từ Mỹ. Các thị trường có số vụ khởi kiện lớn tiếp theo là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, EU…

Về mặt hàng hóa, thống kê cho thấy, trong số 78 vụ kiện chống bán phá giá thì có 37 vụ liên quan đến sắt thép, chiếm gần một nửa các loại hàng hóa bị kiện. Với điều tra chống trợ cấp cũng có gần ba phần tư vụ kiện liên quan đến mặt hàng sắt thép. Nhóm mặt hàng tiếp theo phải đối mặt nhiều với các vụ điều tra chống bán phá giá là sợi, dệt. Việt Nam không mạnh về dệt nhưng số lượng các vụ điều tra liên quan đến sợi, dệt nhiều vì Việt Nam xuất khẩu một số sản phẩm sợi, dệt không thể sử dụng vào quá trình sản xuất hàng dệt may xuất khẩu.

Link bài viết

Điều đáng chú ý là, các mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ - 2 thị trường đứng đầu về khởi kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Trong số 78 vụ điều tra chống bán phá giá suốt thời gian qua, chỉ có 4 vụ việc liên quan đến mặt hàng nông, thủy sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang muốn thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản trở thành mũi nhọn thì đây cũng là vấn đề cần lưu ý.

Nói sâu hơn về các vụ kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết trong tổng số 17 vụ kiện thì có tới 16 vụ bắt nguồn từ Trung Quốc. Nghĩa là hàng Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá, sau đó nước nhập khẩu nghi ngờ hàng Trung Quốc được bán qua Việt Nam trước khi sang nước nhập khẩu nhằm lẩn tránh mức thuế trước đó. Đây cũng là điều rất đáng quan tâm vì hiện tượng trên có khả năng trở nên phổ biến hơn trong thời gian tới.

Theo bà Thu Trang, doanh nghiệp Việt cần phải thận trọng, không nên vì lợi ích cá nhân trước mắt mà tiếp tay cho quá trình này, dẫn đến các nguy cơ bị kiện chống lẩn tránh thuế đe dọa tất cả các doanh nghiệp Việt.

Tự bảo vệ mình bằng cách trang bị thêm kiến thức

Tại buổi hội thảo, ông Chu Thắng Trung - Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương nhận xét: “Dễ nhận thấy rằng công tác kháng kiện của một số ngành hàng, doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả do thiếu kinh nghiệm ứng phó với đối thủ nước ngoài. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Mức độ hiểu biết của đa số các doanh nghiệp Việt Nam về phòng vệ thương mại còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm kháng kiện, chưa có kế hoạch đầu tư hợp lý vào việc kháng kiện cũng như chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, quyết tâm và chuyên nghiệp khi kháng kiện”.

Bên cạnh đó, năng lực tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, trong khi chi phí để kháng kiện rất cao, để thành công có thể cần phải thuê luật sư tư vấn dày dạn kinh nghiệm từ chính nước khởi xướng điều tra. Một số doanh nghiệp còn tâm lý né tránh, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ vào công tác kháng kiện trong khi sự tham gia vào toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc lại có vai trò quyết định cơ hội thành công cho doanh nghiệp.

Theo ông Thắng Trung, để ứng phó với kiện phòng vệ thương mại, trước tiên, các doanh nghiệp nên tự bảo vệ bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật liên quan. Ngoài ra, doanh nghiệp nên thường xuyên có hoạt động trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước nhằm nắm bắt được những thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.

“Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ bị khởi kiện điều tra phòng vệ thương mại từ các nước khác, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu”, ông Thắng Trung góp ý.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết thêm rằng, các vụ kiện chống bán phá giá thường có thời hạn rất ngắn, các yêu cầu về kỹ thuật lại cực kỳ phức tạp, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam lại không phải luôn luôn sẵn sàng cho các vụ kiện ở nước ngoài, chưa kể việc "lạ nước lạ cái", thiếu sự hỗ trợ của luật sư, cùng với rất nhiều thứ khác, nên chuẩn bị được sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó. Sự chuẩn bị trước về kiến thức, hồ sơ, chứng từ sổ sách sao cho minh bạch đàng hoàng, rõ ràng và phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp chứng minh được dễ dàng hơn khi cần thiết. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng nên thường xuyên cùng với các đối tác nhập khẩu theo dõi sát các động thái từ phía Hoa Kỳ.

Cũng theo bà Thu Trang, có rất nhiều vụ việc mà doanh nghiệp Việt Nam bị kết luận là phá giá, bán hàng trợ cấp và phải chịu các mức thuế phòng vệ cao trong khi thực tế doanh nghiệp không bán phá giá, cũng không nhận trợ cấp từ Chính phủ. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể nhất là do Việt Nam hiện vẫn đang bị xếp vào diện “kinh tế phi thị trường” và phải chịu các phương pháp tính toán không sát thực tế của cơ quan điều tra nước nhập khẩu.

Tại thị trường xuất khẩu chủ đạo như EU, Mỹ, khi chưa được công nhận thì số liệu kinh doanh thực tiễn của chính doanh nghiệp sẽ không được sử dụng để tính toán mức phá giá, mức trợ cấp mà cơ quan điều tra lại sử dụng số liệu từ một nước thứ ba để thay thế. Kết quả là các kết luận điều tra thường không sát với thực tế của doanh nghiệp, dẫn tới kết quả gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt.

CẨM TÚ