Thu hút FDI thế hệ mới: Cần cải cách thể chế về quản lý đầu tư
Trong nước - Ngày đăng : 03:24, 19/07/2018
Trong hai năm 2016 - 2017, FDI trên toàn cầu đã giảm mạnh do chính sách bảo hộ gia tăng ở nhiều nước. Việc một số nước áp dụng chế độ bảo hộ sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của Việt Nam. Vì vậy, muốn thu hút FDI thế hệ mới, Việt Nam cần giải quyết một số thách thức và rào cản trong chu kỳ đầu tư, không đơn thuần chỉ trên lý thuyết.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng gấp khoảng 10 lần trong thập kỷ vừa qua, vượt hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, nhưng thực tế này cũng cho thấy Việt Nam cần thực hiện những cải cách mang tính đột phá để cạnh tranh thu hút các dòng vốn FDI có chất lượng cao hơn. Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, trong báo cáo mới nhất đã cho rằng, cải cách thể chế về quản lý đầu tư của nước ngoài gần như là "điều kiện bắt buộc" nếu Việt Nam muốn thu hút FDI thế hệ mới.
Chức năng, nhiệm vụ của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm về đầu tư nước ngoài đang bị phân tán mạnh giữa nhiều bộ ngành. Điều này khiến Việt Nam không nắm bắt được cơ hội hoặc giải quyết vướng mắc theo định hướng chuỗi giá trị toàn cầu trong thu hút vốn đầu tư.
Nếu tính theo hàng ngang, hiện nay việc điều phối, phối hợp còn thiếu hiệu quả, làm suy yếu khả năng thành công trong thu hút FDI thế hệ mới. Nếu tính theo chiều dọc, có thể xác định được những điểm yếu trong điều phối ở cấp trung ương với cấp địa phương cũng như sự chồng chéo, gây lãng phí trong thu hút FDI.
Hiện chưa có tổ chức nào ở Việt Nam có đủ chức năng dân sự và thẩm quyền đầu mối để xúc tiến đầu tư phù hợp với chiến lược FDI thế hệ mới. Việt Nam cũng không có đầu mối rõ ràng cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Cục Đầu tư nước ngoài là sự kết hợp cả chức năng quản lý lẫn xúc tiến đầu tư trong khi hai chức năng này mâu thuẫn nhau, nên kém hiệu quả.
Chẳng hạn, xúc tiến đầu tư phải chủ động trên nguyên tắc thị trường nhiều hơn là hoạt động theo cung cách của một cơ quan quản lý nhà nước, với thủ tục giấy tờ quan liêu và sự trì trệ. Thực tế này có thể là một khó khăn, nhưng không phải là rào cản đối với FDI thế hệ đầu tiên, khi Việt Nam có nhiều thế mạnh.
Việt Nam cần có chiến lược mới để tiếp cận và thu hút FDI, cụ thể là chuyển từ phê duyệt sang hỗ trợ chủ động. Khi đó, Việt Nam cần một cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm về FDI có đủ năng lực, quyền hạn và khả năng phối hợp tốt. Trên thế giới, nhiều nước đã phải thay đổi mô hình thu hút FDI. Singapore hay Thái Lan đã cải tổ cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm về đầu tư nước ngoài, tăng quyền hạn và tự chủ cho cơ quan này để có đủ năng lực thúc đẩy, điều phối, thu xếp với chính quyền địa phương, cách biệt chức năng quản lý và phê duyệt của cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài.
Thêm nữa, Việt Nam phải cân đối được giữa FDI thế hệ đầu và FDI thế hệ mới. Đầu tiên là phải duy trì thành quả, tức là duy trì những chính sách về môi trường đầu tư đã chứng tỏ tác dụng thu hút FDI trong lắp ráp sản phẩm điện tử, công nghệ cao, may mặc ở những địa phương chưa phát triển. Kế đến là duy trì chính sách mở cửa, bằng cách tiếp tục cung cấp dịch vụ cấp phép và xúc tiến đầu tư đến nhà đầu tư nước ngoài có quan tâm.
Chuyển sang cơ chế thu hút FDI thế hệ mới, Việt Nam phải cân đối được giữa những chính sách ưu đãi đang có chủ yếu tập trung vào lợi nhuận, để hướng sang chính sách ưu đãi nhấn mạnh đến công nghệ mới. Muốn vậy, tư duy về chính sách ưu đãi này phải thay đổi, do nhiều cơ quan trung ương và địa phương hiện hiểu chưa chính xác về tầm quan trọng của các chính sách ưu đãi để thu hút FDI.
Việt Nam cần thay đổi cạnh tranh theo kiểu đua nhau ưu đãi, cạnh tranh dựa trên những lợi thế riêng, dựa trên tài sản thế mạnh dành cho nhà đầu tư. Một điều nữa, Việt Nam không thể không làm là cải thiện hành lang pháp lý để giúp các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng và tự tin đầu tư lâu dài. Chính phủ cần thông qua các cơ chế khác nhau để tạo ra được sự tin tưởng của các nhà đầu tư.
Rõ ràng phải có quan hệ đối tác chặt chẽ hơn giữa Nhà nước và tư nhân để cải thiện chất lượng và khả năng tiên lượng chính sách cũng như tránh bẫy thu nhập trung bình, giúp Việt Nam xúc tiến đầu tư tốt hơn.
(*) Tác giả là Chuyên gia trưởng lĩnh vực tư nhân của IFC