Nỗi lo tỷ giá
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 03:39, 25/07/2018
Nếu điều này xảy ra, mục tiêu kiểm soát VND mất giá không quá 2% khó có thể thành hiện thực và các doanh nghiệp đang vay USD có lý do để lo lắng.
Nguy cơ phá giá tiền đồng
Tính đến nay, tỷ giá trung tâm USD/VND đã tăng hơn 1% so với đầu năm, như vậy dư địa điều chỉnh trong hơn 5 tháng còn lại vỏn vẹn chỉ 1%. Cần lưu ý là tỷ giá mua bán tại các ngân hàng tăng cao hơn, đến 1,5%, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng hơn 2,5%. Như vậy, nếu nhà điều hành quyết định phá giá tiền đồng từ 2 - 3% như một số khuyến nghị, thì khả năng tỷ giá mua bán tại các ngân hàng và trên thị trường tự do sẽ còn tăng.
Yếu tố gây áp lực phá giá tiền đồng không chỉ đến từ việc USD tăng mạnh trở lại trên thị trường quốc tế, mà còn do những quốc gia lân cận chủ động phá giá tiền tệ. Như Trung Quốc gần đây liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu trong cuộc chiến thương mại đang ngày càng leo thang với Mỹ.
Diễn biến này gây ra nỗi lo ngại không chỉ hàng xuất khẩu Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh do tiền đồng bị định giá cao, mà còn dẫn tới nguy cơ thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng nặng nề hơn. Đặc biệt trong bối cảnh hàng Trung Quốc xuất vào Mỹ liên tiếp bị áp hàng rào thuế quan, khả năng các doanh nghiệp nước này sẽ tìm đến những quốc gia khác để tiêu thụ lượng hàng hóa dư thừa.
Điều hành tỷ giá trong tình hình hiện nay là không hề dễ. Hàng loạt giải pháp can thiệp đã được triển khai, từ việc các sở giao dịch giảm giá bán USD để các ngân hàng có thêm kênh mua ngoại tệ cho đến gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán USD cho các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn cung cho thị trường. Dù vậy, sức nóng trên thị trường ngoại hối dường như vẫn chưa hạ nhiệt, càng làm tăng kỳ vọng mức độ phá giá đồng nội tệ có thể sẽ mạnh hơn.
Thiệt hại khó lường
Theo số liệu cập nhật gần nhất, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ vào cuối tháng 5 đã là 8%, cao hơn 2,2% con số tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng là 5,8%. Đến cuối tháng 6, dù thông tin tăng trưởng tín dụng ngoại tệ không được công bố, nhưng nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng chung lên đến 6,5% cũng có thể đoán được tín dụng ngoại tệ đã tiếp tục lên cao hơn.
Kể từ khi NHNN gia hạn cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ như là một giải pháp hỗ trợ chi phí vốn, do lãi suất vay USD thấp hơn nhiều so với VND, thì tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã liên tiếp tăng khá cao trong 2 năm qua.
Cụ thể, với tỷ trọng dư nợ ngoại tệ ổn định quanh mức 8% thì dư nợ ngoại tệ hiện ở vào khoảng hơn 550.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 24 tỷ USD (quy đổi theo tỷ giá trung tâm 22.660 VND/USD ngày 21/7). Cứ mỗi 1% tiền đồng bị phá giá, chi phí tài chính của các doanh nghiệp có vay USD sẽ tăng thêm 5.500 tỷ đồng. Đó là con số không hề nhỏ, nhất là khi doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn.
Cứ mỗi 1% tiền đồng bị phá giá, chi phí tài chính của doanh nghiệp vay USD sẽ tăng thêm 5.500 tỷ đồng. Đó là con số không hề nhỏ, nhất là khi doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của NHNN , hiện tại lãi suất cho vay USD phổ biến từ 3 - 6%, trong khi lãi suất cho vay VND từ 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, tuy nhiên lãi suất cho vay ưu đãi đối với khu vực xuất khẩu theo quy định tối đa là 6,5%. Như vậy, chênh lệch lãi suất cho vay giữa 2 loại tiền này đối với doanh nghiệp xuất khẩu là từ 0,5 - 3,5%/ năm, tức doanh nghiệp xuất khẩu thay vì vay tiền đồng nhưng có thể vay USD để được lợi về chi phí lãi vay là từ 0,5 - 3,5%/năm.
Vì vậy, nếu tiền đồng phá giá thấp hơn biên độ trên thì lợi ích từ chênh lệch lãi suất vay USD so với tiền đồng vẫn có thể bù đắp được thiệt hại từ rủi ro tỷ giá. Ngược lại, nếu một năm tiền đồng bị mất giá từ 3% trở lên thì hầu như doanh nghiệp đang vay ngoại tệ sẽ đối mặt với thiệt hại là tất yếu. Và hệ quả là sản xuất, kinh doanh càng gặp thêm khó khăn, lợi nhuận bị co lại do chi phí tài chính tăng.
Theo quan điểm của những chuyên gia thiên về phá giá tiền tệ cao hơn là nhằm để hỗ trợ hàng xuất khẩu Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh, nhất là khi các quốc gia cũng đang phá giá mạnh tiền tệ.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào gia công, giá trị gia tăng thấp, hàng xuất khẩu vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguyên nhiên liệu nước ngoài, do đó nếu phá giá mạnh tiền đồng thì chi phí đầu vào của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng tăng lên tương ứng.
Đó là chưa nói đến việc tỷ giá tăng mạnh có thể gây áp lực lên lạm phát, khiến đời sống người dân gặp khó khăn hơn, dẫn đến thắt chặt chi tiêu, cầu tiêu dùng sẽ sụt giảm, sẽ ảnh hưởng lên sản xuất. Trong khi đó, lạm phát tăng kéo mặt bằng lãi suất lên cao hơn, khi đó lãi suất cho vay tất yếu sẽ tăng dù là vay tiền đồng hay USD. Như vậy, rủi ro kép sẽ là hiện hữu.