Chính sách tiền tệ của Mỹ: Bên thắt, bên mở

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 30/07/2018

Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tuần qua chia sẻ ông không cảm thấy vui với chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thời gian qua. Ông lo ngại điều đó sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng như triệt tiêu những ảnh hưởng tích cực từ chính sách tài khóa mở rộng đã thực hiện thời gian qua.
Chính sách tiền tệ của Mỹ: Bên thắt, bên mở

Ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2016, dù vấp phải những chỉ trích gay gắt nhưng những chính sách kinh tế của ông Trump với mục tiêu "Nước Mỹ trên hết" đã ít nhiều mang lại những khởi sắc cho nền kinh tế số 1 thế giới. Cuối năm 2017, chính sách giảm thuế cùng các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng với giá trị khổng lồ không chỉ kích thích nhiều doanh nghiệp đổ xô về Mỹ và còn tạo động lực để các doanh nghiệp nội địa mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Kết quả là thị trường việc làm của Mỹ cải thiện rõ rệt, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục trong hàng chục năm qua. Chưa dừng lại ở đó, ông Trump đã đơn phương kích hoạt cuộc chiến thương mại nhắm vào những đối tác lớn như Trung Quốc hay Liên minh Châu Âu (EU), với mục tiêu không chỉ giảm thâm hụt thương mại cho Mỹ mà còn xem như là giải pháp buộc các doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn ở nước ngoài phải quay về Mỹ, hay nói cách khác là kéo việc làm quay trở lại cho người dân Mỹ.

Tuy nhiên, khi chính sách tài khóa liên tiếp mở rộng thì ngược lại, chính sách tiền tệ của Mỹ liên tiếp thắt chặt nhanh hơn. Trong năm 2017, FED đã ba lần tăng lãi suất cơ bản đồng USD, đồng thời bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán bằng cách giảm mua trái phiếu. Trong năm nay, FED đã hai lần tăng lãi suất và dự kiến sẽ còn thêm hai lần nữa, trong khi chính sách thu hẹp cung tiền tiếp tục được thực thi. Còn kế hoạch năm 2019 sẽ là thêm ba lần tăng lãi suất.

Lãi suất tăng đẩy giá đồng USD tăng trên thị trường thế giới và khiến hàng xuất khẩu Mỹ khó cạnh tranh hơn về giá. Ngược lại, những quốc gia như Trung Quốc dường như đang theo đuổi chính sách phá giá tiền tệ để giảm thiệt hại từ cuộc chiến thương mại lần này.

Với chính sách thắt chặt tiền tệ nhanh hơn, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Cụ thể khi thuế giảm, doanh nghiệp sẽ tiết giảm được chi phí thuế, nhưng với lãi suất tăng thì chi phí vay của doanh nghiệp cũng sẽ tăng tương ứng và có thể triệt tiêu lợi ích từ việc thuế giảm, hay nói cách khác lợi ích của doanh nghiệp coi như bằng 0 khi mà chính sách tài khóa và tiền tệ triệt tiêu lẫn nhau. Điều này có thể khiến khu vực doanh nghiệp phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng không còn mặn mà đầu tư hay mở rộng sản xuất.

Cuộc chiến tiền tệ

Trong khi đó, lãi suất tăng đẩy giá đồng USD tăng trên thị trường thế giới và khiến hàng xuất khẩu Mỹ khó cạnh tranh hơn về giá. Ngược lại, những quốc gia như Trung Quốc dường như đang theo đuổi chính sách phá giá tiền tệ để giảm thiệt hại từ cuộc chiến thương mại lần này. Giả sử với thuế suất đánh lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là 10% và Bắc Kinh sẵn sàng phá giá tiền tệ 10% so với đô la Mỹ thì rõ ràng hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ gần như không thay đổi về giá.

Dù chính quyền Trung Quốc khó có thể chủ động phá giá đồng nhân dân tệ ngay lập tức 10% vì những hệ quả bất ổn kéo theo, thì chính việc đồng USD liên tiếp tăng nhờ sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ cũng đã gây ra những hệ quả không mong muốn cho nền kinh tế Mỹ. Và đó chính là một trong những điều mà Tổng thống Trump phải lo lắng.

Cựu Chủ tịch FED nhiệm kỳ trước là bà Janet Yellen với đường lối thắt chặt chính sách tiền tệ đã không được lòng ông Trump và không được bổ nhiệm trở lại. Tân Chủ tịch FED là ông Jerome Powell từ khi lên thay dù vẫn nhất quán theo đuổi đường lối của bà Janet Yellen nhưng khó có thể nói trước được sự thay đổi trong chính sách, khi mà ông Powell là người của ông Trump đưa lên.

Từ trước đến nay FED luôn là một cơ quan độc lập với chính quyền và ít có tổng thống nào can thiệp vào những quyết sách tiền tệ của cơ quan quyền lực này. Tuy nhiên, với một vị tổng thống khó lường như ông Trump thì không biết điều gì sẽ còn xảy ra. Khi mới lên nắm quyền, ông Trump đã tỏ ra hứng thú với việc duy trì đồng USD yếu để có lợi cho hàng xuất khẩu Mỹ, tuy nhiên kể từ đó đến nay đồng USD liên tiếp tăng giá, trái với mong muốn của ông.

Và gần đây Tổng thống Trump đã đề cập đến chính sách tiền tệ của FED có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Không chỉ vậy, ông còn lên tiếng chỉ trích EU và Trung Quốc cố tình thao túng tiền tệ để làm đồng nội tệ suy yếu nhằm tạo ra lợi thế cho hàng xuất khẩu là không công bằng với nền kinh tế Mỹ.

Điều này khiến giới phân tích cho rằng Tổng thống Trump có thể đưa ra những giải pháp làm suy yếu đồng USD để đáp trả, mà việc hoãn chính sách thắt chặt tiền tệ có thể là một lựa chọn. Khi đó, cuộc chiến tranh tiền tệ có thể bắt đầu.

LÊ PHAN