Môi trường lãi suất thấp sắp sửa trôi qua?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:33, 01/08/2018
Những ngày gần đây, tỷ giá liên tục biến động mạnh và lãi suất liên ngân hàng tăng cao cho thấy các biến số trong nền kinh tế đang trải qua giai đoạn biến động mạnh so với nhiều năm trở lại đây.
Tỷ giá, lãi suất đều tăng
Tỷ giá USD/VND sau khi hạ nhiệt vào giữa tuần trước nhờ can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thì trong 2 ngày cuối tuần qua bất ngờ tăng trở lại. Cụ thể, tỷ giá mua bán tại các ngân hàng quay trở lại mức cao nhất ngày 24/7, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do đạt 23.450 VND/USD ở chiều bán ra.
Như vậy, mặc dù tỷ giá trung tâm chỉ mới tăng 1% so với đầu năm nay, nhưng tỷ giá tại các ngân hàng và trên thị trường tự do đã tăng tương ứng từ 2,4 - 3,2% trong gần 7 tháng qua.
Một diễn biến mới hơn khiến nền kinh tế không thể không lo lắng chính là việc tăng mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 trong những ngày qua. Lãi suất qua đêm sau khi chạm đáy trong những ngày cuối tháng 6 thì chỉ trong thời gian ngắn đã tăng gấp hơn 5 lần, đặc biệt tăng rất mạnh trong tuần vừa qua.
Cụ thể, cập nhật đến ngày 25/7, lãi suất qua đêm đã tăng 4,73% - mức cao nhất trong 15 tháng qua, kể từ những ngày cuối tháng 4/2017. Tương tự, lãi suất các kỳ hạn khác cũng tăng tương ứng, trong đó kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng đã tiệm cận gần mốc 5%. Như vậy, cùng với tỷ giá, mặt bằng lãi suất sau một thời kỳ ổn định ở mức thấp đã tăng mạnh trở lại.
Thanh khoản tiền đồng trong hệ thống thiếu hụt trở lại là một trong những nguyên nhân chính đẩy lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng trên thị trường 2 tăng nhanh. Thống kê từ Công ty Chứng khoán Bản Việt cho thấy, trong tuần từ 16 - 20/7, NHNN đã bán 2,16 tỷ USD cho các ngân hàng nhằm can thiệp để ổn định thị trường ngoại hối, đồng nghĩa với việc có gần 50.000 tỷ đồng đã được NHNN rút khỏi thị trường.
Và mặc dù NHNN đã liên tiếp bơm ròng qua thị trường mở kể từ đầu tháng 7 đến nay để hỗ trợ thanh khoản, tuy nhiên con số bơm ròng hơn 46.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 3 tuần đầu vẫn chưa đủ bù đắp lượng thanh khoản đã bị rút ra qua kênh bán ngoại tệ. Một số thông tin gần đây cũng cho thấy lượng tiền lớn của Kho bạc Nhà nước gửi tại các ngân hàng thương mại nhà nước cũng có thể đã bắt đầu dịch chuyển.
Nỗi lo
Trước tình hình trên, các thành phần trong nền kinh tế không thể không lo lắng. Trước hết là những doanh nghiệp vay ngoại tệ, với việc tỷ giá tăng mạnh trong thời gian qua và khả năng sẽ tiếp tục tăng thì thiệt hại là không hề nhỏ.
Đồng USD trên thị trường thế giới vẫn đang tăng, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) theo kế hoạch sẽ còn đến 2 lần tăng lãi suất trong năm nay, cộng thêm những rủi ro của chiến tranh thương mại lẫn chiến tranh tiền tệ, thì các nhà đầu tư sẽ càng ưu tiên đồng USD như một tài sản sinh lợi và an toàn số 1.
Chỉ số USD Index gần đây liên tiếp thử thách ngưỡng kháng cự tại mốc 95 điểm và có nhiều lúc đã vượt qua được. Điều này sẽ khiến đồng nội tệ của những nền kinh tế đang phát triển và mới nổi càng chịu áp lực phá giá nhiều hơn. Vào thời điểm cuối năm nay, các khoản vay ngoại tệ của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải tất toán theo quy định, thì áp lực lên thị trường ngoại hối sẽ là không nhỏ.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trở lại cũng có thể lan tỏa qua thị trường huy động vốn và cho vay khu vực dân cư và doanh nghiệp. Khi lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng khác tăng lên, các ngân hàng có thể sẽ đẩy mặt bằng lãi suất huy động thị trường 1 lên cao hơn để huy động vốn tốt hơn. Thực tế trong thời gian gần đây đã có thêm nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi.
Với chi phí huy động đầu vào ở cả thị trường 1 lẫn thị trường 2 đều cao hơn, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất cho vay để bảo đảm biên lợi nhuận. Như vậy, cả khách hàng doanh nghiệp vay kinh doanh sản xuất lẫn khách hàng cá nhân vay đầu tư hay tiêu dùng có cơ sở để bắt đầu phải lo lắng. Môi trường lãi suất thấp dường như sắp sửa trôi qua.