Phát triển đô thị bền vững: Cần vành đai xanh cho TP.HCM

Bất động sản - Ngày đăng : 03:43, 02/08/2018

Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho TP.HCM được chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000ha đất nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp, đô thị. Việc giảm diện tích đất nông nghiệp nói trên liệu có làm mất đi vành đai xanh tự nhiên của Thành phố?
Phát triển đô thị bền vững: Cần vành đai xanh cho TP.HCM

Ảnh minh họa

Kinh nghiệm từ một số quốc gia phát triển cho thấy họ phát triển vành đai xanh bằng cách giữ lại một phần lớn đất chưa phát triển hoặc đất nông nghiệp xung quanh vùng lõi đô thị. Điều này vừa giúp kiểm soát được sự mở rộng tràn lan của đô thị, vừa tạo vùng đệm bảo vệ vùng đô thị trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Vành đai xanh tự nhiên cũng sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí trong khu vực đô thị.

Link bài viết

Đơn cử, tại Vương quốc Anh, chính sách vành đai xanh là để ngăn chặn sự mở rộng đô thị bằng cách công khai giữ đất vĩnh viễn.

Việc giảm diện tích đất nông nghiệp tại TP.HCM phải tính đến yếu tố giữ mảng xanh đô thị, đảm bảo tính cân bằng của môi trường tự nhiên với phát triển đô thị bền vững thông qua việc quy hoạch phát triển đô thị, thủy lợi và quy hoạch các ngành nghề kinh tế khác. Vành đai xanh còn là bức tường tự nhiên bảo vệ trung tâm TP.HCM với chức năng điều hòa nhiệt độ, giảm ô nhiễm không khí, thoát nước. 

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi đất nông nghiệp, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM bày tỏ, việc Thành phố chuyển đổi để khai thác nguồn lực từ đất đai là cần thiết. Tuy nhiên, Thành phố vẫn cần giữ lại quỹ đất nông nghiệp ở mức cần thiết để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, trở thành trung tâm về giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ nuôi trồng mới, tiên tiến, tạo vành đai xanh và cũng cần giữ lại quỹ đất dự trữ cho các thế hệ tương lai.

Trên thế giới, nhiều thành phố cũng phát triển nông nghiệp đô thị. Tại Tokyo (Nhật Bản), nông trại dưới đất của Công ty Pasona rộng 1.000m2 trồng 100 loại rau, có thể xem là biểu tượng cộng nghệ cao trong nông nghiệp đô thị. Đức là nước phát triển mảng xanh trên mái lớn nhất thế giới, với 8 - 10 triệu mét vuông canh tác nông nghiệp trên mái nhà xưởng, bãi đậu xe và các tòa nhà dân cư, công sở.

KHÁNH ĐINH