Nỗi lo gian lận thương mại gia tăng
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:24, 03/08/2018
Vừa xong vụ Khaisilk tráo nhãn mác, đến Mumuso bán hàng nhập lậu, giả nhãn hiệu và giờ người tiêu dùng lại hoang mang trước thông tin Con Cưng - một doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ các sản phẩm cho mẹ và bé nhập nhèm nhãn mác.
Những vụ việc liên tục được phát hiện cộng với tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng nhan nhãn khắp nơi khiến doanh nghiệp lo ngại về môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Lại thêm Con Cưng
Ngày 22/7, sau khiếu nại của người tiêu dùng về sản phẩm của chuỗi cửa hàng Con Cưng (Công ty CP Con Cưng) có dấu hiệu tem nhãn bị cắt và thay thế bằng tem nhãn khác, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã vào cuộc kiểm tra toàn bộ hệ thống này ở TP.HCM, từ quần áo, thực phẩm, hóa mỹ phẩm...
Qua kiểm tra, cơ quan quản lý phát hiện Con Cưng có dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, vì vậy đã thu giữ sản phẩm liên quan, đối chiếu theo tờ khai, hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc nhập nhẩu để làm rõ. Đại diện Cục Quản lý thị trường cho biết sẽ đưa ra kết luận cụ thể trong tuần này.
Về phía Con Cưng, trong 2 ngày 22 và 26/7 đã phát ra thông cáo khẳng định sản phẩm kinh doanh tại hệ thống này đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng, còn việc tem nhãn là do lỗi kỹ thuật từ phía nhà sản xuất trong quá trình làm hàng. Khi nhận được phản ánh của khách hàng, Con Cưng đã thu hồi gần 6.000 sản phẩm của lô hàng bị tráo tem đang trưng bày tại cửa hàng.
"Con Cưng xin khẳng định sản phẩm bán tại Con Cưng là hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ hồ sơ chứng từ theo quy định của pháp luật", thông cáo của Con Cưng viết. Hơn nữa, trong thông cáo ngày 28/7, Con Cưng còn "treo thưởng" 1 tỷ đồng cho khách hàng đầu tiên phát hiện chuỗi siêu thị này nhập hàng không chính hãng.
Thật hư sự việc phải đợi kết luận của cơ quan chức năng nhưng nếu thật sự Con Cưng bán hàng tráo nhãn mác thì đây sẽ là nỗi lo cho nhiều người tiêu dùng. Bởi, Con Cưng là công ty chuyên phân phối sản phẩm dành cho trẻ em như quần áo, tã, đồ chơi, thực phẩm, sữa... Những sản phẩm này được đưa ra thị trường thông qua hệ thống 313 cửa hàng Con Cưng và 33 cửa hàng Toy City.
Thị trường trọng điểm của Con Cưng là TP.HCM với 118 cửa hàng. Ngoài hệ thống cửa hàng hiện có, Con Cưng còn vận hành kênh bán hàng online tại địa chỉ concung.com. Đầu năm 2017, Con Cưng đã gây chú ý khi nhận được đầu tư từ quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM II do Daiwa và SSIAM cùng quản lý.
Giá trị của khoản đầu tư không được tiết lộ nhưng thông thường quỹ này rót từ 4 - 6 triệu USD vào mỗi công ty trong danh mục đầu tư. Con Cưng cũng là một trong những doanh nghiệp có sức tăng trưởng tốt trên thị trường.
Năm 2015, Con Cưng đạt doanh thu 114 tỷ đồng, sau khi được Daiwa-SSIAM II rót vốn, đã tăng lên 921 tỷ đồng trong năm 2017, cùng với đó, chuỗi cửa hàng cũng tăng vọt về số lượng.
Chưa hết nỗi lo
Trước Con Cưng, hồi đầu năm nay, Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM phát hiện số lượng lớn sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, không có nguồn gốc xuất xứ tại 11 cửa hàng Mumuso của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam. Với vi phạm này, UBND TP.HCM đã quyết định xử phạt Mumuso 322 triệu đồng vì hành vi kinh doanh hàng lậu, tịch thu và tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm.
Chưa hết, trong kết luận kiểm tra mới đây đối với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 tới ngày 31/5/2018 của Bộ Công Thương (ban hành ngày 12/7) cho thấy, Mumuso vi phạm nghiêm trọng trong kinh doanh tại Việt Nam như quảng cáo đính kèm chữ "Korea" song 99,3% hàng của Mumuso nhập từ Trung Quốc, 0,7% còn lại mua từ các đơn vị sản xuất trong nước.
Công ty cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thương mại điện tử và vi phạm các quy định pháp luật về thương mại.
Thông tin tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo 138 (Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm) và Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) hồi đầu năm cho thấy, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phức tạp.
Tình trạng hàng hóa bị cắt mác, giả nhãn hiệu khá nhiều. Đó là chưa kể nhiều cửa hàng núp bóng thương hiệu nước ngoài, đặc trụ sở tại những trung tâm thương mại lớn, cửa hàng hiện đại để dễ đánh lừa người tiêu dùng.
Gian lận thương mại không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của Việt Nam, bởi khi vào Việt Nam, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan.
Chia sẻ tại Hội thảo Nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ mới đây, bà Jae Heon Lee - đại diện Trung tâm Nghiên cứu Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KISTA) cho rằng, ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ một cách trắng trợn, tập trung chủ yếu là ngành hàng mỹ phẩm, dược phẩm, đồ dùng hằng ngày.
Những sản phẩm giả thương hiệu nước ngoài không chỉ ở kênh phân phối truyền thống mà còn tràn vào các kênh phân phối hiện đại. Chẳng hạn như Orion Group có 62 năm hoạt động với nhiều loại bánh ngọt nổi tiếng nhưng tại thị trường Việt Nam, bánh Choco Pie của công ty này bị làm giả rất nhiều.