Phát triển du lịch: Không chỉ điểm đến
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:34, 08/08/2018
Theo ông Ole Dross - Giám đốc Marketing Asiatica Travel: “Thưc tế, du lịch Việt Nam mới chỉ khai thác những gì có sẵn, bào mòn dần những gì thiên nhiên, lịch sử và văn hoá truyền thống để lại, chưa thiết kế được dịch vụ du lịch kéo khách đến và trở lại. Chúng ta có Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Festival Huế, Phố cổ Hội An… nhưng chừng đó là rất khiêm tốn. Các lễ hội khác, đa phần giá trị là sự kiện giải trí tại chỗ, phục vụ người địa phương và khách du lịch ngẫu nhiên có mặt, chứ ít khi họ đến vì các lễ hội đó. Bài toán hấp dẫn khách du lịch và kéo họ trở lại nhiều lần là rất khó. Hiện tại, tỷ lệ khách quay lại chỉ đạt từ 5 - 6%".
Tại hội thảo quốc tế về du lịch Khánh Hòa, “Nâng tầm du lịch Việt qua kết nối nhiều điểm đến” do Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa phối hợp cùng Crystal Bay tổ chức tuần qua, TS. Trần Du Lịch - Trưởng nhóm tư vấn, Ban điều phối vùng khu vự duyên hải miền Trung cũng cho rằng, đặc điểm chung của du lịch miền Trung là sản phẩm du lịch giống nhau và nghèo nàn. Làm du lịch vẫn còn làm nghiệp dư, mì ăn liền. Công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến nghèo nàn, chưa xứng đáng với tiềm năng tăng trưởng du lịch đang là rào cản.
Theo TS Lịch, du lịch là văn hóa, là liên kết, nên phải làm sao giải quyết bài toán liên kết phát triển để đưa vùng duyên hải miền Trung phát triển. Ông Nicolas Urvois - Nhà tư vấn về đầu tư chiến lược và phát triển của THR, 12 năm kinh nghiệm trong ngành du lich lữ hành cho rằng: Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới năm 2017 khi đón được 12,9 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa, tương ứng với mức tăng 29% và 18,06% so với năm 2016, trong đó Khánh Hoà được National Geographic tuyên bố là một trong 50 điểm đến quan trọng nhất trên thế giới nhưng muốn phát triển lợi thế này, Khánh Hòa cần phải xây dựng lại một chiến lược để du lịch phát triển một cách bền vững, tạo nên thương hiệu riêng.
Theo ông Ole Dross, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch khá tốt như chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu và một số khu vực truyền thống, quy hoạch hạ tầng, đầu tư nâng cấp mở rộng sân bay, đường xá, quảng bá xúc tiến du lịch, các dự án đầu tư lưu trú, khách sạn, resort, sân golf ra đời, hoặc một số dự án khu phức hợp giải trí, một vài hãng hàng không, dự án sân bay do tư nhân đầu tư ở Cam Ranh và Vân Đồn. Tuy nhiên, nhìn chung, các dự án đầu tư đều không dựa trên một định hướng chiến lược phát triển điểm đến của từng địa phương, mà là các dự án đơn lẻ, không hoàn toàn kết nối với nhau để tạo thành một điểm nhấn khác biệt trong chiến lược cạnh tranh.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Phát triển Kinh doanh, Tập đoàn Crystal Bay cũng cùng quan điểm: Du lịch Việt Nam muốn bứt phá thì phải xây dựng được hệ sinh thái một điểm đến. Trên cơ sở đó, hai hoặc ba điểm đến liên kết với nhau sẽ là một sản phẩm du lịch hết sức đặc biệt, tạo sự hấp dẫn đặc biệt, lôi cuốn du khách, ví dụ, khách vừa có thể chiêm ngưỡng kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long trên du thuyền, vừa có thể đắm mình trong trầm mặc của tháp Chàm và những bãi biển cát trắng của Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Thuận.
Ông Sơn khẳng định, nét khác biệt về di sản giữa hai vùng du lịch, khi kết hợp lại một cách bài bản chính là lợi thế đem đến trải nghiệm đa dạng, làm phong phú hơn hành trình của khách du lịch. Về mặt vĩ mô, giải pháp này còn hỗ trợ cho việc khai thác tối đa nguồn lực du lịch của mỗi địa phương, tạo điểm nhấn khác biệt trong chiến lược cạnh tranh, qua đó thúc đẩy giá trị gia tăng cho ngành kinh tế mũi nhọn này. Ngoài ra, một hệ sinh thái điểm đến, ít nhất sẽ bao gồm các lĩnh vực sau liên kết với nhau: dịch vụ lữ hành, vận chuyển, lưu trú, giải trí, mua sắm, hậu cần, các sản phẩm du lịch chiến lược và phụ trợ.
Để tạo ra điểm đến, cũng là điểm nhấn thu hút du lịch, ông Ole Dross đưa ra bài học kinh nghiệm: Từ năm 2003, thành phố Las Vegas với chiến lược xây dựng định vị là trung tâm của sự tự do không giới hạn, không bị kiểm soát, họ xây dựng khách sạn nhưng phải kết hợp với các dịch vụ giải trí đa dạng, phục vụ nhiều tầng lớp khách du lịch. Các tiện ích, dịch vụ hỗ trợ xung quanh cũng tập trung phục vụ cho nhu cầu giải trí của du khách và họ đã thành công. Hay như thành phố Alcañiz, Tây Ban Nha, là một thành phố biệt lập, gần như không có sức sống. Nhưng từ khi xây dựng trường đua môtô Ciudad del Motor de Aragón từ năm 2008, cùng với một công viên công nghệ, một khu thi đấu thể thao và một khu phức hợp giải trí và văn hoá như là thành phần tương hỗ, thì cả thành phố này đã biến thành một trung tâm du lịch hấp dẫn của châu Âu.
Như vậy, một điểm đến phải bắt đầu được xây dựng hoặc là từ một ý tưởng phát triển định vị thương hiệu, một ý tưởng trung tâm, là cái lõi hình thành lên một hệ sinh thái bao quanh nó. Hoặc là, nó được xây dựng xung quanh một sản phẩm du lịch chiến lược lõi, và sự hình thành của điểm đến là xây dựng một hệ sinh thái bao quanh sản phẩm chiến lược đó. Khi có một hệ sinh thái đặc trưng, việc xây dựng thương hiệu cho điểm đến trở thành dễ dàng hơn, cụ thể hơn, truyền thông cho thương hiệu sẽ hiệu quả hơn. Và quan trọng nhất là chúng ta sẽ có một chiến lược phát triển điểm đến theo một quy hoạch nhất định, chủ động đầu tư vào các dự án làm giàu thêm hệ sinh thái. Một điểm đến, với một hệ sinh thái riêng, có chiến lược phát triển bền vững, bản thân nó đã là một sức hút mạnh mẽ cho du khách đến, ở lại dài hơn và quay trở lại trong tương lai.
Để xây dựng con đường xây dựng hệ sinh thái du lịch chất lượng cao, theo ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Bros, Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Worldwide Partner: Ngày nay, marketing trong du lịch không chỉ đơn giản là quảng bá điểm đến, mà là tiến trình sử dụng nội dung kết hợp nền tảng công nghệ để tương tác với du khách tiềm năng, theo chu trình: nhận biết, tương tác, mua hàng, trung thành, vận động. Thu hút họ đến du lịch chỉ là bước đầu, bí quyết để điểm đến lưu lại trong tâm trí du khách là làm sao khiến họ tìm thấy sự kết nối với cảnh vật, con người địa phương, từ đó tạo sự kết nối giữa họ cùng người bạn đồng hành, gia đình và sâu xa hơn là với chính bản thân họ.
Đến từ Tập đoàn The Union – Scotland, Anh Quốc, Giám đốc Sáng tạo Michael Hart đồng tình quan điểm và mang đến câu chuyện thực tế về hành trình biến chính người dân Scotland thành những sứ giả thấu hiểu, truyền cảm hứng khám phá lịch sử, văn hóa địa phương đến khách du lịch, đây cũng chính là điểm độc đáo trong chiến lược truyền thông và phương pháp “marketing điểm đến" tạo nên sự cộng hưởng khác biệt cho du lịch Scotland.
Song song với chiến lược marketing, phát triển sản phẩm du lịch, ông Vũ Quốc Trí - Tổng Cục Du lịch cho rằng, cần phải thành lập được mô hình quản lý điểm đến và do nhiều đơn vị thành phần cùng tham gia, quản lý và đã thí điểm mô hình này thành công, trong đó, yếu tố quan trọng là khả năng tiếp cận điểm đến, ví dụ hiện nay, muốn bay về Hà Nội, TP.HCM nhiều du khách đang gặp phải khó khăn vì không có vé.
Ông Lương Hoài Nam - Chuyên gia thành viên HĐTV Du lịch quốc gia cũng cho rằng: Tái cấu trúc sản phẩm du lịch là cần thiết nhưng vấn đề vướng mắc lớn nhất là khi đưa sản phẩm mới vào hoạt động. Vì vậy, giải pháp trước mắt là mỗi địa phương nên xem lại cái gì mình có, cái gì tiềm năng, cái gì có rồi nhưng chưa tốt để tập trung phát huy thế mạnh.
Về đa dạng hóa thị trường cũng phải tiếp cận thực tế, ví dụ hiện nay tại Khánh Hòa, thị trường khách Nga, Trung Quốc đang mạnh thì đừng chạy theo cái hay, cái mới mà kẻo quá sức, thay vào đó hãy tâp trung phát triển. Đơn cử, với thị trường khách Trung quốc, vừa qua vẫn tập trung vào nhóm phân khúc trung và thấp thì sắp tới nên tập trung phân khúc cao.
Về hàng không, ông Nam cũng cho rằng, hiện công suất sân bay của chúng ta còn quá nhỏ so với các nước cùng khu vực khác, ví dụ như Thái Lan hiện có 13 hãng, trong đó có 5 hãng nước ngoài, vì vậy, nên đầu tư xã hội hóa vào hạ tầng sân bay, tư nhân nên tham gia vào quản lý vận hành để có nền hàng không phát triển vì hàng không phát riển chậm thì ảnh hưởng đến du lịch.