Không nên đặt Chính phủ vào vai trò trọng tài trong tranh chấp giữa doanh nghiệp
Du lịch - Ngày đăng : 03:27, 15/08/2018
* Ông thấy sao về sự rạn nứt trong hợp tác giữa Ba Huân và VinaCapital mới đây?
- Hai bên đã thống nhất hợp đồng bằng tiếng Anh, nhưng khi có những vấn đề nảy sinh, mỗi bên diễn giải vấn đề theo cách riêng. Nhà đầu tư tài chính nói tiếng nói của tài chính tiền tệ, trong khi doanh nghiệp sử dụng ngôn ngữ kinh tế, thị trường và hàng hóa.
* "Kêu cứu" Chính phủ, theo ông có nên xem là cách làm phù hợp khi doanh nghiệp vướng phải tranh chấp?
- Tôi không nghĩ vậy. Không nên đặt Chính phủ vào vai trò trọng tài để dàn xếp các bất đồng giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư tài chính. Mặt khác, nếu Chính phủ đứng ra giàn xếp bất đồng giữa Ba Huân và VinaCapital sẽ tạo ra tiền lệ không hay.
Theo thông lệ quốc tế, khi có vướng mắc, nhà đầu tư tài chính và doanh nghiệp sẽ tự giải quyết, nếu không giải quyết được sẽ đưa ra trọng tài quốc tế hoặc tòa án. Các chính phủ đều không tham gia vào tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư tài chính hay ngân hàng.
* Theo quan sát của ông, ở những thị trường phát triển, như Mỹ chẳng hạn, có vụ việc nào tương tự không?
- Đi ra từ thị trường tài chính Mỹ, tôi chưa thấy có trường hợp nào tương tự vụ Ba Huân và VinaCapital. Doanh nghiệp Mỹ không nhờ thế của Chính phủ để giải quyết vướng mắc. Hơn nữa, khi ký một hợp đồng kinh tế, các doanh nghiệp của Mỹ thường thông qua một công ty tư vấn pháp lý. Luật sư của hai bên sẽ làm việc chặt chẽ về nội dung các điều khoản hợp đồng.
Thế nhưng, tại Việt Nam, các doanh nghiệp thường bỏ qua, hoặc xem nhẹ phần tư vấn pháp lý. Nhiều doanh nghiệp do cần vốn, đã sẵn sàng chấp thuận các điều kiện của nhà đầu tư tài chính, chỉ khi có khó khăn mới tìm cách giải quyết. Trong định luật Murphy của Mỹ có câu "Whatever may happen, it will", có nghĩa là những gì có thể xảy ra sẽ xảy ra. Kinh nghiệm này không dành riêng cho doanh nghiệp nước Mỹ.
Chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu |
* Từ vụ việc VinaCapital và Ba Huân, các định chế tài chính có thể sẽ siết chặt hơn việc bơm vốn cho doanh nghiệp?
- Khả năng đó là có thật. Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó tiếp cận vốn hơn do các nhà đầu tư tài chính, các ngân hàng quan ngại việc sự "cầu cứu chính phủ”. Tôi nghĩ, họ sẽ thận trọng hơn khi cho doanh nghiệp vay vốn.
* Bài học được rút ra từ vụ việc này là gì thưa ông ?
- Theo kinh nghiệm của tôi, có một số điểm cần quan tâm. Thứ nhất, khi hợp tác đầu tư hay kinh doanh, các bên cần nghiên cứu kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Rủi ro của doanh nghiệp kinh doanh khác với rủi ro của các nhà đầu tư tài chính. Thành ra, nếu hai bên không nắm rõ những đòi hỏi, yêu sách của nhau, nếu tranh chấp xảy ra, tổn thất là cho cả hai bên.
Thứ hai, doanh nghiệp trong nước khi làm ăn với các định chế tài chính nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, văn bản hợp tác bằng tiếng Anh cần được dịch sang tiếng Việt. Nhưng đôi khi tiếng Việt không đủ ngôn từ để diễn giải hết các dịch vụ, cũng như khía cạnh tài chính được nêu trong các văn bản, đây là điểm dễ gây hiểu nhầm.
Do đó, khi đàm phán, hai bên cần chuyên gia, không chỉ về tài chính mà còn phải thông thạo các văn bản tài chính, ngôn ngữ tài chính, để diễn giải một cách chính xác nhất. Nội dung các điều khoản hợp đồng nên được giải trình, thống nhất bằng cả hai ngôn ngữ trước khi hai bên đặt bút ký hợp đồng.
Thứ ba, khi hợp tác kinh doanh hay đầu tư, doanh nghiệp cần xem xét các điều khoản, nhất là điều khoản về trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên một cách tỉ mỉ và chính xác. Những vướng mắc có thể nảy sinh từ nội dung này, doanh nghiệp không nên bỏ qua, thậm chí có phương án cho những kịch bản xấu.
* Cảm ơn ông!