Nhiều startup Nhật Bản chọn Đông Nam Á làm nơi lập nghiệp
Start up - Ngày đăng : 00:03, 15/08/2018
Công ty startup Framgia nhắm vào "mỏ tài năng" lập trình của Việt Nam. Ảnh: TL |
Những người sáng lập AnyMind Group, chuyên hỗ trợ quảng cáo và tuyển dụng bằng trí tuệ nhân tạo (AI), chọn lập công ty ở Singapore vì "chúng tôi muốn khởi nghiệp với đẳng cấp thế giới", CEO Kosuke Sogo nói.
AnyMind hiện có văn phòng tại 10 nước và vùng lãnh thổ, hầu hết ở Đông Nam Á. Mạng lưới xuyên biên giới đã giúp họ khai thác nhu cầu tuyển dụng từ các công ty đa quốc gia, nâng doanh thu lên khoảng 25,2 triệu USD vào năm 2017, năm hoạt động thứ hai của AnyMind. Startup này có kế hoạch mở rộng sang Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Philippines và Nga trong năm nay, đồng thời đang nhắm đến việc niêm yết trên sàn chứng khoán ở Mỹ.
Còn với Taihei Kobayashi - Chủ tịch kiêm CEO Công ty Hỗ trợ phát triển phần mềm Framgia thì anh lập công ty tại Việt Nam vì nhắm tới các tài năng kỹ thuật chuyên sâu ở đây. Hiện Công ty đang sử dụng 1.200 kỹ sư công nghệ thông tin, chủ yếu là người Việt.
"Toàn thế giới đang thiếu hụt lập trình viên. Tôi muốn xây dựng doanh nghiệp của mình như một nhịp cầu nối kết các kỹ sư và khách hàng", Kobayashi bày tỏ. Khách hàng của Framgia bao gồm hãng điều hành taxi Nihon Kotsu của Nhật và Money Forward - nhà cung cấp phần mềm kế toán đám mây.
Link bài viết
Thị trường Đông Nam Á đang thu hút các nhà đầu tư. Dữ liệu từ PitchBook cho thấy vốn đầu tư mạo hiểm trong vùng đã lên đến 4,4 tỷ USD trong vòng ba tháng đầu năm 2018, lớn hơn tổng số vốn năm 2017, và gấp 16 lần số vốn quý I của Nhật Bản.
Một khung pháp lý linh hoạt cho phép các doanh nghiệp tự do hơn bên Nhật đã đem lại lợi ích cho các startup, đơn cử như trường hợp Omise Holdings - nhà phát triển chuỗi khối (đặt trụ sở tại Singapore) và cung cấp các dịch vụ thanh toán hoạt động chủ yếu tại Thái Lan. Omise xử lý hệ thống thanh toán bằng thẻ tín dụng thuộc hai ngân hàng lớn của Thái. "Điều đó là không khả thi với các công ty lớn ở Nhật vốn chuyển động chậm chạp trước các quy định hà khắc", CEO Jun Hasegawa nói.
Nhưng cách tiếp cận dễ dàng này cũng đồng thời đi kèm với rủi ro. Môi trường pháp lý thay đổi nhanh đã đẩy Omise ra khỏi hoạt động kinh doanh dịch vụ thanh toán ở Indonesia hồi năm ngoái sau khi nước này áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn với nhà đầu tư nước ngoài.
Các startup Nhật cho rằng sự thành công của họ ở Đông Nam Á dựa trên những điều nghiên kỹ lưỡng, sự am hiểu thị trường và có được những nhân sự có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực hoạt động của công ty họ.