Nuôi dưỡng tâm hồn bằng... sách khoa học
Sách hay - Ngày đăng : 07:00, 21/08/2018
Từ trái sang: Ông Vũ Công Lập, ông Phạm Văn Thiều và ông Nguyễn Văn Liễn |
Đó là nhận định của ông Vũ Công Lập - chuyên giảng dạy, nghiên cứu, viết và dịch sách trong lĩnh vực ứng dụng vật lý trong Y học, khi nói về sách khoa học tại buổi gặp gỡ trò chuyện nhân 10 năm tủ sách Khoa học và Khám phá ra đời: “Câu chuyện khoa học: Vũ trụ toàn ảnh và Sự đầy của cái không” vừa được tổ chức vào ngày 18/8 tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM. Ông Lập dẫn chứng cụ thể rằng, thông qua những câu chuyện thực tế cuộc sống của các nhà khoa học nổi tiếng thế giới được truyền tải trong nhiều cuốn sách khoa học, độc giả sẽ được khơi gợi lòng quyết tâm và tiếp thu được nhiều bài học về cách sống đam mê và ý nghĩa.
Chính vì muốn truyền tải tình yêu và lòng say mê khám phá, những nỗ lực không ngừng của bao thế hệ trong hành trình nghiên cứu khoa học, và giới thiệu những kiến thức và thành tựu khoa học mới, hồi tháng 8/2008, Nhà xuất bản Trẻ và 3 nhà khoa học Phạm Văn Thiều, Nguyễn Văn Liễn, và Vũ Công Lập đã hợp tác thành lập tủ sách Khoa học và Khám phá, do chính 3 nhà khoa học này làm chủ biên. Đến nay, tủ sách đã cho ra đời 35 tựa sách, trong đó có nhiều tựa sách đã tạo được tiếng vang lớn không những ở thị trường trong nước mà còn trên trường quốc tế, như Lược sử thời gian, Trí tuệ giả tạo - Internet đã làm gì chúng ta?...
Sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả trong nước được thể hiện rõ qua số lần in của các tác phẩm trong tủ sách Khoa học và Khám phá. Một trong những cuốn đầu tiên của tủ sách là Mật mã - Từ cổ điển đến lượng tử của tác giả Simon Singh (dịch giả: Phạm Văn Thiều và Phạm Thu Hằng) đã được in 8 lần với 10.000 bản in. Còn cuốn sách có số lần in nhiều nhất là Cái vô hạn trong lòng bàn tay của tác giả Matthieu Ricard (do Trịnh Xuân Thuận, Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ dịch), được in 10 lần với tổng cộng 19.000 bản in.
Dịch giả Phạm Văn Thiều - nhà vật lý lý thuyết và dịch giả nổi tiếng về sách phổ biến khoa học, thành viên Ban Chủ biên và dịch giả chủ yếu của tủ sách Khoa học và Khám phá cho biết, sự phản hồi tích cực từ độc giả là nguồn động viên rất lớn đối với những người làm sách khoa học. Bởi ngoài giới khoa học gia, học sinh, sinh viên, có những người dù không làm khoa học nhưng vẫn rất thích tìm hiểu lĩnh vực này bằng cách tìm đến với sách khoa học. Có lẽ nhờ sự đón nhận tích cực đó mà nguồn doanh thu từ tủ sách Khoa học và Khám phá vẫn khả quan, có khả năng tự duy trì chính nó mà không cần sự hỗ trợ từ các thể loại sách khác, theo nhà vật lý lý thuyết Phạm Văn Thiều.
Sự đầy của cái không - cuốn sách khoa học mới của GS. Trịnh Xuân Thuận |
Được biết, ông Phạm Văn Thiều cũng chính là người được ủy quyền dịch toàn bộ các tác phẩm của nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận ra tiếng Việt.
Trên thực tế, sách khoa học là một trong những mảng sách quan trọng của Nhà xuất bản Trẻ. Cụ thể, từ năm 2008 đến nay, Nhà xuất bản này đã xuất bản 400 tựa sách khoa học, trong đó có 85 tựa sách dành cho bạn đọc lớn tuổi và trung niên, 315 tựa sách dành cho đối tượng độc giả thiếu niên, nhi đồng.
Là một trong 3 thành viên Ban Chủ biên tủ sách Khoa học và Khám phá, nhà nghiên cứu và giảng dạy vật lý Nguyễn Văn Liễn kể: “Lúc bắt đầu thành lập tủ sách này, cả ba thành viên nhóm chủ biên chúng tôi đều đã ngoài 60 tuổi, và chỉ xác định là làm cho vui, làm vì đam mê, do nhuận bút dịch sách là một số tiền khá khiêm tốn so với thời gian dịch một cuốn sách khoa học thường kéo dài 1 - 2 năm”.
Nhà nghiên cứu vật lý xấp xỉ 75 tuổi này còn chia sẻ rằng ông đang viết một bộ sách khoa học của riêng mình, nhờ vào nguồn tài trợ của… vợ. Và dù chưa có kế hoạch cụ thể về việc chọn nhà xuất bản hoặc thời gian ra mắt nhưng “làm vì đam mê nên… cứ làm thôi!”.
Nhân kỷ niệm 10 năm tủ sách Khoa học và Khám phá, Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu cuốn sách mới nhất của GS. Trịnh Xuân Thuận vừa được dịch và phát hành bản tiếng Việt với tựa đề Sự đầy của cái không. Cuốn sách sẽ đưa độc giả đi qua lịch sử phát triển của khoa học và triết học về chân không, từ thuyết tương đối đến lý thuyết lượng tử, từ khái niệm chân không trong Đạo giáo đến các mặt đối lập bổ sung cho nhau trong Phật giáo. GS. Trịnh Xuân Thuận là một trong những nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới, cũng là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như: Nguồn gốc, Nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Giai điệu bí ẩn, Những con đường của ánh sáng, Khát vọng tới cái vô hạn… Ông còn nhận được nhiều giải thưởng về sách phổ biến khoa học do các tổ chức thế giới trao tặng. |