Tiếp thị trực tuyến: Cần hiệu quả và trung thực
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:00, 23/08/2018
Các hoạt động thương mại, tiếp thị hàng hóa và dịch vụ đang dịch chuyển lên môi trường trực tuyến, trở thành xu thế tất yếu hỗ trợ sự tăng trưởng và đổi mới của doanh nghiệp (DN). Kèm theo đó là nhiều thách thức như quảng cáo quá sự thật, mua lượt xem, việc đo lường hiệu quả không chính xác và thiếu trung thực... dễ làm rối loạn thị trường.
Nền tảng cho tiếp thị số
Theo số liệu Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố tại Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2018 cuối tuần rồi, năm 2017, ngành thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng 25% so với năm trước và dự báo tiếp tục duy trì đà tăng này trong năm nay.
Thị trường ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng của một số lĩnh vực, điển hình như bán lẻ trực tuyến có tỷ lệ tăng doanh thu 35% so với năm trước. Một số DN chuyển phát quy mô lớn công bố doanh thu tăng từ 62 - 200%, kéo theo sự tăng trưởng của mảng thanh toán điện tử.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch VECOM, tỷ lệ doanh thu từ kênh TMĐT trong DN ngày càng tăng nhờ người tiêu dùng thay đổi xu hướng khi công nghệ phát triển. Thị trường cũng cho thấy sự chuyển dịch rõ nét của các xu hướng như đa kênh liên kết do nhiều DN ngày càng quan tâm ứng dụng.
Về phía DN, họ cũng hiểu rõ tầm quan trọng của dữ liệu người dùng nên xu hướng thu thập, quản lý dữ liệu là tất yếu để hỗ trợ việc phát triển bền vững. Tất cả những xu hướng mới tạo nên những biến động trên thị trường, xu thế mua bán, tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trên internet với các thiết bị di động không còn xa lạ.
Theo Báo cáo ứng dụng mua sắm tại Việt Nam của Nielsen, tính trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore về tổng thời gian người dùng kết nối internet. Có đến 78% người dùng điện thoại di động tại Việt Nam sử dụng smartphone, khảo sát cho thấy 79% dùng smartphone để xem sản phẩm trên các ứng dụng di động hoặc website và 75% để tìm kiếm thông tin sản phẩm trước khi mua hàng.
Đánh giá về xu hướng tiếp thị số, ông Nguyễn Trọng Đạt - quản lý Nielsen tại Hà Nội cho biết, thế hệ người dùng siêu kết nối và sự xuất hiện các công nghệ mới khiến lĩnh vực tiếp thị trực tuyến thay đổi mạnh mẽ.
Dự báo đến 2020, cứ 100 người Việt Nam có 55 người kết nối internet, họ không chỉ sử dụng internet với tần suất ngày càng cao mà còn tiếp xúc với nhiều kênh truyền thông xã hội, khiến hành vi ra quyết định của họ bị tác động mạnh mẽ. Ông Đạt nhận định: "Khi tần suất sử dụng internet cao, các nhà làm marketing càng khó thu hút người dùng bởi thời gian tập trung của họ sẽ càng ngắn hơn, hành vi đưa ra quyết định của họ cũng ngày càng trở nên phức tạp hơn".
Thật, giả lẫn lộn
Với sự gia tăng số lượng thiết bị di động, việc mua bán và tiếp thị hàng hóa trực tuyến không còn lạ lẫm với đông đảo người dùng Việt Nam, đặc biệt tại các thành phố lớn và phân khúc khách hàng trẻ. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động của tiếp thị trực tuyến lại khá lộn xộn, thiếu trung thực làm ảnh hưởng đến thị trường TMĐT nói chung.
Ông Hưng đơn cử điển hình nhất lâu nay là hoạt động quảng cáo, tiếp thị trực tuyến của ngành bất động sản tràn lan trên mạng xã hội và các phương tiện trực tuyến khác nhưng nhiều thông tin thiếu trung thực, lập lờ về nhà thầu thi công, thiết kế, vị trí dự án theo kiểu như chỉ cách trung tâm thành phố 5 phút, 10 phút...
"Bất động sản là lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu tư lớn của toàn xã hội nhưng dường như chưa thay đổi cách thức tiếp thị truyền thống, luôn nói tốt quá mức so với sản phẩm thực tế, đây là kiểu truyền thông lỗi thời, không còn phù hợp và tác động tiêu cực tới thị trường", ông Hưng nói.
Theo ông Thái Hữu Lý - đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), những trải nghiệm về quảng cáo trực tuyến thiếu trung thực là "gáo nước lạnh" dội vào người tiêu dùng trực tuyến và làm ảnh hưởng tới thị trường. Cần thay đổi quán tính thiếu tích cực, nếu không các luồng dư luận trực tuyến tạo ra hiệu ứng ngược với tốc độ nhân rộng cực lớn, trở thành con dao hai lưỡi gây hậu quả khôn lường cho DN.
Môi trường tiêu cực đó còn đáng sợ hơn khi trên mạng xã hội có cả các cách thức "bán" số lượt xem (view), lượt thích (like), bình luận (comment) và cả số lượt chia sẻ (share) các dòng trạng thái quảng cáo.
Những con số "ảo" đó được dùng để chứng minh sản phẩm được đông đảo người dùng yêu thích và khẳng định chiến dịch tiếp thị thành công. Thậm chí các quảng cáo đặt hàng qua các KOL (những nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng với cộng đồng) vẫn sử dụng các chiêu thức mua lượt thích, lượt bình luận.
Bà Nguyễn Phương Thảo - quản lý cấp cao của Nielsen Việt Nam cho biết, theo Báo cáo tiên đoán của các giám đốc marketing toàn cầu, có đến 30 - 50% chi phí truyền thông đang bị lãng phí hay tiếp cận sai khách hàng mục tiêu, khoảng 40% mục tiêu chiến dịch không đúng với yêu cầu.
Chỉ khoảng 1/4 giám đốc marketing được phỏng vấn khẳng định có thể đo lường được hiệu quả quảng cáo trên chi phí bỏ ra cho tiếp thị trực tuyến. Các công cụ đo lường hiệu quả như số lần nhấp chuột, lượt xem, lượt thích hay bình luận không có hệ quy chiếu để đánh giá, nên có thể đưa ra các kết quả sai lệch và khác nhau.
Tiếp thị đa phương tiện đồng nghĩa với việc rất khó đo lường chính xác hiệu quả, vì vậy các chiến dịch truyền thông có thể bị lãng phí khủng khiếp. Bà Thảo khuyến cáo, trước khi tiếp cận phương thức truyền thông số cần ý thức việc đặt tiêu chuẩn minh bạch lên hàng đầu.
DN cũng cần chú ý đừng quá cứng nhắc theo cách tính lượt thích, lượt xem hay bình luận để đánh giá hiệu quả tiếp thị, thay vào đó cần rà soát thực tế kể cả bằng cảm tính để "đo" giá trị và hiệu quả thực của thông tin sản phẩm hay dịch vụ đã được chuyển tải tới khách hàng.