Người Nigeria trên nước Mỹ: Cộng đồng nhỏ, tiếng tăm lớn
Quốc tế - Ngày đăng : 06:22, 25/08/2018
Imelme A. Umana - người phụ nữ da đen đầu tiên được bầu làm chủ tịch của Harvard Law Review năm 2016 |
Có một câu đùa đang dần trở nên quen thuộc khi người Mỹ nói về cộng đồng người Nigeria ở Mỹ hiện nay: “Nếu ném đá vào một gia đình Nigeria điển hình, khả năng trăm phần trăm bạn sẽ làm bị thương một thạc sĩ”.
Cộng đồng nhỏ, tiếng tăm lớn
Trong mỗi kỳ họp mặt của gia đình Onyejekwe, các thành viên vốn đều là bác sĩ, luật sư, kỹ sư hoặc giáo sư đều sẽ dành thời gian nói về chuyên môn và thành quả trong nghề nghiệp của mình. Cha mẹ, ông bà cũng thích xoay quanh những câu chuyện về thành tích học tập, thể thao, văn nghệ của con cháu trong gia đình. Cô dì chú bác và anh em họ chúc mừng sự thăng tiến của nhau hoặc bàn bạc về một tổ chức phi lợi nhuận do một trong số họ vừa thành lập. Tại bang Ohio, thành công của gia đình Onyejekwe chỉ được coi là ở mức độ “bình thường” – nếu so sánh với đa số các gia đình đồng hương người Mỹ của họ.
Theo số liệu của Viện Chính sách Di cư Hoa Kỳ, đến nay có 29% người Mỹ gốc Nigeria trên 25 tuổi đạt trình độ sau đại học, so với tỷ lệ 11% dân số Hoa Kỳ nói chung. Trong số các chuyên gia người Mỹ gốc Nigeria, 45% làm việc trong các dịch vụ giáo dục và nhiều người trong số đó là giáo sư tại các trường đại học hàng đầu. Chưa hết, số lượng người Nigeria tiến vào lĩnh vực y tế ở Hoa Kỳ đang tăng với tốc độ đáng kể và ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Nigeria trở thành doanh nhân và CEO.
Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã phát biểu rằng người Nigeria sẽ không bao giờ quay lại “túp lều của họ” một khi họ nhìn thấy nước Mỹ. Nhưng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã không ngăn cản người Mỹ gốc Nigeria tạo việc làm, điều trị bệnh, giảng dạy và đóng góp cho cộng đồng địa phương trong ngôi nhà mới của họ. Họ đã được công nhận là một trong những cộng đồng nhập cư thành công nhất của đất nước, với thu nhập hộ gia đình trung bình đạt 62.351 USD/năm so với con số 57.617 trung bình trên toàn quốc vào năm 2015.
Chukwuemeka Onyejekwe tự hào: “Người Nigeria mang đến nước Mỹ một phong cách văn hóa độc đáo, quyến rũ và hương vị ẩm thực mà mọi người thích”. Quả thật, các món ăn Nigeria như gạo jollof đang trở nên phổ biến ở nước này nhưng quan trọng hơn – như lời Chukwuemeka nói, người Nigeria mang đến sự kết nối và sự hiểu biết sâu rộng hơn về châu Phi cho người Mỹ thông qua những câu chuyện của họ.
Cuộc hành trình của người Mỹ gốc Nigeria vẫn còn tương đối mới so với các cộng đồng nhập cư lớn khác ở Hoa Kỳ trong thế kỷ XX. Từ 25.000 người vào năm 1980, đến năm 2015, cộng đồng Nigeria gốc Mỹ đạt khoảng 376.000 người, tương đương với cộng đồng người Mỹ gốc Ấn Độ vào năm 1980.
Quy mô chưa lớn nhưng người Mỹ gốc Nigeria đã khiến cả quê hương mới phải chú ý đến mình với những tên tuổi đang tỏa sáng. Chẳng hạn như Tiến sĩ Bennet Omalu, nhà nghiên cứu bệnh học pháp y 49 tuổi là người đầu tiên khám phá và xuất bản sách về chứng chấn thương não mãn tính trong giới cầu thủ bóng đá Mỹ (Hollywood đã làm bộ phim Concussion (Rung chuyển) về nhân vật này với Will Smith đóng vai Bennet Omalu).
TS. Bennet Omalu và diễn viên Will Smith - người đóng vai ông trong bộ phim Concussion |
Hay như Imelme A. Umana là người phụ nữ da đen đầu tiên được bầu làm chủ tịch của Harvard Law Review năm 2016.
Cũng trong năm này, Pearlena Igbokwe sinh ra ở Nigeria đã trở thành chủ tịch của Universal Television, khiến cô trở thành người phụ nữ gốc Phi đầu tiên lãnh đạo một hãng truyền hình lớn của Mỹ.
Bắt đầu vươn đến nghệ thuật, thể thao và những giải thưởng danh giá
Trong suốt những thập niên trước, học vấn là yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công của người Mỹ gốc Nigeria. Nhưng đến hôm nay, cộng đồng này bắt đầu vươn ra tạo dấu ấn trong thể thao, giải trí và nghệ thuật ẩm thực – như đầu bếp người Nigeria Tunde Wey ở New Orleans, gần đây được chú ý khi sử dụng thành công những yếu tố ẩm thực nhằm làm nổi bật sự bất bình đẳng về chủng tộc ở Mỹ.
Pearlena Igbokwe - Chủ tịch Universal Television - là người phụ nữ gốc Phi đầu tiên lãnh đạo một hãng truyền hình lớn của Mỹ |
TS. Jacqueline Nwando Olayiwola sinh ra ở Columbus, Ohio có cha mẹ là những giáo sư của đại học lớn trong bang. “Giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu của cha mẹ tôi bởi vì đó từng là chiếc vé đưa họ ra khỏi Nigeria”, Olayiwola cho biết.
Tuổi thơ của cô cực kỳ bận rộn với lịch học, lịch tập luyện thể thao, lịch học kỹ năng tổ chức lãnh đạo. Hôm nay Olayiwola là một bác sĩ giữ chức giám đốc chuyển đổi lâm sàng của RubiconMD, một công ty công nghệ y tế hàng đầu, đồng thời là phó giáo sư lâm sàng tại Đại học California, San Francisco, người hướng dẫn về y học gia đình tại Đại học Columbia và còn là một người viết sách.
Các anh chị em của Olayiwola đều là bác sĩ, luật sư, nhà quản lý trong các công ty danh tiếng và họ đều cảm thấy như thế vẫn là chưa đủ. Olayiwola và anh trai luôn bị thôi thúc bởi ước muốn quay lại Nigeria và giúp đỡ quê nhà - nơi người dân phải chịu đựng những bất ổn chính trị và nạn tham nhũng. Đó cũng là nguyên nhân khiến cha mẹ cô cùng hàng ngàn sinh viên Nigeria du học tại Mỹ trong thập niên 1970 không muốn trở về nước. Các sinh viên ưu tú này đã xây nên cộng đồng Nigeria gắn kết khá chặt chẽ ở Mỹ, luôn cố gắng thể hiện tình cảm với cố hương bằng cách đầu tư giáo dục cho thế hệ sau và hướng niềm quan tâm của con cái về Nigeria.
Trên thực tế, nhiều người Nigeria thế hệ sinh ra ở Mỹ đã thành lập được các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động có hiệu quả ở quê cha đất tổ.
Đầu bếp Tunde Wey |
Những trí thức Nigeria rời khỏi đất nước cũng công nhận rằng tại quê nhà của họ, nhiều người ở lại cũng đạt được thành công và đến Mỹ không phải là con đường duy nhất để có tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, họ tin rằng những cơ hội học tập ở Hoa Kỳ nhìn chung đã mang lại lợi ích thực sự cho người Nigeria. Do đó, theo đuổi con đường học vấn để trở thành kỹ sư, bác sĩ, luật sư là điều mà các bậc cha mẹ Nigeria hiển nhiên kỳ vọng vào con cái sinh ra trên nước Mỹ.
Chỉ đến những năm gần đây, kỳ vọng gần như áp đặt đó mới bắt đầu giảm bớt. Thế hệ sau bắt đầu cảm thấy họ muốn có nhiều lựa chọn khác ngoài lao vào việc học. Tunde Wey - một đầu bếp năng động cho rằng có rất nhiều áp lực khi ở trong cộng đồng người Mỹ gốc Nigeria: “Chọn đúng nghề mới chỉ là một phần. Bạn phải có quan hệ tình dục khác giới, bạn phải có con, bạn phải có tất cả những bằng cấp được coi là phổ biến”.
Theo anh, những kỳ vọng từng thúc đẩy cộng đồng vươn lên giờ có thể giới hạn khả năng phát triển của một số cá nhân. Thời đại hiện nay con đường dẫn tới thành công trong sự nghiệp mở rộng hơn bao giờ hết: thể thao, giải trí, âm nhạc, nghệ thuật ẩm thực... Nếu cộng đồng người Mỹ gốc Nigeria có thể tự giải phóng khỏi những định kiến cũ, sẽ có nhiều lĩnh vực mới mà họ có thể gây ấn tượng với những cộng đồng khác tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
(Nguồn: Ozy The Daily Dose)