Bí quyết giảm stress từ áp lực "check và trả lời email"

Nguồn nhân lực - Ngày đăng : 08:54, 25/08/2018

Email công việc giống như một con dao hai lưỡi. Chúng vừa là một công cụ hỗ trợ hữu ích đối với công việc, vừa là một tác nhân gây ra stress cho người nhận.
Bí quyết giảm stress từ áp lực

Nếu bạn là một nhân viên chăm chỉ và luôn cố gắng làm thêm ngoài giờ để ghi điểm với sếp, thì chắc hẳn bạn không còn xa lạ gì với những lá thư điện tử (email). Trung bình một tuần, nhân viên thông thường có thể nhận được tới 100 email cần được giải quyết.

Và, liệu bạn có nghĩ tiếp nhận nhiều những email này sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý cũng như tình trạng sức khỏe của mình không?

Email công việc giống như một con dao hai lưỡi. Chúng vừa là một công cụ hỗ trợ hữu ích đối với công việc, vừa là một tác nhân để lại trạng thái căng thẳng cho người nhận. Thậm chí, nếu giải quyết email một cách thường xuyên và vào những thời điểm bất hợp lý rất dễ dẫn tới tình trạng suy sụp tinh thần.

Link bài viết

Quá tải email, "quá tải" trí lực

Theo nghiên cứu được công bố gần đây tại Học viện Quản lý của Mỹ, thói quen ​​theo dõi email công việc 24/7 có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của nhân viên cũng như đối tác của họ.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 142 người làm việc toàn thời gian, cũng như người thân của họ, về những mục tiêu và kế hoạch của công ty về truyền thông điện tử. Các cá nhân cho biết họ cảm thấy có nghĩa vụ kiểm tra email đầy đủ kể cả ngoài giờ làm việc quy định. Việc đơn giản là chỉ cần chắc chắn rằng nếu sếp gửi email để hỏi hoặc giao nhiệm vụ vào bất kỳ giờ nào đều có thể trả lời và điều này đã khiến mọi người không được thư giãn khỏi công việc như đáng lẽ phải có, thậm chí ngay cả lúc đang đi chơi, đi ăn, nghỉ ngơi cuối tuần hay du lịch cùng gia đình thì đó vẫn là việc họ luôn phải làm.

Hơn nữa, ảnh hưởng không dừng lại ở nhân viên mà còn ở các đối tác, người luôn được mong chờ trả lời trực tuyến ngay sau khi nhận được email cũng cho hay trao đổi công việc ngoài giờ hành chính đã giảm bớt sự hài lòng về công việc cũng như mối quan hệ hợp tác.

Theo Phó Giáo sư chuyên ngành quản lý tại Đại học Lehigh Liuba Belkin, đồng tác giả của nghiên cứu, kết quả này cũng có thể sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức các doanh nghiệp tiếp cận mục tiêu công nghệ. Ông nói thêm: "Các tổ chức hay công ty có thể hạn chế việc bật các ứng dụng hộp thư điện tử cả ngày cho nhân viên hoặc cài đặt chế độ chọn lọc email một cách phù hợp hơn, thiết lập lịch rõ ràng để nhiều nhân viên khác sẽ thay nhau sẵn sàng trả lời từ đó sẽ tránh được tình trạng quá căng thẳng vì phải xử lý email liên tục".

Một nghiên cứu khác của Tiến sỹ tâm lý học Richard MacKinnon bổ sung thêm cuộc sống hiện tại khiến cho chúng ta hình thành những thói quen công việc dễ gây ảnh hưởng đến cảm xúc của chính mình, đặc biệt những thói quen như kiểm tra email, đọc tin nhắn liên tục luôn tạo ra những tác hại đối với con người nhưng không một ai để ý đến điều này. Theo kết quả khảo sát, 62% số người trong tổng 2.000 tình nguyện viên được hỏi đều nói rằng họ mở ứng dụng hộp thư điện tử của mình liên tục trong ngày. Những người này đều có triệu chứng căng thẳng về tâm lý mỗi khi tiếp xúc với email. Ngoài ra, những người làm việc ở vị trí quản lý có nguy cơ bị stress cao hơn những người khác.

Thiền định chính là liệu pháp tốt nhất cho sức khỏe tinh thần của bạn

Phó Giáo sư Belkin khuyến khích các bài tập về thiền định, để chống lo âu liên quan đến công việc. Ông nói: "Thiền đã được chứng minh là một cách tiếp cận hiệu quả để giảm sự lo lắng và ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến công việc, giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng những gì mà chúng ta muốn làm và đang làm. Mặc dù nhân viên không thể kiểm soát được lượng email đến hàng ngày, nhưng thiền sẽ giúp nhân viên kiểm soát được sức khỏe và hành động của bản thân".

Do vậy, người tập thiền đúng phương pháp sẽ cảm thấy có sự thay đổi trong sức khỏe, chỉ cần 20-30 phút ngồi khoanh chân, tĩnh tâm, hít thở đều đặn và tinh thần thật sự thoải mái là bạn cũng có thể bắt đầu với bộ môn này.

Một vài lợi ích của thiền định:

Thiền giúp giảm các triệu chứng rối loạn hoảng loạn

Khi ngồi thiền, con người dùng lượng oxy ít hơn bình thường 17%, giảm 3 nhịp tim/phút và tăng sóng alpha và theta ở não giúp cơ thể đi vào trạng thái nghỉ ngơi. Ngoài ra, thiền định và quán chiếu có thể chế phục được nhân hạnh đào (amygdale), một vùng não lưu trữ những ký ức sợ hãi.

Trong khi đó, tuyến thượng thận cũng tiết ra adrenaline, điền khiển nhịp tim trong các trường hợp sợ hãi, hoảng hốt gần như được khống chế hoàn toàn. Đó là lí do vì sao những thiền sư cao cấp hay người hành thiền lâu năm khó bị chấn kích, bất an, hoảng hốt hay nổi giận như những người bình thường khác.

Thiền làm tăng nồng độ chất xám trong não

Việc thực hành thiền thường xuyên kích thích các tế bào não thùy trái hoạt động mạnh mẽ hơn, từ đó tạo cho con người cảm giác vui vẻ thường xuyên, nhanh chóng vượt qua các trạng thái tâm lý tiêu cực để trở nên lạc quan, yêu đời. Thậm chí, mức này còn vượt xa so với mức trung bình của con người và của những người có tinh thần lạc quan tự nhiên mà không thực hành thiền.

Thiền giúp cải thiện cảnh giác về tâm thần

Thiền buộc chúng ta cột lại tâm mình, ý thức hơn về những việc mình đang làm. Bất cứ một vọng tưởng nào nổi lên, bạn phải tìm cách để không chạy theo nó và trở về với hiện tại. Đây là cách trực tiếp nhất để chúng ta đối trị với mọi bất ổn trong tâm. Nhờ vậy, sau khi hành thiền một thời gian, bạn sẽ thấy sự tập trung của mình tăng lên. Đầu óc thoáng đãng hơn giúp tăng trí nhớ và việc giải quyết các công việc diễn ra trôi chảy và hiệu quả.

Nếu bạn là một người luôn phải làm việc nhiều với email ngoài giờ, thì hãy nên chú ý đến lối sống và chăm sóc sức khỏe tâm thần của mình một cách khoa học nhất, tránh làm việc căng thẳng để luôn tạo ra năng lượng tích cực cho bản thân và những người xung quanh.

(Theo Cafef - Tựa bài do DNSGO đặt lại)

NGUYỄN LINH