Để nông sản Việt Nam thoát rào cản xuất khẩu
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:35, 27/08/2018
Muốn tăng trưởng xuất khẩu trong điều kiện như hiện nay, doanh nghiệp phải tăng giá trị sản phẩm.
Vướng an toàn thực phẩm
Ông Nguyễn Huy - Giám đốc Thực phẩm Bureau Veritas Việt Nam - một doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trong quản lý chất lượng, an toàn, sức khỏe và môi trường cho biết, cuối tháng 5/2018, một đối tác xuất khẩu cà phê đã gọi Bureau Veritas Việt Nam nhờ tư vấn về Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ (FSMA) vì lô hàng xuất sang Mỹ bị chặn tại cửa khẩu do vướng quy định của luật này. Giữa tháng 6, một doanh nghiệp bán hàng tại hệ thống Wallmart cũng bị đối tác yêu cầu cung cấp các chứng nhận theo quy định FSMA. Đây là những cảnh báo mới nhất từ các nước nhập khẩu nông sản Việt Nam.
Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia bị cảnh báo và bị trả hàng từ thị trường châu Âu. Cụ thể, trong 10 quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam chiếm hơn 1/3 số trường hợp bị cảnh báo từ thị trường này. Từ năm 2015 trở về trước, thủy hải sản của Việt Nam bị rất nhiều vấn đề về dư lượng kháng sinh, còn hiện tại là nông sản.
Tính riêng ngành thực phẩm, trong năm 2017, có 92 trường hợp và từ đầu năm 2018 đến nay là 44 trường hợp bị cảnh báo từ thị trường châu Âu. Có hơn 1.000 doanh nghiệp Việt Nam rớt khỏi danh sách được xuất hàng vào thị trường Mỹ do không nắm được quy định FSMA. Cụ thể, trong tháng 12/2016, có 1.845 nhà máy sản xuất thực phẩm của Việt Nam đăng ký với FDA để xuất khẩu vào Mỹ nhưng đến tháng 1/2018 chỉ còn 806 doanh nghiệp.
Tuần trước, chia sẻ tại Hội thảo Vượt qua hàng rào kỹ thuật về nông sản, thực phẩm để xuất khẩu vào châu Âu, bà Marieke Van Der Pijl - chuyên gia của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều nông sản nhưng do vướng vấn đề an toàn thực phẩm nên hàng hóa vẫn chưa đảm bảo thông hành tại nhiều nước.
Đơn cử, các lô hàng bị cảnh báo và từ chối nhập khẩu vào thị trường châu Âu chủ yếu do dây chuyền lạnh bị đứt quãng trong quá trình vận chuyển, đóng gói chưa bảo đảm an toàn thực phẩm, vượt mức dư lượng kháng sinh theo tiêu chuẩn quy định.
Tại châu Âu và Mỹ, vấn đề an toàn thực phẩm được quản lý rất khắt khe. Vì thế, khi hàng hóa bị cảnh báo của thị trường châu Âu không chỉ doanh nghiệp mất thị trường mà còn ảnh hưởng đến uy tín và lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Tăng giá trị sản phẩm
Lợi thế lớn nhất của sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là chỉ dẫn địa lý. Hiện tại, Việt Nam có gần 40 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Đây là một công cụ hiệu quả mà doanh nghiệp cần kiên trì theo đuổi, và Chính phủ nên có chính sách khuyến khích xây dựng, phát triển nhiều hơn nữa danh mục các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý.
Bà Nguyễn Kim Thanh - chuyên gia dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập cho biết, chăn nuôi là một trong những ngành chịu cạnh tranh khốc liệt nhất trong bối cảnh hội nhập thị trường thương mại tự do. Kết quả cuộc điều tra chuỗi cung ứng gà cho thấy, lượng gà nhập khẩu tăng tác động mạnh đến môi trường kinh doanh, đặc biệt là với doanh nghiệp trong nước.
Hiện nay, Việt Nam có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện đại nhưng chưa thành công trong việc tạo ra thịt gà đảm bảo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có khả năng rất cao sẽ được thông qua vào cuối năm 2018, là cơ hội xuất nhập khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp 2 bên. Mặc dù vậy, EVFTA cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng hàng hóa tiêu chuẩn cao hơn.
Đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận tại thị trường nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp tăng ưu thế cạnh tranh cho sản phẩm và ngành hàng. Trong đó, thị trường châu Âu ưa chuộng tiêu chuẩn Global GAP - bộ tiêu chuẩn về nông trại được quốc tế công nhận dành cho việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), nên nếu áp dụng tiêu chuẩn này sẽ dễ thương thảo với nhà nhập khẩu và cơ hội xuất khẩu cũng cao hơn.
Đặc biệt, trong bối cảnh có quá nhiều yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì việc đạt các chứng nhận tiêu chuẩn là một yếu tố rất quan trọng. Bởi, ngay cả trong các tiêu chuẩn cũng đặt ra yêu cầu phải chứng minh được nguồn nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc phải đi từ trang trại đến người mua trung gian, nhà sản xuất đến nơi đóng gói, tái đóng gói. Ông Nguyễn Huy cho biết, hiện tại châu Âu có hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm (RASFF), vì thế doanh nghiệp cần tiếp cận thông tin từ hệ thống này để giảm rủi ro.
Ông Lê Đình Nghĩa - Trưởng đại diện SMUCKER International Việt Nam cho rằng, nếu muốn khai phá thị trường Mỹ không còn cách nào khác là phải đảm bảo các tiêu chuẩn của họ. "Vì nếu không đảm các tiêu chuẩn của FSMA thì lô hàng đầu tiên xuất sang nước này trót lọt nhưng doanh nghiệp có thể 'dính' ở những lô hàng sau. Và khi đó, phía Mỹ sẽ truy ra những lô hàng đã nhập trước đó, nên thiệt hại của doanh nghiệp sẽ lớn hơn. Thậm chí, có nguy cơ bị cấm vĩnh viễn xuất khẩu sang Mỹ", ông Nghĩa cảnh báo.