Brexit, Anh có thể thiếu hụt lương thực, thuốc men và xăng dầu
Quốc tế - Ngày đăng : 06:28, 28/08/2018
Công nghiệp dược phẩm Anh đang trong tình thế báo động. Các dây chuyền phân phối lo thiếu hàng cung cấp cho 65 triệu dân.
8 tháng trước khi Anh chính thức ra khỏi EU, một số dấu hiệu cho thấy đây sẽ là một cuộc chia tay không êm thấm với rất nhiều hậu quả tai hại về mặt kinh tế. Ngày 5/8, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox đánh giá hiện thời rủi ro London - Bruxelles không đạt được đồng thuận về thủ tục Brexit là “60 - 40”.
Đang nghỉ hè, Thủ tướng Theresa May từ Ý sang Besançon, miền Đông nước Pháp để gặp Tổng thống Macron, hy vọng tìm được một điểm tựa tránh để xảy ra kịch bản xấu nhất. Trong vòng một tuần lễ, nhiều thành viên nội các Anh đã liên tục vận động các đối tác châu Âu, hy vọng 27 nước trong EU chấp thuận lộ trình Brexit được Thủ tướng May công bố hôm 12/7/2018. Văn bản này đã bị đại diện châu Âu đàm phán về hồ sơ Brexit với Anh là ông Michel Barnier chỉ trích gay gắt.
Nếu chia tay mà không đạt được một thỏa thuận, Anh sẽ phải ra khỏi liên minh thuế quan với châu Âu và rời thị trường chung châu Âu từ ngày 30/3/2019, tức là trong vòng 6 tháng tới đây. Khi ấy hàng của Anh bán cho EU sẽ bị đánh thuế cao hơn, phải thông qua rất nhiều thủ tục thuế quan rườm rà. Tương tự, hàng từ châu Âu xuất sang Anh cũng sẽ mất nhiều thời gian ở các trạm hải quan trước khi đến được tay người tiêu dùng.
Trong trường hợp lâm vào cảnh khan hiếm và thậm chí là thiếu hụt nhu yếu phẩm, nước Anh sẽ thiếu gì trước tiên? Trước hết là thuốc men, nhất là insulin chống bệnh tiểu đường. Tại Anh có 3,5 triệu người bị tiểu đường, trong đó có Thủ tướng Theresa May cần insulin mỗi ngày. Giải pháp tốt nhất là nước Anh tự sản xuất được mặt hàng này, nhưng mở một nhà máy dược phẩm đòi hỏi nhiều thời gian.
Giám đốc Hiệp hội các tập đoàn dược phẩm Anh Mike Thompson cho biết, các công ty trong ngành đã bắt đầu tích trữ thuốc, đề phòng các loại thuốc mua của Liên hiệp châu Âu không đến kịp tay bệnh nhân do Brexit.
Lương thực thực phẩm là một cấp bách khác mà chính quyền của Thủ tướng May cần phải đối phó. Nước Anh phải nhập khẩu đến 50% lương thực thực phẩm và gần như toàn bộ trong số đó là mua của EU. Bộ trưởng đặc trách về Brexit Dominic Raab trấn an công luận khi tuyên bố chính phủ bảo đảm dây chuyền phân phối lương thực không bị gián đoạn.
Anh không chỉ e ngại thiếu thuốc hay thực phẩm mà còn lo thiếu cả lao động. Một phóng sự của Đài truyền hình France 2 chiếu hôm 4/8 cho thấy, một phần lớn những người lao động theo thời vụ nản lòng vì Brexit. Rất đông trong số này là các công dân từ Đông Âu sang Anh tìm việc. Theo thống kê của Bộ Lao động Anh, khu vực nông nghiệp cũng đang trong tình trạng báo động đỏ, thiếu khoảng 4.000 lao động trong vụ thu hoạch năm nay. Đây là những công việc không mấy thu hút người dân Anh.
Họp báo tại London hôm 31/7, Tổng giám đốc Hiệp hội các tập đoàn công nghiệp Anh, bà Carolyn Fairbairn báo động “tình hình hiện rất cấp bách, bởi vì nếu không được hưởng giai đoạn chuyển tiếp để phải nhanh chóng rút khỏi thị trường chung châu Âu thì cả Anh lẫn EU sẽ cùng đánh mất 1,2 triệu việc làm”.