Ngành xuất bản Việt Nam: Thiếu chiến lược tổng thể, đơn vị làm sách khó bứt phá
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:35, 29/08/2018
Ảnh minh họa: Jason Wong |
Thời gian gần đây, truyền thông nhắc nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên toàn cầu, nhưng đi dạo một vòng các nhà sách, người đọc tìm thấy rất ít sách hay về đề tài này. Lý do chính là các đơn vị làm sách e dè, không dám chắc rằng mảng sách trên sẽ mang lại lợi nhuận.
Doanh nghiệp tư nhân không dám tính đường dài
Theo số liệu của Cục Xuất bản, đến hết tháng 6/2018, cả nước có 48 xuất bản phẩm bị xử lý do nhiều lỗi, số lượng sách bị thu hồi có chiều hướng tăng so với năm 2017. Con số này gây e ngại cho nhiều người làm sách vì một cuốn sách bị thu hồi sẽ gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho đơn vị phát hành và hạn chế việc ra đời của những đầu sách mang tính chất “gai góc”.
Trong những năm gần đây, ngành xuất bản Việt Nam ngày càng tụt hậu so với nhiều nước trong cùng khu vực Đông Nam Á. Thực trạng phát triển manh mún, thiếu chiến lược tổng thể đang khiến thị trường sách khó nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong thập niên vừa qua, ở khu vực Đông Nam Á, hầu hết các quốc gia đều có chiến lược sách cụ thể. Ủy ban Sách quốc gia Malaysia được thành lập với mục tiêu triển khai chiến lược sách quốc gia, phát triển văn hóa đọc, làm tăng nhu cầu đọc sách của người dân. Từ khoảng 5 năm trước, Indonesia cũng xây dựng chiến lược sách tổng thể với mức đầu tư hàng triệu USD/năm cho hoạt động quảng bá sách và tạo thói quen đọc sách, hỗ trợ chi phí xuất bản cho các dòng sách kiến thức kén người đọc.
Tại Việt Nam, ngoài việc thiếu một chiến lược sách tầm quốc gia, sự yếu kém trong quản lý, sự bất hợp lý trong các quy định góp phần làm cho các đơn vị làm sách khó lớn mạnh. Theo báo cáo tại Hội nghị Triển khai công tác Xuất bản và Phát hành 2018, lợi nhuận sau thuế của tất cả các nhà xuất bản (NXB) trong nước năm 2017 đạt khoảng 190,4 tỷ đồng. Kinh doanh hiệu quả và có lãi trên 10 tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay như NXB Trẻ (13,7 tỷ đồng), NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật (19,7 tỷ đồng), NXB Kim Đồng (30,3 tỷ đồng). Với quy mô thị trường hơn 90 triệu dân và trên 90% dân số biết chữ thì mức lợi nhuận trên có thể nói là khá khiêm tốn.
Hơn 10 năm qua, từ khi Luật Xuất bản cho phép NXB liên kết xuất bản với các thành phần kinh tế khác (chủ yếu của tư nhân), hoạt động liên kết xuất bản trở thành nguồn sống chủ yếu của đa số các NXB. Hiện nay, cả nước có 59 NXB, chia làm 3 nhóm: nhóm đầu gồm bốn NXB kinh doanh có hiệu quả, có vốn để đầu tư làm sách nhóm, mức liên kết xuất bản với các đơn vị làm sách tư nhân tối đa chỉ khoảng 10 – 20% số sách xuất bản; nhóm thứ hai gồm khoảng 10 NXB có lợi nhuận không đáng kể, mức liên kết với tư nhân vào khoảng 40 – 50%; riêng các NXB thuộc nhóm cuối cùng, yếu cả về vốn lẫn nhân lực thì liên kết xuất bản lên đến 80 – 90% số lượng đầu sách.
Theo số liệu thống kê của Tiki và Vinabook – 2 đơn vị chuyên bán sách qua mạng lớn nhất hiện nay, tỷ trọng doanh số bán ra đến từ các đơn vị tư nhân và của các NXB nhà nước tăng dần: năm 2012 là khoảng 65% từ tư nhân và 35% từ nhà nước, năm 2013 là khoảng 75/25 và đến năm 2014 là 80/20.
Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Công ty sách Alpha Books nhận xét: “Các đơn vị tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất bản hiện nay hiệu quả hơn do có động lực lớn và cơ chế năng động, linh hoạt. Tuy nhiên, các công ty sách tư nhân không có tư cách pháp nhân chính thức và đầy đủ như NXB nhà nước, chỉ có thể “liên kết” xuất bản với NXB nhà nước nên phụ thuộc nhiều vào những NXB này. Một số quy định hoặc sự chậm trễ trong quá trình liên kết đó khiến tiến độ sản xuất kinh doanh của nhiều công ty sách bị chậm lại. Trong bối cảnh ấy, không một ai trong giới tư nhân mạnh dạn đầu tư và nhìn về đường dài, điều đó giải thích một phần cho tình trạng quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, công nghệ cũ và lạc hậu của họ. Điều này tất dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp sách tư nhân sẽ không thể cạnh tranh được với các NXB quốc tế nếu tương lai các NXB nước ngoài được phép vào thị trường Việt Nam. Hiện trạng phát triển chậm chạp của ngành xuất bản có nguyên nhân từ việc không có đơn vị nào đủ lớn mạnh để đảm đương được dự án lớn và hiệu quả cao”.
Chật vật để tồn tại
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ từng chia sẻ về khó khăn của phía NXB: “Trong khi những chính sách để hỗ trợ cho NXB vốn đã không nhiều thì chính sách làm giảm nguồn lực của NXB vẫn còn tồn tại. Ví dụ trong các nghị định quy định rằng lợi nhuận sau thuế của NXB lại phải nộp trở về cho Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp. NXB vốn đã khó khăn về kinh phí nhưng khi có lợi nhuận thì không cho bổ sung vào nguồn vốn mà lại nộp cho các đơn vị khác”.
Trung bình mỗi năm, cả nước có hơn 30.000 đầu sách được xuất bản tại trên dưới 60 NXB. Trung bình mỗi NXB với bình quân 20 biên tập viên phải chịu trách nhiệm gần 400 đầu sách. Về pháp lý, để một NXB hoạt động thực tế cần có ít nhất 10 - 15 tỷ đồng. Nhưng thống kê cho thấy hiện nay khoảng 70% NXB có vốn chỉ ở mức 2 tỷ đồng, thậm chí có đến gần 20 NXB không được cấp vốn hoạt động. Do cạnh tranh quyết liệt, giành được quyền cấp phép, các NXB hạ phí biên tập, phí xuất bản, dẫn tới các khâu này làm chiếu lệ hoặc thậm chí không biên tập, khoán trắng cho đối tác liên kết, đến khi phát hành bị phát hiện ra sai phạm và bị thu hồi sách.
Để khắc phục lỗ hổng trong mối liên kết giữa tư nhân và những nhà quản lý xuất bản, ông Nguyễn Cảnh Bình từng đề xuất thử nghiệm mô hình thành lập NXB tư nhân nhưng có sự giám sát của Nhà nước, ghép giữa một NXB nhà nước và một công ty sách tư nhân, tận dụng thế mạnh và ưu điểm của mỗi hình thức để tạo ra một mô hình doanh nghiệp đủ mạnh và hiệu quả, và đảm bảo vẫn có sự kiểm soát đối với nội dung không phù hợp. Có thể công bố các điều kiện cho việc thành lập NXB tư nhân, sau đó lựa chọn một vài đơn vị phù hợp nhất cho phép thành lập thí điểm trong thời gian 3 - 5 năm.
Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, các điều kiện có thể là có tối thiểu 50 nhân viên, trong đó có 10 biên tập viên có chứng chỉ, doanh số đạt 50 tỷ đồng/năm, đã thành lập và hoạt động trên 10 năm, có kinh nghiệm xuất bản trên 500 - 1.000 đầu sách và năng lực xuất bản trên 100 đầu sách/năm, có uy tín và làm ra các ấn phẩm có chất lượng đối với độc giả, hoàn thành tốt nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước…
Cũng theo ông Bình, sự năng động và khả năng điều chỉnh để thích ứng của khu vực tư sẽ giúp các NXB theo mô hình này vận hành hiệu quả. Nhà nước không cần đầu tư vốn, tư nhân sẽ chịu trách nhiệm cụ thể và rõ ràng hơn về ấn phẩm của mình.