Giá vàng đi ngược nguyên tắc "cổ điển"
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 03:34, 30/08/2018
Cụ thể như giai đoạn 1976 - 1980, thị trường vàng quốc tế đã tăng đến 8 lần trong bối cảnh lạm phát tràn lan, đặc biệt là tại Mỹ, giá hàng hóa tăng vọt và khủng hoảng giá dầu. Lần gần đây nhất, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ năm 2007 và tiếp theo đó là cao điểm khủng hoảng nợ công của các quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) đã đẩy giá vàng chạm đỉnh 1.920USD/oz.
Tuy nhiên, giờ đây dường như mọi thứ không còn diễn biến theo nguyên tắc "cổ điển" như vậy nữa. Trong tình hình rủi ro địa - chính trị giữa các cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc ngày càng tăng, đặc biệt kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, và thực tế đã có một cuộc chiến tranh thương mại xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc, đe dọa kéo nền kinh tế thế giới vào suy thoái, thì vàng vẫn chưa tận dụng được những bất ổn trên để tăng giá.
Thậm chí kim loại quý này gần đây còn có lúc rớt về dưới mốc 1.200 USD/oz, bất chấp khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ và một số nền kinh tế mới nổi khác, khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư mất niềm tin vào vàng. Có một nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá vàng suốt thời gian qua là xu hướng tăng giá bền bỉ của đồng USD.
Với việc định giá chính thức theo USD, khi giá đồng bạc xanh tăng mạnh trở lại thì giá vàng khó có thể leo cao. Cần biết rằng, trước đây khi giá vàng lên mức kỷ lục thì cũng là thời điểm đồng USD suy yếu nhất so với các loại tiền khác, nhiều nhà đầu tư rời bỏ đô la Mỹ để tìm đến các kênh đầu tư khác, như vàng.
Tuy nhiên, hiện nay đồng USD vẫn đang trong xu hướng tăng giá vững chắc, đặc biệt trước tình hình kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng, doanh nghiệp nước này tiếp tục công bố lợi nhuận vững chắc, thì nhu cầu USD tăng cao khi dòng vốn đầu tư tiếp tục đổ về nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Đồng USD đang được xem là một trong những kênh đầu tư an toàn nhất trong bối cảnh rủi ro như hiện nay. Cũng cần biết rằng, trong những thời điểm nỗi lo sợ của các nhà đầu tư lên cao, chính USD mới được xem là tài sản an toàn số 1 chứ không phải vàng, bởi vì một quan điểm phổ biến của giới đầu tư là nếu nền kinh tế thế giới bị phá hủy, thì Mỹ và đồng bạc xanh chỉ có thể là nạn nhân cuối cùng.
Như trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998 và thời điểm bắt đầu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, giá vàng đã có những thời điểm sụt giảm chóng mặt do đồng USD tăng giá mạnh.
Chẳng những vậy, trước triển vọng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới lẫn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thì dòng vốn rẻ sẽ ngày càng biến mất, do đó các kênh đầu tư khác ít nhiều bị ảnh hưởng là tất yếu. Kế hoạch tăng lãi suất của FED sẽ còn diễn ra trong một thời gian dài nữa, và do đó giá vàng sẽ tiếp tục bị kìm nén.
Dù vậy, tương lai của giá kim loại quý này vẫn còn bấp bênh đến chừng nào mà lộ trình tăng lãi suất của FED kết thúc, mà theo giới phân tích sớm nhất là đến cuối năm 2019.