Tại sao nhà đầu tư không nản lòng với các công ty chưa có lợi nhuận?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:09, 31/08/2018

Một số công ty lớn trên thị trường hiện vẫn chưa có lợi nhuận, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn hào hứng với cổ phiếu của các công ty này. Vì sao?
Tại sao nhà đầu tư không nản lòng với các công ty chưa có lợi nhuận?

Banner Spotify bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Những công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán như hãng chế tạo xe hơi Tesla và công ty streaming nhạc Spotify đã thua lỗ hàng tỷ USD.

Tương tự, hãng cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ Uber thua lỗ 4,5 tỷ USD hồi năm ngoái, nhưng vẫn đang lên kế hoạch sẵn sàng và khả năng cao là sẽ lên sàn chứng khoán vào năm sau.

Các nhà đầu tư vẫn không nản lòng với những công ty chưa tạo ra lợi nhuận như vậy. Trên thực tế, tỷ lệ các công ty được báo cáo là thua lỗ trước khi lên sàn ở Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ giai đoạn bong bóng dotcom năm 2000.

Năm 2017, có đến 76% các công ty niêm yết được báo cáo là chưa tạo ra lợi nhuận vào năm trước khi lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO), theo dữ liệu được tập hợp bởi GS. Jay Ritter ở trường cao đẳng kinh doanh Warrington, thuộc Đại học Florida.

Tỷ lệ này thấp hơn con số 81% của năm 2000, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với con số trung bình 38% của 4 thập kỷ qua.

nha dau tu tesla elon musk doanhnhansaigon

Tesla vẫn chưa mang về lợi nhuận cho nhà đầu tư. Hồi đầu tháng 8, tỷ phú Elon Musk còn dự định tư nhân hóa hãng xe này, nhưng cuối cùng ông quyết định vẫn giữ Tesla là công ty đại chúng. Nguồn: Reuters

Tốc độ tăng trưởng chóng mặt của lĩnh vực công nghệ là lý do tại sao các nhà đầu tư sẵn sàng vung tiền của họ vào các công ty chưa có lợi nhuận, vì nhiều cổ đông đánh giá cao sự tăng trưởng trong tương lai và vẫn thoải mái thậm chí khi các công ty đó chưa có các con số tăng trưởng khổng lồ.

Dữ liệu của GS. Ritter cho thấy, trong số các công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng năm ngoái, chỉ có 17% các công ty công nghệ đã có lợi nhuận, trong khi đó, con số tương tự ở các công ty phi công nghệ là 43%.

Sự tăng giá của cổ phiếu Amazon cho thấy một điều rằng: các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến một mô hình kinh doanh mới.

Chưa tính đến yếu tố lợi nhuận, Amazon đã là công ty lớn thứ nhì thế giới theo vốn hóa thị trường. Điều này giúp nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos trở thành người giàu nhất lịch sử thế giới hiện đại, ít nhất là kể từ năm 1982 – thời điểm Forbes bắt đầu thực hiện bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới. Bởi vì theo bảng xếp hạng này, vào năm 1999, Bill Gates từng chạm mốc tài sản ròng 100 tỷ USD, tính theo giá hiện hành, nó có thể trị giá 149 tỷ USD, nhưng vẫn thấp hơn Jeff Bezos là hơn 150 tỷ USD.

Dù các nhà đầu tư rất yêu thích cổ phiếu của Amazon, nhưng tổng lợi nhuận của Công ty trong 2 thập kỷ qua vẫn không quá nổi bật so với các công ty được đánh giá cao khác tại Mỹ. Theo dữ liệu của Thomson Reuters, tổng lợi nhuận của Amazon trong 20 năm qua ít hơn 8 tỷ USD, trong khi lợi nhuận trong cùng khoảng thời gian đó của Apple được ghi nhận vào khoảng 327 tỷ USD, còn Facebook thì mang về 37 tỷ USD chỉ trong một thập kỷ qua.

Sự hưng phấn của thị trường dành cho những “công ty tăng trưởng” này đã khiến cho tỷ phú, nhà quản lý quỹ đầu tư David Einhorn phải đặt vấn đề rằng, liệu những nguyên tắc đầu tư cổ điển đã từng mang lại hiệu quả cho ông có còn hiệu quả ở thời điểm hiện tại hay không? Không khuyến khích đầu tư vào Tesla và Amazon, hồi năm ngoái Eihorn từng đánh giá rằng “thị trường đang đầy thách thức đối với các chiến lược đầu tư giá trị, khi các cổ phiếu tăng trưởng tiếp tục vượt trội hơn các cổ phiếu giá trị”.