Nền kinh tế bị phá hủy bởi siêu lạm phát

Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 01/09/2018

Không chỉ tình hình chính trị - xã hội bất ổn mà nền kinh tế Venezuela còn đang phải đối mặt với một trong những bóng ma đáng sợ nhất trong lịch sử: siêu lạm phát.
Nền kinh tế bị phá hủy bởi siêu lạm phát

Tình trạng lạm phát đẩy người dân Venezuela vào cảnh phải "cân" tiền, thay vì đếm tiền.

Nỗi sợ siêu lạm phát

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 1.000.000% sẽ là mức lạm phát ở Venezuela vào cuối năm nay. Người dân nước này đang trải qua những tháng ngày cứ hễ mở mắt ra là lại thấy giá trị tài sản bốc hơi, khiến những nhu cầu cấp thiết như nhu yếu phẩm hay các điều kiện y tế gần như không thể được đáp ứng. Những cuộc bạo loạn liên tiếp xảy ra càng đe dọa nguy cơ bất ổn chính trị. Và, thực tế là tổng thống nước này - ông Nicolas Maduro - từng bị ám sát hụt vào đầu tháng 8 vừa qua.

Nếu như lạm phát vừa phải với giá cả tăng chậm và dự báo được thì không đáng lo ngại, song nếu lạm phát tăng phi mã ở mức 100%, và siêu lạm phát ở mức 1.000% thì đó là nỗi khiếp sợ với mọi nền kinh tế. Venezuela không phải là nước rơi vào tình trạng siêu lạm phát duy nhất, bởi trong quá khứ, đã từng có nhiều nền kinh tế bị phá hủy bởi tình trạng này. Năm 1923, siêu lạm phát xảy ra ở Cộng hòa Weimar (thuộc nước Đức ngày nay) với tỷ lệ 10.000.000%, trong đó tháng 10/1923 lạm phát theo tháng cao nhất lên đến 29.500% và cứ sau 3,7 ngày giá cả lại tăng gấp đôi.

Link bài viết

Lần gần đây nhất, siêu lạm phát đã phá hủy nghiêm trọng nền kinh tế Zimbabwe, với tỷ lệ cao nhất vào tháng 11/2008 ở mức 79.600.000.000%. Theo đó, cứ 24,7 tiếng đồng hồ, giá cả lại tăng gấp đôi. Người ta thường xuyên chứng kiến cảnh tượng những chiếc xe chở đầy tiền Zimbabwe đi mua một ổ bánh mì. Tình hình tồi tệ đến mức nhiều cửa hàng tại đất nước này từ chối đồng nội tệ và chỉ nhận thanh toán bằng đồng USD hay đồng rand của Nam Phi.

Đó là chỉ hai trong nhiều trường hợp điển hình về siêu lạm phát từng xảy ra trước Venezuela. Hậu quả của lạm phát bao giờ cũng dẫn đến việc phá hoại nền kinh tế, làm tiền tệ mất giá nghiêm trọng và lượng cầu về tiền giảm đáng kể, có thể đẩy xã hội rơi vào cảnh rối ren và gây ra tình trạng bất ổn chính trị.

Chỉ vì chính phủ yếu kém

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng siêu lạm phát. Tuy nhiên, tựu trung lại chỉ là vì chính phủ quản lý nền kinh tế quá yếu kém. Trong nhiều trường hợp, chính phủ đã cho phép in tiền vô tội vạ để tài trợ chi phí chiến tranh, kéo theo thâm hụt ngân sách triền miên và thiếu hụt hàng hóa.

Như tại Cộng hòa Weimar, chính phủ nước này đã in tiền thiếu kiểm soát để tài trợ chiến tranh để rồi thua trận sau đó, khiến Weimar phải bồi thường chiến phí và đẩy nước này càng rơi vào cảnh sạt nghiệp. Chưa dừng lại ở đó, các cuộc đình công và phản kháng của người Đức trước yêu cầu bồi thường chiến phí quá cao đã đẩy Weimar vào cảnh hỗn loạn, sản xuất bị ngừng trệ và giá cả hàng hóa leo thang.

Hay như tại Zimbabwe, sau khi giành được độc lập vào năm 1980, những biện pháp cải cách kinh tế và quản lý yếu kém cùng với tình trạng tham nhũng tràn lan đã đẩy quốc gia châu Phi này rơi vào tình trạng siêu lạm phát.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng siêu lạm phát. Tuy nhiên, tựu trung lại chỉ là vì chính phủ quản lý nền kinh tế quá yếu kém.

Tổng thống nước này khi đó là Mugabe đưa ra chương trình phân phối lại đất đai, lấy đất từ nông dân gốc Âu phân phát cho nông dân bản xứ. Nhóm nông dân giàu kinh nghiệm sản xuất bỗng dưng mất đất, sản lượng nông nghiệp sụt giảm nghiêm trọng, giá tăng là điều không tránh khỏi.

Venezuela từng có nguồn thu nhập ổn định từ dầu mỏ và là một trong những nước giàu nhất Mỹ Latin. Tuy nhiên, chi tiêu của chính phủ đã không được kiềm chế và việc tiếp tục in thêm tiền để tài trợ thâm hụt ngân sách trong khi các khoản chi dành cho đầu tư, sản xuất lại bị cắt giảm khiến sản lượng khai thác dầu mỏ ngày càng đi xuống. Thêm vào đó là các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã đẩy nước này rơi vào tình cảnh như hiện nay.

Giải pháp không dễ dàng

Cách thức đơn giản nhất mà nhiều quốc gia xử lý khi tình trạng siêu lạm phát xảy ra là đổi tiền, nhằm giải quyết đồng tiền được xem là không còn giá trị. Tuy nhiên, giải pháp này thường mang lại hiệu quả không cao, thậm chí còn gây ra những phản ứng ngược. Cũng cần biết rằng, việc đổi tiền không chỉ là hệ quả của siêu lạm phát mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Không ít trường hợp lạm phát tăng tốc sau khi có những tin tức về việc chính phủ sẽ đổi tiền.

Để đồng tiền mới có được niềm tin trở lại, chính phủ phải cam kết giữ giá trị theo đồng USD hoặc đảm bảo hỗ trợ tài chính từ IMF. Điều này cũng không hề đơn giản, vì khi nền kinh tế còn ngổn ngang do thiệt hại từ siêu lạm phát, thì việc giữ ổn định giá trị đồng nội tệ theo đồng USD là rất khó. Và, để nhận được sự hỗ trợ tài chính từ IMF thì chính phủ buộc phải chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo, có khi phải đánh đổi bằng nhiều nguồn lực khác của đất nước.

Vì vậy, bên cạnh những cải cách tiền tệ, việc khôi phục sản xuất, thu hút đầu tư, thắt chặt không chỉ chính sách tiền tệ mà còn là chính sách tài khóa cũng phải được chú trọng. Trong nhiều trường hợp, cải cách thể chế cũng là điều cần thiết để giải quyết những điểm nghẽn về quản lý.

KHẢ HÂN