Thị trường phim Việt: Web drama sẽ đủ sức cạnh tranh với phim truyền hình?
Đời thường - Ngày đăng : 06:23, 01/09/2018
Cảnh trong web drama "Nam phi liên hoàn kế" |
Xu hướng giải trí được ưa chuộng
Web drama ở các nước phương Tây lệ thuộc vào các dịch vụ trực tuyến như Netflix. Netflix ra đời vào năm 1997 để nắm bắt xu hướng phát triển của internet. Năm 2012, Netflix chính thức ra mắt phim truyền hình trực tuyến Lilyhammer. Sự kiện này khiến ngành công nghiệp giải trí thế giới phải định nghĩa lại phim truyền hình và thị hiếu khán giả. Hiện Netflix có mặt ở 190 quốc gia, vùng lãnh thổ với gần 22 tỷ người dùng (tính đến cuối năm 2017).
Ở Trung Quốc và Hàn Quốc, web drama cũng đang trở thành xu hướng giải trí mới rất thu hút khán giả trẻ nên được các đài truyền hình và các công ty giải trí lớn tích cực đầu tư. Đơn cử như Diên hy công lược, Tam Quốc cơ mật... là 2 trong số web drama gây "sốt" gần đây không chỉ ở Trung Quốc mà ở cả Việt Nam.
Ở Việt Nam, web drama bắt đầu xuất hiện từ năm 2012 với các nhóm hài Dam TV, BB&BG, Ghiền Mì Gõ... thông qua những clip gây bão trong cộng đồng mạng như Kính vạn bông, Tình yêu tuổi học trò, Thang máy định mệnh... Nhưng kinh phí đầu tư thấp, diễn viên nghiệp dư, kỹ thuật sơ sài cộng với nội dung phim hời hợt nên chúng chỉ "vui là chính".
Cảnh trong web drama Glee (phiên bản Việt) |
Từ năm 2015 đến nay, mạng xã hội bùng nổ mạnh mẽ và YouTube ngày càng phổ biến, web drama cũng nở rộ với hàng hoạt phim ngắn, phim hài, phim sitcom xuất hiện. Trong đó, nhóm FAPtv hiện có 347 video, hơn 6 triệu người theo dõi và gần 2,4 tỷ lượt xem với những series như Cơm nguội (đã phát sóng hơn 170 tập), Em của anh đừng của ai, Chàng trai của em, Ai nói tui yêu anh... Ghiền Mì Gõ với 282 video đã đăng tải, hiện có hơn 2,7 triệu người theo dõi, gần 1,7 tỷ lượt xem...
Ra đời vào năm ngoái, nhóm La La School hiện có khoảng 1,7 triệu người theo dõi, gần 430 triệu lượt xem, đạt nút Play vàng của YouTube và giải thưởng Dự án giải trí đột phá của POPS Awards 2017.
Đáng kể là từ những phim ngắn trực tuyến với kinh phí vài triệu đồng, nhiều web drama đã tăng dần kinh phí lên chục triệu đồng và hiện nay là cả tỷ đồng để đầu tư hình ảnh, âm nhạc với chất lượng tốt như phim chính thống. Có thể kể như Ký túc xá, Biệt đội 1-0-2: Lật mặt showbiz, Cảm ơn Sensei, Thiên ý, Ai chết giơ tay, Nụ hôn ký ức..., hay nổi bật là Glee phiên bản Việt được xây dựng từ kịch bản nổi tiếng của Fox 20th Century Television Distribution (Mỹ), quy tụ dàn sao như NSƯT Thành Lộc, Angela Phương Trinh, Rocker Nguyễn, Hòa Minzy, Bích Ngọc Idol, Thái Trinh...
Web drama sẽ lấn lướt TV drama
Theo báo cáo của Công ty Nielsen, hiện có 92% người sử dụng internet ở Việt Nam xem video trực tuyến hằng tuần. Đây là tỷ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Con số này cho thấy web drama sẽ có tương lai tốt. Và sau các web phát hành phim trực tuyến sẽ là sự xuất hiện của những kênh truyền hình trực tuyến của các đài, kênh truyền hình chính thống. Như VTV - kênh truyền hình quốc gia từ lâu đã triển khai kênh VTV Giải trí với nhiều thể loại phim đa dạng.
Gần đây series tiền truyện (4 tập) của 2 bộ phim truyền hình Người phán xử và Quỳnh búp bê đã được chiếu trên trang VTV Giải trí. Đại diện của VFC - Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của VTV cũng cho biết đã có kế hoạch đầu tư và phát triển thị trường web drama. Một số nhà sản xuất phim truyền hình chuyên nghiệp như BHD sau phiên bản Glee năm ngoái, hiện đang thực hiện 2 dự án phim Việt hóa mới là Vì sao đưa anh tới và Hậu duệ mặt trời để chiếu trên mạng.
Cảnh trong web drama Biệt đội 1-0-2: Lật mặt showbiz |
Tuy nhiên ở thời điểm này, web drama vẫn là sân chơi chính của các nghệ sĩ hài và điện ảnh trên kênh YouTube của họ để khai thác lượng khán giả hâm mộ đông đảo. Hơn nữa, so với "đầu ra" của phim phát sóng trên truyền hình hay chiếu rạp, phim chiếu mạng không bị gò bó về đề tài, thể loại, không bị kiểm duyệt kịch bản và nội dung phim thành phẩm trước khi được phép phát sóng. Người làm web drama được sáng tạo theo ý thích, miễn nội dung phim không vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, sản xuất web drama không phụ thuộc vào lịch phát sóng của nhà đài hay lịch phát hành của chủ rạp, mà có thể lên sóng trực tuyến bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu.
Đồng thời, YouTube còn hỗ trợ bằng quy trình bảo vệ bản quyền cho các nhà phát hành độc lập. Nhờ vậy, nhiều nghệ sĩ như Huỳnh Lập, Thu Trang - Tiến Luật, Đại Nghĩa, Kinh Quốc, Nam Thư, Diệu Nhi... thời gian qua và sắp tới đều tích cực đầu tư làm web drama.
Thời web drama bùng nổ cũng cho thấy sự cạnh tranh khá quyết liệt. Theo Huỳnh Lập, vì nhu cầu và sự khắt khe của khán giả ngày càng cao nên việc sản xuất dòng phim này cần phải có sự chuyên nghiệp, sáng tạo chỉn chu hơn. Do đó, nhiều web drama có chi phí đầu tư lên tới vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Như Ai chết giơ tay (8 tập) có kinh phí 3,6 tỷ đồng, sau khi ra mắt đã giúp kênh Huỳnh Lập tăng lượng người theo dõi và nhận nút Play vàng của YouTube.
Bộ phim Thập tam muội của cặp đôi Thu Trang - Tiến Luật thuộc thể loại hành động - hài, hình ảnh chất lượng, dàn diễn viên hợp vai, hài không lố nên mỗi tập đều dẫn đầu tốp thịnh hành. Nhưng nếu muốn khai thác lợi nhuận qua nền tảng trực tuyến thì thời điểm này chưa cao. Nam Thư - chủ phim Nam phi liên hoàn kế từng cho biết, làm phim trên YouTube chỉ được tiếng, chi phí bỏ ra để thực hiện rất nhiều nhưng thu về không đáng kể.
Chỉ những kênh YouTube lâu năm, có tiếng với lượng người theo dõi lớn mới mong thu lại vốn. Diễn viên Kinh Quốc cũng từng xác nhận lỗ 600 triệu đồng sau một năm làm phim chiếu trên YouTube. Tuy biết khó thu hồi vốn nhưng vẫn làm vì các nghệ sĩ muốn có sản phẩm phục vụ khán giả đại chúng, tương tác hoặc phát triển kênh... để hưởng các giá trị tinh thần khác về lâu dài. Nhiều diễn viên trẻ diễn xuất trong web drama đã nhanh chóng được đông đảo khán giả biết đến tên tuổi.