Vươn ra thế giới - xu hướng tất yếu của doanh nghiệp Việt
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:26, 03/09/2018
Myanmar là thị trường thứ 10 Viettel đầu tư ngoài lãnh thổ Việt Nam |
Thành công như FPT, Vinamilk hay Viettel ở thị trường nước ngoài chưa thật phổ biến. Đa số công ty vẫn còn chật vật trong tiếp cận thị trường các nước.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dẫn số liệu của World Bank cho biết, trong 10 năm trở lại đây, dù đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đã tăng khoảng 30 lần nhưng kinh doanh chưa thật phát triển.
Các công ty đi sau, như FPT rút kinh nghiệm khi chỉ tập trung phát triển ở Mỹ, một số nước EU, Nhật Bản. Một số đơn vị như Công ty CP May Sài Gòn (Garmex Saigon) tìm cách thâm nhập thị trường nước ngoài bằng cách liên kết.
So với nhiều thương hiệu thời trang khác tại Mỹ, Gramicci là một thương hiệu nhỏ nhưng có hệ thống phân phối ở 7 tiểu bang và trên mạng Amazon. Đại diện Garmex cho biết: "Garmex có thể tận dụng sức mạnh của Gramicci. Ngược lại, Gramicci có thế khắc phục điểm yếu về sản xuất và phát triển mẫu mã nhờ hợp tác với Garmex. Đây chính là sự kết hợp sức mạnh đôi bên để cùng có lợi".
Rõ ràng, dù ở quy mô nào, dù đang thuận lợi hay gặp khó khăn thì đa số doanh nghiệp đều xác nhận vươn ra thế giới là xu hướng tất yếu. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên CEO Viettel từng khẳng định: "Thị trường trong nước sẽ đến lúc bão hòa, do vậy nước ngoài mới là thị trường lớn cho những doanh nghiệp muốn lớn mạnh. Khi ra bên ngoài, việc phải cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn của thế giới giúp chúng ta học hỏi được nhiều điều và lớn nhanh hơn".
Vươn ra thế giới cũng để giúp doanh nghiệp giảm rủi ro thị trường, đặc biệt thông qua việc M&A, doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội cải thiện năng lực quản lý, marketing và nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh theo hướng tinh gọn hơn.