Trung Quốc gặp khó với “giấc mộng” chip điện tử
Quốc tế - Ngày đăng : 06:36, 04/09/2018
Đó là thừa nhận của ông Lung Chu - Chủ tịch của SEMI China, hiệp hội các công ty trong lĩnh vực bán dẫn tại Trung Quốc với CNBC.
Theo ông Lung Chu, hiện nay Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu chip xử lý, thành tố cực kỳ quan trọng trong sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. Đây là một mối lo của chính quyền.
Từ năm 2014, Trung Quốc đã thiết lập các quỹ hỗ trợ nhằm giúp đỡ các nhà sản xuất công nghệ bán dẫn trong nước bắt kịp với đối thủ quốc tế.
Chính phủ Trung Quốc khi đó ban hành các hướng dẫn cho sự phát triển của ngành bán dẫn trong nước thông qua sáng kiến và đầu tư.
Nhưng thậm chí khi nỗ lực gấp đôi trong giấc mộng thống trị ngành công nghiệp chip, các công ty Trung Quốc tiếp tục đi sau đối thủ cạnh tranh.
Ông Lung Chu nói: “Có nhiều biểu hiện về việc tiền đã được đổ vào ngành này, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ còn lâu lắm Trung Quốc với bắt kịp các công ty hàng đầu thế giới”.
Thực chất, bản thân Trung Quốc đang nhìn ra lợi thế đi kèm thách thức.
Cũng theo lời ông Lung Chu, ngành sản xuất bán dẫn đã xuất hiện vài thập kỷ nay, nhưng hiện đang bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới hoàn toàn. Nguyên nhân là sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) hay mạng lưới di động thế hệ thứ 5 (5G).
Hiện Trung Quốc cũng chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ toàn cầu trong ngành chip, tuy nhiên các nhà cung cấp của nước này chỉ đáp ứng khoảng 13% nhu cầu nội địa.
Điều này nghĩa là Bắc Kinh phải hứng chịu thâm hụt thương mại lớn do phải nhập khẩu trong hạng mục này. Nói như ông Chu, thì “đó là mối quan tâm lớn của chính phủ, cho nền kinh tế, song cũng là cơ hội cho các công ty địa phương tham gia vào vòng tròn hội nhập của doanh nghiệp. Đó là động lực để lý giải tại sao Trung Quốc đang muốn làm nhiều hơn nữa”.
Là một phần của mục tiêu “Made in China 2025”, Bắc Kinh muốn có những nhà sản xuất chip nội địa cung ứng cho điện thoại thông minh, trong đó phải chiếm khoảng 40% thị trường trong nước vào năm 2025.
Đây cũng sẽ là cách giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, vốn có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế lẫn các yếu tố khác, ví dụ như chính trị. Gần đây, sự phụ thuộc ấy lộ rõ những gì chính quyền Trung Quốc lo âu giữa bối cảnh quan hệ kinh tế với Mỹ căng thẳng. Mỹ đã áp lệnh cấm cung cấp công nghệ và linh kiện cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE, khiến công ty này sụt giảm doanh thu đáng kể.