Trồng lúa hữu cơ: Cần sự tham gia của nhà phân phối
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:31, 04/09/2018
Gạo sạch Jasmine của HTX Tân Tiến đang bán tại hệ thống Siêu thị Co.opmart |
Để tạo thế cạnh tranh và cũng là đưa gạo sạch đến người tiêu dùng, nhiều địa phương đã tổ chức sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và đã thành công. Trong đó, mô hình sản xuất lúa sạch của HTX Tân Tiến tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long được chọn làm mô hình mẫu để nhân rộng.
Mỹ Lộc có diện tích 2.006ha đất nông nghiệp, trong đó có 1.202ha ruộng, 338ha vườn. Năm 2016, HTX Tân Tiến thành lập tại Mỹ Lộc để thực hiện chương trình trồng 31ha lúa sạch của huyện Tam Bình.
Do nông dân có trình độ hạn chế nên việc tiếp thu kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là giá lúa không ổn định, đặc biệt gạo sạch của Thái Lan xâm nhập mạnh vào thị trường nội địa khiến HTX Tân Tiến nhiều lần không hoàn thành mục tiêu mà chương trình này đặt ra. Thế nhưng sự kiên trì, bền bỉ của những người tâm huyết với nông sản sạch đã tác động tích cực đến nhận thức của nông dân nơi đây.
Sau 3 năm triển khai, mô hình HTX sản xuất lúa sạch tại Mỹ Lộc đã mang lại kết quả tích cực, từ kinh tế, xã hội đến môi trường. Cụ thể, năng suất bình quân từ gần 4 tấn/ha trong vụ hè thu 2016 tăng lên hơn 6 tấn/ha vụ đông xuân 2017 - 2018. Thu nhập của các hộ nông dân đạt từ hơn 14 triệu đồng/ha lên hơn 30 triệu đồng/ha. Năm 2017, lợi nhuận ước tính hơn 40 triệu đồng/ha/2 vụ.
Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã phân phối 2 loại gạo sạch là Jasmine (từ tháng 9/2016) và Hương Xuân (từ tháng 8/2018) của HTX Tân Tiến với sức tiêu thụ khoảng 20 tấn mỗi tháng.
Ông Phạm Trung Kiên - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết: "Chúng tôi tham gia chuỗi giá trị gạo theo hướng hữu cơ là muốn hướng đến nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững và loại bỏ bớt các khâu trung gian, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân. Saigon Co.op cam kết chia sẻ lợi nhuận để người trồng lúa sạch yên tâm sản xuất".
Vấn đề lo lắng nhất của những người làm nông sản hữu cơ là đầu ra sản phẩm. Đã có nhiều mô hình sản xuất lúa sạch thất bại vì thiếu nguồn tiêu thụ. Bởi, với lúa sạch, chi phí sản xuất tốn kém hơn, nhất là khâu cải tạo đất, nhiều nơi phải tốn thêm chi phí xử lý phèn. Đã vậy, thời gian đầu khi chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang canh tác hữu cơ, năng suất chưa cao khiến giá thành sản phẩm tăng.
Nhưng nhờ nguồn bao tiêu ổn định từ Saigon Co.op mà HTX Tân Tiến đã mở rộng diện tích canh tác, từ 31ha ban đầu đã tăng 45ha. Xã viên HTX Tân Tiến cho biết, Saigon Co.op không chỉ lo đầu ra mà còn cố vấn về tiêu chuẩn kỹ thuật canh tác và mua lúa với giá cao (cao hơn thị trường 40%). Nhờ vậy, dù năng suất chưa bằng với sản xuất theo phương thức cũ nhưng nông dân đều lãi lớn.
Đánh giá về chương trình sản xuất lúa sạch, ông Trần Hoàng Tựu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, tác động tích cực nhất mà chương trình mang lại là đã thay đổi nhận thức và tập quán canh tác từ sử dụng phân, thuốc hóa học sang sử dụng phân, thuốc sinh học, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, đất được cải thiện, nguồn lợi thủy sản được phục hồi. Những cánh đồng sản xuất lúa sạch ở Vĩnh Long, tôm, cua, cá đã sinh sôi, sức khỏe của người dân được cải thiện khi không còn dùng thuốc trừ sâu hóa học.
Mô hình này còn tạo ra chuỗi liên kết giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ hàng hóa, nông dân làm quen với phương thức sản xuất có bao tiêu sản phẩm, có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra.
Từ thành công này, lãnh đạo Vĩnh Long yêu cầu các cấp, các ngành của tỉnh vận động nhân dân tham gia, thực hiện chính sách hỗ trợ cho các HTX và nông dân, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó nhân rộng mô hình sản xuất lúa sạch. Lãnh đạo Vĩnh Long cho biết sẽ tập trung các nguồn lực của tỉnh cũng như liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để nhân rộng mô hình canh tác lúa hữu cơ ra phạm vi toàn tỉnh.
Thành công của mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở Vĩnh Long đã mở ra hướng đi mới trong việc cung ứng cho thị trường các loại gạo an toàn, chất lượng cao và góp phần bảo vệ môi trường.