Bà chủ của Happy Kibu và ước mơ làm lồng đèn hạnh phúc
Chân dung - Ngày đăng : 03:41, 05/09/2018
Lâm Thụy Nguyên Hồng - Giám đốc Sáng tạo Công ty Cổ phần Mỹ Thuật Gia Long. Ảnh: Quý Hoà |
Mùa trăng nhiều hoài bão
“Đây là những ngày bận nhất trong năm của Kibu”, chị Lâm Thụy Nguyên Hồng - Giám đốc Sáng tạo Công ty Cổ phần Mỹ Thuật Gia Long - mở đầu câu chuyện của mình như vậy.
Là một đơn vị chuyên cung cấp đồ chơi, học cụ sáng tạo, giáo cụ đa trí thông minh v.v. 100% Made in Việt Nam từ ý tưởng đến sản xuất, vào mỗi mùa lễ hội, Kibu đều mang đến thị trường những sản phẩm rất sáng tạo của mình. Tuy nhiên, Trung thu lại là thời gian Kibu dốc toàn lực.
Cũng như những mùa Trung thu nhiều năm trước, chị Nguyên Hồng kể, khi còn là giảng viên Khoa Mỹ thuật Ứng dụng, Đại học Kiến Trúc TP.HCM, nhìn thị trường tràn ngập lồng đèn pin nhựa Trung Quốc, còn lồng đèn Việt thì chỏng chơ đợi khách, chị đã nhen nhóm một ước mơ cho đồ chơi Việt. Nhìn các sinh viên của mình ra trường, không có cơ hội để phát huy sáng tạo, chị lại càng quyết tâm biến ước mơ thành sự thật.
Link bài viết
Năm 2012, lồng đèn Kibu trình làng với 32 mẫu làm bằng giấy, sử dụng được cả đèn cầy và pin. Chỉ trong một thời gian ngắn, 200.000 sản phẩm đầu tay được bán hết. Nguyên nhân là lồng đèn Kibu hoàn toàn khác biệt với những gì đang có trên thị trường. Không bán sẵn, đèn Kibu muốn chơi được đòi hỏi trẻ và bố mẹ phải cùng nhau lắp ráp.
Chị chia sẻ: “Tôi muốn bọn trẻ có những kỷ niệm đẹp về gia đình trong mùa Trung thu, để chúng luôn ngóng đợi dịp vui này, như ngày trước bố mẹ chúng cũng vậy”.
Nhiều công ty còn mua số lượng lớn sản phẩm của Kibu để tổ chức ngày hội rước đèn và thi lắp ráp lồng đèn cho trẻ em. Tín hiệu vui đầu tiên ấy chính là nguồn động lực lớn giúp chị quyết định bám trụ thị trường này. Biết nhu cầu của trẻ là luôn thích những điều mới lạ, từ lồng đèn giấy, mỗi mùa trăng, Nguyên Hồng lại phát triển thêm nhiều sản phẩm như lồng đèn có thêm phụ kiện mặt nạ, đồng hồ, lồng đèn bằng mút, lồng đèn bật sáng ước mơ, gieo vào trẻ những suy nghĩ đầu tiên về nghề nghiệp sau này của mình...
Hơn 5 năm làm lồng đèn Việt, những chiếc đèn mang thương hiệu Kibu “chiến đấu” với lồng đèn Trung Quốc và trụ vững ở thị trường khó khăn này.
"Tôi muốn bọn trẻ có những kỷ niệm đẹp về gia đình trong mùa Trung thu, để chúng luôn ngóng đợi dịp vui này, như ngày trước bố mẹ chúng cũng vậy".
Tuy nhiên, chị Hồng đang lo lắng nhiều hơn. Bởi vì, không chỉ là đồ chơi cho một mùa lễ hội, chị có chút tham vọng và ký gửi nhiều thông điệp trong sản phẩm lần này. Với tay lấy những chiếc lồng đèn ông sao nhiều màu sắc trước mặt, chị Nguyên Hồng cho biết, sản phẩm chủ lực của Kibu năm 2018 là đèn ông sao đa trí thông minh. Đây là những chiếc đèn lắp ráp, được thiết kế đẹp mắt, có thân trống ở giữa, cùng đèn LED và loa phát nhạc bên trong để trẻ có thể “biến tấu” thành hai món đồ chơi riêng.
Tuy nhiên, theo từng màu sắc của chiếc đèn là từng triết lý theo thuyết “đa trí thông minh” được Giáo sư Howard Gardner, Đại học Harvard phát triển. 8 loại hình thông minh khác nhau để miêu tả một phạm vi rộng lớn các tiềm năng của con người bao gồm: ngôn ngữ, không gian, âm nhạc, giao tiếp, toán học, vận động, tự nhiên và nội tâm, được dùng làm triết lý để Kibu tạo nên 8 mẫu lồng đèn khác nhau.
“Thông qua việc giới thiệu thuyết đa trí thông minh, tôi muốn phụ huynh sẽ chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ, biết con mình có thế mạnh nào, điểm yếu nào để phát huy cho trẻ”, chị giải thích.
Tiếng nói từ cổ tích
Cùng với lồng đèn ông sao đa trí thông minh, phục vụ cho số đông, Kibu còn phát triển lồng đèn cổ tích. Với định hướng không chỉ cùng làm lồng đèn, phụ huynh sẽ cùng bé chơi với sản phẩm vừa làm ra. Lồng đèn cổ tích của Kibu tạo hình các nhân vật nổi tiếng trong cổ tích Việt Nam và phía sau lồng đèn có in tóm tắt nội dung câu chuyện.
Thiết kế nhiều màu sắc nhưng chỉ thuần bằng giấy, lồng đèn cổ tích của Kibu có giá chỉ 25.000 đồng. “Tôi muốn sản phẩm đến với số đông trẻ em Việt Nam như một món quà”, chị Nguyên Hồng chia sẻ. Đó cũng chính là lý do Kibu đang lên kế hoạch làm việc với các trường mẫu giáo, các khu công nghiệp để triển khai chương trình tặng lồng đèn cho trẻ em nghèo, con em công nhân, các mái ấm...
Chỉ trong một thời gian ngắn, 200.000 sản phẩm đầu tay được bán hết. Nguyên nhân là lồng đèn Kibu hoàn toàn khác biệt với những gì đang có trên thị trường. Không bán sẵn, đèn Kibu muốn chơi được đòi hỏi trẻ và bố mẹ phải cùng nhau lắp ráp |
Công việc kinh doanh ngày càng đòi hỏi nữ doanh nhân phải dành thời gian nhiều hơn, chị bấm bụng bỏ bớt công tác giảng dạy, chỉ tham gia thỉnh giảng. Chị quyết tâm xây dựng một doanh nghiệp mang lại hạnh phúc cho các gia đình thông qua những giải pháp và sản phẩm sáng tạo.
"Nếu kiến tạo nên được một doanh nghiệp hạnh phúc, có phải là chúng ta sẽ có được những nhân lực hạnh phúc? Từng nhân lực hạnh phúc khi đi làm việc, chắc chắn họ sẽ mang được hạnh phúc đến gia đình nhỏ của họ. Trong đó, con cái họ, trẻ em Việt Nam sẽ được chăm chút nhiều hơn. Và nếu có nhiều doanh nghiệp hạnh phúc, nền kinh tế chung cũng sẽ khỏe mạnh hơn...”, chị triết lý.
Vì điều này mà chị chấp nhận “đập đi, xây lại” từ thương hiệu Kibu Design thành Happy Kibu với việc tái thiết hệ thống quản trị, hệ thống nhận diện thương hiệu, truyền thông... Vẫn biết, thay đổi nào cũng phải trả một cái giá nhất định nhưng Nguyên Hồng tin, con đường khó khăn của mình, khi đã chinh phục được sẽ mang đến ý nghĩa rất lớn, không chỉ cho bản thân mà cho cả cộng đồng.
(Theo NCĐT - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)